Thâm nhập thế giới 'tín dụng đen': Qua đêm thu lãi... chục triệu
Không chỉ những người lao động tự do sống ở xóm liều, hay những cô gái giang hồ phải vay lãi suất cao, mà trong giới “tín đụng đen”, còn có những phi vụ cho vay với số tiền và lãi suất “khủng”...
Thâm nhập vào thế giới “tín dụng đen”, mới biết được việc cho vay lãi ngày, hay bốc họ cũng chỉ là cò con. Những người làm tay to, cho vay lãi tính theo đêm mới là ăn đủ. Sau những ngày cà kê với các ông chủ “tín dụng đen”, cuối cùng tôi cũng tiếp cận được những khách vay “vip”.
Cầm đồ lãi suất cao là một trong những hình thức cho vay “tín dụng đen” (ảnh minh họa). I.T
Tổng giám đốc vay tiền
Đã quá nửa đêm, tôi và Đạo Đồng vẫn còn gật gù với nhau trong quán hát thì điện thoại của Đạo Đồng nhấp nháy. Đồng tắt nhạc, rồi bật loa ngoài nghe điện, đầu dây kia nói: “10 giờ sáng mai em xuống Hà Nội chúc tết, anh chuẩn bị cho em 3 quẩy (3 tỷ- PV) vay trong vòng 5 ngày để đi xin cái dự án”. Không cần suy nghĩ, Đạo Đồng nói: “Ok, mai xuống lấy”.
"Việc vay tiền của nhau thực tế là có cầu sẽ có cung. Vì là nhu cầu của người dân họ không bị cấm cho nhau vay, cả người vay lẫn người cho vay đều biết được mức độ trả lãi, không ai bắt ép được ai. Nhưng từ sự vay mượn khá phổ biến này, mà nảy sinh các vấn đề tội phạm như: Cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, thanh toán lẫn nhau, sẽ dẫn đến một xã hội không an toàn, có tính bất ổn cao. Vì vậy, muốn an toàn cho bản thân và gia đình, người dân không nên tìm đến những dịch vụ “tín dụng đen” vì bất cứ lý do gì” .
Nguyễn Thị Như Trang - Tiến sĩ chuyên ngành xã hội học tội phạm Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
|
Sáng hôm sau, tôi đi cùng mấy đệ tử của Đạo Đồng tới nhà khách Sơn La ở mặt tiền đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân). Cầm 2 túi tiền trong tay, Hưng- một giám đốc công ty xây dựng ở Sơn La cho biết: “Cuối năm đang làm thủ tục giải ngân công trình xin vốn xây thủy điện nhỏ. Sợ thiếu tiền đối ngoại, phải vay 3 tỷ để dự phòng”. Với kiểu vay nóng qua đêm này thì cứ 1 tỷ, qua một đêm phải trả lãi 10 triệu. Riêng phi vụ này, Hưng phải trả 150 triệu đồng cho 5 đêm với số tiền vay 3 tỷ.
Đã quá quen với kiểu vay lãi như thế này, Hưng chia sẻ thật: “Phải chấp nhận thôi, là doanh nghiệp phải tính toán đánh đổi, bỏ ra khoản nhỏ để lấy được khoản lớn. Đằng nào cũng sắp tết rồi, chi đậm tí để được việc”. Hưng cũng chia sẻ thêm: “Vay tiền như thế này để chạy vốn cũng là chuyện bình thường.
Khi đối tác gọi điện rủ đi giao lưu còn có cái để chủ động. Tuy là doanh nghiệp nhưng trong túi chẳng có nổi vài chục triệu, đành vay nóng, dằn túi vài chục ngàn đô đi tháp tùng các sếp là chuyện bình thường. Tuy vay tiền thế này, có hơi chát một tí nhưng để được việc vẫn phải chấp nhận nghiến răng thôi”.
Giao tiền cho khách xong tôi trở về chỗ Đạo Đồng. Sau mấy ngụm cà phê hắn chia sẻ, hiện nay hắn thường xuyên cung cấp các khoản vay nóng - cho gần 100 khách hàng là doanh nghiệp, nhưng để cho vay được tiền cũng phải cử người đi thẩm tra, biết được khách hàng là dạng người nào; làm ăn ra sao, có đàng hoàng hay không.
Nếu ở tỉnh xa thì trong vòng 2 ngày, quân của Đạo Đồng “phách vị” được hết. Nếu thấy ổn mới giải ngân. Tìm hiểu kỹ rồi thế mà thỉnh thoảng Đạo Đồng vẫn bị khách trốn, chây ỳ trả. Đạo Đồng kể: Cách đây mấy tháng, hắn bị mất khoản vay 1,8 tỷ đồng cho khách hàng ở Bắc Giang. Vay gần 2 tháng, khách trốn mất tăm, tung hết quân đi trong Nam, ngoài Bắc mà chưa tóm được.
Rủi ro và bất ổn cao
Chia sẻ với NTNN về những hệ lụy do hoạt động “tín dụng đen” này, luật sư Nguyễn Hữu Lầm - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Hiện nay, các vụ việc cho vay dân sự như thông tin Báo NTNN nêu là khá phổ biến. Rất nhiều vụ dẫn đến vấn đề hình sự, thanh toán lẫn nhau. Trên thực tế, cả người cho vay và người được vay tiền đều có thể gặp rủi ro rất cao. Bởi với lãi suất từ 180 - 360%/năm thì không ai có thể chịu được.
Đủ bằng chứng thì quy được vào tội cho vay nặng lãi. Hầu hết tâm lý người vay tiền đều không muốn tố cáo, nên rất khó cho các cơ quan chức năng vào cuộc. Còn về phía người cho vay, rõ ràng, hoạt động này xuất phát từ lợi nhuận. Nếu xảy ra tranh chấp với người vay, cơ quan pháp luật sẽ khó lòng bảo vệ được họ, vì cho vay chủ yếu là những thỏa thuận bằng miệng hay giấy viết tay - những yếu tố thiếu cơ sở pháp lý để ràng buộc. Họ chỉ còn cách xử lý nhau theo kiểu “xã hội đen”, dẫn đến hậu quả không chỉ rủi ro về đồng tiền vay và cho vay, mà rủi ro cả về tính mạng, sức khỏe. Chính vì vậy, người dân nên tránh xa “tín dụng đen”. Có như vậy, xã hội mới yên ổn, tránh phát sinh những vụ việc hình sự.
Còn thạc sĩ luật Nguyễn Đức Hùng - Công ty Luật TNHH Bross và Cộng sự đưa ra lời khuyên: Khi bên vay không trả nợ đầy đủ, đúng hạn hoặc xảy ra tranh chấp liên quan đến việc cho vay nợ thì trước hết, các bên cần tự thương lượng, thỏa thuận cách thức giải quyết. Khi các bên không thể tự thương lượng, hòa giải được với nhau thì có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án nhân dân có thẩm quyền, đề nghị tòa án bảo vệ quyền lợi cho mình theo thủ tục tố tụng dân sự. Các bên không được phép sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, có các hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của nhau, đó đều là các hành vi trái pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm các hành vi này sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định./.
Khánh Gia
Dân việt
|