Nhịp đập Thị trường 20/01: Khối ngoại quay lại mua ròng
Trong suốt phiên giao dịch, le lói lên những khoảng khắc sắc xanh trở lại với VN-Index, tuy nhiên sắc đỏ vẫn là tông màu chủ đạo ngày hôm nay. Đóng cửa, VN-Index mất 6.33 điểm, lùi về 529.44 điểm, HNX-Index giảm 0.37 điểm, còn 73.93 điểm.
Kết thúc phiên, số lượng mã kịch sàn lên tới 43 mã, trong đó có nhiều mã đình đám như HAG, FLC, HTL, VHG, HVG và MHC.
Khá nhiều mã Large Cap giảm điểm mạnh như BVH giảm 800 đồng, GAS giảm 1,200 đồng trong khi đó nhóm ngành Ngân hàng đại diện bởi CTG, BID, VCB đỏ điểm trong phần lớn thời gian giao dịch.
Thanh khoản toàn thị trường tăng gần 15% so với phiên giao dịch ngày hôm qua khi có hơn 166 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công với giá trị lên tới 2,271 tỷ đồng.
Hôm nay khối ngoại mua ròng trên cả hai sàn với giá trị hơn 8 tỷ đồng trên sàn HNX và hơn 22 tỷ đồng trên sàn HOSE. Đáng chú ý, CII chính là cổ phiếu được khối ngoại mua vào cao nhất trong suốt phiên, với tổng giá trị mua ròng lên hơn 91 tỷ đồng.
13h40: 32 mã nằm sàn, VN-Index có lúc mất đến 6 điểm
Diễn biến thị trường trong thời gian đầu của phiên chiều đi theo hướng xấu hơn khi có thời khắc VN-Index lao dốc hơn 6 điểm. Ảnh hưởng không nhỏ lên chỉ số lúc này là thông tin không mấy tích cực của chứng khoán Nhật Bản rơi thẳng vào thị trường con gấu và sự sụt giảm mạnh mẽ của hàng loạt chỉ số chứng khoán Châu Á khác.
Đến 13h39, VN-Index cắt giảm đà điều chỉnh, hiện chỉ còn giảm 3.58 điểm so với mở cửa, tạm giao dịch quanh mốc 532.19 điểm. HNX-Index cũng quay lại mốc 73.75 điểm, cách mốc tham chiếu 0.55 điểm.
Đà giảm của các mã Large Cap khá tương tự như thời điểm đáy trong phiên sáng, với sự rớt điểm mạnh mẽ của GAS, BVH và MSN trong khi VHG hiện đã kịch sàn. Chỉ số VS-Large Cap hiện đã giảm 2.54 điểm, trong khi VS-Mid Cap giảm 0.73 điểm. Số lượng mã kịch sàn đã lên tới con số 32 mã.
Đáng chú ý, xuất hiện khá nhiều lệnh mua lớn với giá sàn của những mã đình đám như FLC, HAG, HAR, và HQC. Trong khi đó, lượng cung lớn ở mức giá trần lại xuất hiện ở ITA, KSA.
Đến thời điểm hiện tại đã có gần 106 triệu cổ phiếu được sang tay với giá trị giao dịch hơn 1,474 tỷ đồng.
Phiên sáng: Đảo chiều thất bại
Việc cả hai chỉ số nhanh chóng đảo chiều và mang lại sắc xanh trên hai sàn khiến cho không ít nhà đầu tư vui mừng. Tuy nhiên, nỗi vui ấy không kéo dài được bao lâu khi VN-Index nhanh chóng mất nhịp tăng và một lần nữa sắc đỏ lại trải đầy bảng điện.
Đến thời điểm nghỉ giữa phiên, VN-Index đã mất 3.02 điểm so với mở cửa, chỉ còn 532.75 điểm. HNX-Index mất 0.41 điểm, lùi về 73.89 điểm.
Ảnh hưởng tới đà giảm của chỉ số vẫn chính là những ông lớn như BVH, GAS, CTG và BID. Trong khi đó, VIC, VCB và MSN lại quay trở về mốc tham chiếu. Đáng chú ý, có sự phân hóa mạnh trong nhóm ngành Ô tô khi HTL giảm sâu 8,000 đồng còn TMT tăng mạnh 1,500 đồng. Trong khi đó, hai mã đầu cơ KSA và JVC lại tiếp tục giữ vững sắc tím đến thời điểm này.
Trong phiên sáng, hơn 83 triệu cổ phiếu đã được chuyển nhượng thành công với giá trị hơn 1,179 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên giao dịch ngày hôm qua.
Độ mở thị trường còn hẹp với 142 mã tăng và 183 mã giảm, hiện đã có 22 mã giảm kịch sàn.
10h50: Sắc xanh trở lại
Đến 10h52, sắc xanh đã trở lại với VN-Index, chỉ số hiện đang cách mốc tham chiếu 0.42 điểm, và tạm giao dịch quay mốc 536.19 điểm. Đây là một pha đảo chiều ấn tượng trong gần 1 giờ qua của VN-Index.
Trong khi đó HNX-Index cũng đang từng bước để trở lại mốc tham chiếu, hiện giờ chỉ cách mức giá vào thời điểm mở cửa là 0.12 điểm, tạm dừng ở 74.18 điểm.
Sự phục hồi nhanh chóng của VN-Index đến từ sự tăng điểm trở lại của hàng loạt mã Large Cap. Hiện tại BVH đã tăng 700 đồng, FPT tăng 400 đồng và VCB tăng 500 đồng/cp.
10h35: Đà giảm hạ nhiệt
Thị trường sau những thời khắc giảm sâu đến 5 điểm, hiện đang chững lại đà giảm và liên tục giằng co quanh mức giảm 3.7 điểm. Đến 10h35, VN-Index đang lùi về 532.4 điểm, mất 3.37 điểm so với mốc tham chiếu. HNX-Index đã quay về 73.9 điểm, giảm 0.4 điểm so với đầu phiên.
Hiện tại, VN-Index không còn một trụ vững nào. Bên cạnh đó, có khá nhiều mã đang giảm sâu hơn như MSN giảm 1,500 đồng, GAS giảm 800 đồng và DGW giảm 2,100 đồng.
Le lói sắc xanh trong bảng điện rực đỏ là sự tăng điểm của những mã có vốn hóa vừa và nhỏ như TMT, BCI, DHM và SRC. Tuy nhiên, cầu giá cao của những mã xanh điểm này khá yếu trong khi lượng cung giá thấp của khá nhiều mã khác trong sàn lại được đưa ra. Như vậy, hiện tại đang có sự chênh lệch giữa cầu và cung cổ phiếu.
Thanh khoản chưa có những chuyển biến tích cực khi chỉ có gần 44 triệu cổ phiếu được sang tay cho đến thời điểm này với giá trị gần 502 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong giao dịch thỏa thuận, 3 triệu cổ phiếu VHG đã được chuyển nhượng với giá trị hơn 16 tỷ đồng.
Mở cửa: Mất đà hồi phục
Chỉ sau hơn 30 phút từ thời điểm mở cửa, cả hai chỉ số nhanh chóng lao dốc, đối ngược hoàn toàn với pha phục hồi ấn tượng ngày hôm qua. Đến 9h40, VN-Index giảm 4.73 điểm, chỉ còn 531.04 điểm, HNX-Index giảm 0.7 điểm, tạm giao dịch quanh mốc 73.6 điểm.
Hàng loạt mã Large Cap giảm điểm chính là nguyên nhân khiến hai chỉ số HNX-Index và VN-Index giảm điểm. Trong đó, giảm mạnh phải kể tới những mã có vốn hóa lớn như BVH giảm 600 đồng, VCB giảm 700 đồng, BMP giảm 2,000 đồng và MSN giảm 1,000 đồng/cp.
Ảnh hưởng từ giá dầu trên thị trường thế giới khiến cho giá cổ phiếu GAS và nhóm mã “họ P” giảm mạnh trong buổi sáng hôm nay, phải kể đến là PVD, PET, PVT, PGC và PGD.
Độ mở trên thị trường khá hẹp với 74 mã tăng, và 183 mã giảm. Khá nhiều mã hiện đang giảm sàn như AGR, PTL trong khi đó mã đầu cơ JVC lại tăng trần và đang có hiện tượng trắng bên bán. Nổi bật khi đi ngược lại xu hướng thị trường là DVP, một mã đại diện của ngành Cảng biển, ngành được xem có khá nhiều triển vọng trong năm nay lại liên tục bứt phá và nhanh chóng đạt trần khi tăng 4,000 so với tham chiếu.
Tính đến thời điểm này chỉ có hơn 18 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công với giá trị gần 215 tỷ đồng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo trong năm 2016 sẽ thừa 1 triệu thùng dầu/ngày. Bên cạnh đó những thông tin không mấy khả quan về đà giảm tốc của Trung Quốc cũng làm gia tăng những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu năm 2016 sẽ bị sụt giảm.
|