Hàng loạt ngân hàng trung ương châu Á sẽ “thay tướng” trong năm 2016
Hàng loạt thống đốc ngân hàng trung ương châu Á sẽ hết nhiệm kỳ trong năm nay, ngay tại thời điểm nền kinh tế khu vực đối mặt với nhiều trở ngại to lớn.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia, Zeti Akhtar Aziz
|
Theo Bloomberg, cơ quan quản lý tiền tệ Australia và Malaysia dự kiến bổ nhiệm thống đốc mới trong khi nhiệm kỳ của thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) cũng kết thúc.
Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc, giá hàng hóa vẫn trên đà trượt dài, và các nhà làm chính sách châu Á dự định cắt giảm lãi suất hơn nữa thậm chí khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu quá trình thắt chặt tiền tệ.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia (RBA)
Sau một thập kỷ nắm giữ cương vị này, Thống đốc RBA Glenn Stevens sẽ thôi chức vào tháng 9 tới. Trong thời gian tại vị của ông Stevens, có giai đoạn kinh tế Australia tăng trưởng nóng nhờ sự bùng nổ của lĩnh vực khai khoáng trước khi hạ nhiệt nhanh chóng. Đà lao dốc của giá quặng sắt đã trở thành vấn đề nổi cộm nhất trong những năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông, buộc RBA phải hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI)
Kể từ khi nhận chức RBI vào năm 2013, ông Raghuram Rajan đã tạo ra nhiều đợt sóng. Ngoài việc khiến các thị trường bất ngờ với những lần hạ lãi suất đột ngột, ông Rajan còn gia tăng quy mô kho dự trữ ngoại hối của nước này và đồng ý với mục tiêu lạm phát mới của Chính phủ. Ông Rajan cũng đạt được thỏa thuận về một ủy ban chính sách tiền tệ mới. Nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào năm nay và nhà kinh tế trưởng trước đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn chưa biết ông sẽ được tái bổ nhiệm hoặc chuyển sang các lĩnh vực khác. Được biết, vị trí Thống đốc RBI là cho Chính phủ Ấn Độ bổ nhiệm.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia, Zeti Akhtar Aziz, có thể thôi chức vào tháng 4 tới sau 14 năm trên cương vị này. Bà Zeti đã ghi dấu ấn với việc gia tăng sự độc lập của NHTW Malaysia trong suốt nhiệm kỳ của mình. Bà Zeti cho biết người kế nhiệm bà có thể là một ứng viên nội bộ, dù vậy việc lựa chọn Thống đốc là do Chính phủ Malaysia quyết định.
Thống đốc NHTW Hàn Quốc và Trung Quốc
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cũng sẽ chứng kiến sự cải tổ trong năm nay. Dù ông Lee Ju Yeol sẽ vẫn giữ chức Thống đốc BoK sau 35 năm trên cương vị này nhưng hội đồng chính sách gồm 7 thành viên của BoK sẽ chứng kiến nhiều sự xáo trộn vào tháng 4 tới.
Dù chứng kiến nhiều sự thay đổi như vậy, nhưng một số nhà làm chính sách dày dạn kinh nghiệm nhất khu vực vẫn còn tại vị. Hiện thống đốc ngân hàng trung ương có thâm niên lâu nhất châu Á là ông Perng Fai-nan, người đã giữ chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đài Loan từ năm 1998 đến nay. Lần gần nhất ông được bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa là vào năm 2013.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) Chu Tiểu Xuyên là thống đốc có thâm niên lâu nhất của G20. Ông là người “cầm trịch” các cuộc cải cách thị trường tài chính Trung Quốc, chẳng hạn như việc đưa đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế và nới lỏng lãi suất trong nước. Ông Chu Tiểu Xuyên được Chủ tịch Tập Cận Bình tái bổ nhiệm vào năm 2013 và có dự báo cho rằng theo định kỳ vị thống đốc 68 tuổi này có thể sẽ được thay thế./.
Quá trình thay đổi lãi suất và tăng trưởng GDP của 4 NHTW châu Á
Nguồn: Bloomberg
|
Nguồn: Bloomberg
|
|