5 quốc gia lao đao vì dầu
Các nước sản xuất dầu thô trên thế giới đang rơi vào cảnh lao đao do giá dầu thấp. Các khoản thặng dư ngân sách khổng lồ trước đây nay đã chuyển thành thâm hụt và các chương trình an sinh xã hội hào phóng được thay thế bằng các biện pháp cắt giảm ngân sách và “thắt lưng buộc bụng”.
* Dầu WTI lao dốc hơn 30% năm thứ 2 liên tiếp, dầu Brent bốc hơi liền 3 năm
* Hành trình xăng dầu 2015
Giá dầu đã giảm sâu xuống dưới 37 USD/thùng so với mức trên 100 USD/thùng vào giữa năm 2014. Tình trạng thừa dầu trên toàn cầu cũng như việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) kiên quyết bơm dầu như thể không có ngày mai, cùng nhu cầu ngày càng giảm từ Trung Quốc và các quốc gia khác đã đẩy giá “vàng đen” xuống các mức đáy mới.
Trong năm 2015 vừa qua, giá dầu WTI tại Mỹ đã giảm tổng cộng 30.5% và nâng tổng mức sụt giảm trong 2 năm vừa qua lên 62.4%. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1998, dầu WTI giảm giá 2 năm liên tiếp. Trong khi đó, giá dầu Brent tại London bốc hơi tổng cộng 35% trong năm 2015, đánh dấu năm giảm giá thứ 3 liên tiếp.
Trước kết quả này, CNNMoney đã thống kê 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi giá dầu lao dốc mạnh.
1. Venezuela
Venezuela là nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Trong nhiều năm qua, Chính phủ nước này đã sử dụng số tiền có được từ hoạt động sản xuất dầu để chi trả cho các khoản hưu trí, chăm sóc sức khỏe, trợ cấp xã hội và thậm chí và trợ cấp cho lĩnh vực nhà ở và các cửa hàng tạp hóa.
Tuy nhiên, hiện tại kinh tế nước này đang đứng trước bờ vực sụp đổ. Lạm phát đã leo thang mạnh tới 150% trong năm 2015 vào được dự báo tăng hơn 200% vào năm tới. Chính phủ nước này không thể thanh toán các hóa đơn và đã xảy ra tình trạng thiếu hụt thực phẩm cũng như các nguồn cung cơ bản.
Đà suy giảm của nền kinh tế đã kéo theo đó là những bất ổn về mặt chính trị. Đầu tháng này, đảng đối lập Bàn tròn Thống nhất Dân chủ (MUD) của Venezuela đã chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu tiên trong 17 năm và giành quyền kiểm soát Quốc hội.
2. Ả-rập Xê-út
Dầu chiếm 75% doanh thu của Ả-rập Xê-út và tình hình tài chính của nước này đang khá khó khăn. Với mức thâm hụt ngân sách gần 100 tỷ USD trong năm 2015, Chính phủ Ả-rập Xê-út tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” khắc nghiệt vào năm tới.
“Đó là một lời nhắc nhở rằng thậm chí nhà sản xuất dầu với chi phí thấp nhất thế giới cũng phải nhờ vào giá dầu cao hơn để cân bằng ngân sách của mình và các mức giá hiện tại không làm được điều này”, nhận định của Kit Juckes, chiến lược gia toàn cầu tại Societe Generale.
3. Nigeria
Nhà sản xuất dầu lớn nhất châu Phi đang gặp khó khăn. Dầu chiếm xấp xỉ 75% doanh thu của Chính phủ Nigeria và gần 90% kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Đà tụt dốc của giá dầu đã khiến Chính phủ Nigeria không thể thanh toán các hóa đơn. Truyền thông địa phương đưa tin, tại một số khu vực, các viên chức nhà nước đã không được nhận lương trong nhiều tháng.
Bên cạnh đó, hiện nước này đang đối mặt với trình trạng cúp điện và thiếu hụt nhiên liệu.
4. Nga
Gần một nửa doanh thu của Chính phủ Nga đến từ hoạt động xuất khẩu dầu khí. Đà lao dốc của giá dầu diễn ra trong bối cảnh Nga đã bị ảnh hưởng bởi các hình phạt kinh tế của phương Tây do sự liên quan của nước này đến cuộc chiến tại Ukraina.
Ngân sách của Nga được xây dựng dựa trên kịch bản giá dầu ở mức 50 USD/thùng nhưng hiện nhiên liệu này đang giao dịch quanh mốc 37 USD/thùng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Nga sẽ giảm 3.8% trong năm nay và giảm tiếp 0.6% trong năm 2016.
5. Iraq
Giá dầu thấp đang tác động nặng nề đến tình hình tài chính của Iraq trong bối cảnh nước này rất cần nguồn thu để tài trợ cho cuộc chiến chống Tổ chức nhà nước Hồi giáo (ISIS).
Iraq đã bơm một lượng dầu kỷ lục trong năm nay nhưng đà gia tăng của sản lượng đã không thể bù đắp cho đà sụt giảm của giá dầu. Dù có trữ lượng dầu khổng lồ nhưng quốc gia này cần đầu tư hơn nữa vào cơ sở hạ tầng để có thể tiếp cận được kho tài nguyên này./.
|