Dow Jones lao dốc không phanh 566 điểm
- S&P 500 ngã nhào 3.5% xuống thấp nhất từ năm 2014
- Dầu giảm sâu hơn 5% về sát mức 26 USD/thùng
Chứng khoán Mỹ giảm điểm chóng mặt trong phiên giao dịch ngày thứ Tư khi đà lao dốc của giá dầu tiếp tục gây áp lực lên các thị trường chứng khoán toàn cầu.
* Chứng khoán Nhật Bản lao vào thị trường con gấu
* Tỷ phú nào có tài sản tăng mạnh nhất thế giới khi giá dầu lao dốc?
Nguồn: CNN Money
|
Vào lúc 00h40 phút ngày 21/01 theo giờ Việt Nam, chỉ số Dow Jones tích tắc bốc hơi hơn 566 điểm với tác động mạnh nhất đến từ cổ phiếu IBM. Chỉ số Nasdaq cũng hạ mạnh hơn 3.5% trong khi S&P 500 tích tắc ngã nhào hơn 3.5% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2014 và thấp hơn cả mức đáy trong phiên xác lập vào tháng 10/2014 tại 1,820 điểm, một ngưỡng kỹ thuật mà nhiều chuyên viên giao dịch đang theo dõi.
Từ đầu năm đến nay, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã giảm hơn 9% và hiện đã bước vào phạm vi điều chỉnh với mức sụt giảm hơn 10% so với các mức cao nhất trong 52 tuần.
Trên thị trường dầu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 2 trên sàn Nymex (WTI) giảm sâu hơn 5% xuống dưới 27 USD/thùng và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2003. Được biết, hợp đồng dầu thô giao tháng 2 sẽ hết hạn sau giờ đóng cửa ngày thứ Tư. Hợp đồng dầu giao tháng 3 sụt hơn 4.5% xuống sát 28.15 USD/thùng.
Cũng trong ngày thứ Tư, chứng khoán châu Âu lao dốc hơn 3% và chứng khoán châu Á chìm sâu trong sắc đỏ với chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản ngã nhào 3.7% và rơi vào thị trường con gấu sau khi sụt giảm hơn 20% so với mức cao nhất trong 52 tuần.
Chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – tăng nhẹ so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới. Theo đó, đồng EUR giao dịch dưới mốc 1.09 USD và đồng JPY giao dịch tại 116.96 USD so với đồng bạc xanh.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên phố Wall, giao dịch dưới ngưỡng 27. Có thời điểm trong phiên, chỉ số này lên tới 32, mức cao nhất kể từ ngày 01/09/2015./.
|