Thứ Năm, 14/01/2016 16:36

Điểm mới tại Thông tư 202 hướng dẫn niêm yết

Ngày 18/12/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 202/2015/TT-BTC hướng dẫn về niêm yết chứng khoán trên Sở GDCK (Thông tư 202) thay thế Thông tư 73/2015/TT-BTC ngày 29/5/2013 hướng dẫn chi tiết một số điều về niêm yết chứng khoán tại Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (Thông tư 73). Thông tư 202 có một số nội dung thay đổi chính so với Thông tư 73, cụ thể như sau:

(i) Về thuật ngữ: Sử dụng thuật ngữ công ty hợp nhất, công ty nhận sáp nhập thay cho việc sử dụng thuật ngữ công ty hình thành sau hợp nhất, công ty hình thành sau sáp nhập doanh nghiệp như trước đây cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp.

(ii) Quy định về tổ chức thực hiện kiểm toán và ý kiến kiểm toán: Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán đối với khoản mục vốn chủ sở hữu, khoản mục vốn điều lệ đã góp của tổ chức đăng ký niêm yết (tổ chức thay đổi đăng ký niêm yết) phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Đối với các tổ chức liên quan khác tham gia hợp nhất, sáp nhập, hoán đổi, báo cáo tài chính phải được kiểm toán theo quy định pháp luật về kiểm toán độc lập; Ý kiến kiểm toán tại báo cáo kiểm toán khoản mục vốn chủ sở hữu, khoản mục vốn điều lệ đã góp phải là ý kiến chấp nhận toàn phần. Đối với báo cáo tài chính, ý kiến kiểm toán cũng phải là ý kiến chấp nhận toàn phần, trường hợp ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính là chấp nhận có ngoại trừ, thì yếu tố ngoại trừ không phải là khoản mục vốn chủ sở hữu và khoản mục trọng yếu khác như: tiền mặt, hàng tồn kho, tài sản cố định, các khoản phải thu, nợ phải trả.

(iii) Bổ sung quy định về cách xác định tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), trong đó có đề cập đến cách xác định ROE trong trường hợp trong năm báo cáo, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động thì các chỉ tiêu như lợi nhuận sau thuế, vốn chủ sở hữu sẽ được xác định căn cứ trên số liệu tại báo cáo tài chính kiểm toán trong từng giai đoạn hoạt động, cụ thể: lợi nhuận sau thuế được tính trên tổng lợi nhuận sau thuế của các giai đoạn hoạt động trong năm, vốn chủ sở hữu được tính bình quân vốn chủ sở hữu đầu kỳ, vốn chủ sở hữu cuối kỳ của các giai đoạn hoạt động.

(iv) Thông tư 202 cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp linh động trong việc lựa chọn báo cáo tài chính phải nộp sau khi hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp, cụ thể: Tùy thuộc vào thời điểm nộp hồ sơ niêm yết, thay đổi niêm yết, công ty hợp nhất, công ty nhận sáp nhập sau quá trình sáp nhập hoặc công ty niêm yết sau hoán đổi được lựa chọn báo cáo tài chính được lập và đã được kiểm toán tại thời điểm gần nhất, nhưng không quá sáu (06) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ, bao gồm báo cáo tài chính lập ngay sau thời điểm hợp nhất, sáp nhập, hoán đổi; hoặc báo cáo tài chính quý, hoặc báo cáo tài chính bán niên, hoặc báo cáo tài chính năm lập sau thời điểm hợp nhất, sáp nhập, hoán đổi.

(v) Bổ sung quy định về tỷ lệ hoán đổi và phương pháp xác định tỷ lệ hoán đổi giữa các công ty tham gia hợp nhất, sáp nhập, hoán đổi phải được tổ chức thẩm định giá độc lập xác nhận. Trường hợp còn có ý kiến khác nhau giữa tỷ lệ hoán đổi dự kiến thực hiện và tỷ lệ hoán đổi hợp lý do tổ chức thẩm định giá độc lập xác định, thì Hội đồng quản trị phải có văn bản giải trình, báo cáo Đại hội đồng cổ đông xem xét, quyết định.

(vi) Về điều kiện niêm yết sau hợp nhất doanh nghiệp:

+ Đối với điều kiện niêm yết sau hợp nhất doanh nghiệp từ các tổ chức đang niêm yết trên SGDCK, Thông tư 202 bổ sung thêm điều kiện sau khi hợp nhất, ROE của công ty hợp nhất phải đạt dương nhằm đảm bảo sau hợp nhất doanh nghiệp, công ty hợp nhất duy trì tình hình tài chính lành mạnh;

+ Đối với điều kiện niêm yết sau hợp nhất từ một doanh nghiệp đang niêm yết trên SGDCK với một doanh nghiệp chưa niêm yết trên SGDCK đó, công ty hợp nhất phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết như doanh nghiệp niêm yết lần đầu trừ điều kiện có ít nhất hai (02) năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần tính đến thời điểm đăng ký niêm yết và hoạt động kinh doanh của hai năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi;

+ Đối với trường hợp các công ty tham gia hợp nhất đều chưa niêm yết trên SGDCK, Thông tư 202 tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết và các công ty bị hợp nhất đáp ứng các điều kiện về tình hình tài chính như một doanh nghiệp tham gia niêm yết lần đầu sẽ được làm thủ tục niêm yết, tuy nhiên doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục niêm yết trong vòng 03 tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn 03 tháng này mà doanh nghiệp không hoàn tất thủ tục niêm yết thì công ty hợp nhất được đăng ký niêm yết trên SGDCK khi đáp ứng đầy đủ điều kiện niêm yết của doanh nghiệp đăng ký niêm yết mới.

(vii) Về điều kiện niêm yết sau sáp nhập doanh nghiệp:

+ Trường hợp công ty nhận sáp nhập và công ty bị sáp nhập đều đang niêm yết trên SGDCK thì sau khi sáp nhập, công ty nhận sáp nhập được làm thủ tục thay đổi đăng ký niêm yết trong hai trường hợp: Trước khi sáp nhập, công ty nhận sáp nhập và công ty bị sáp nhập đều có ROE dương; hoặc sau khi sáp nhập, công ty nhận sáp nhập có ROE dương hoặc có ROE lớn hơn ROE của công ty đó trong năm liền trước năm thực hiện sáp nhập. Trường hợp không đáp ứng các điều kiện trên thì số cổ phiếu phát hành thêm chỉ được đăng ký niêm yết bổ sung sau 1 năm kể từ thời điểm công ty nhận sáp nhập được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới;

+ Trường hợp công ty nhận sáp nhập là công ty niêm yết trên SGDCK, các công ty bị sáp nhập là công ty chưa niêm yết trên SGDCK đó, sau khi sáp nhập, công ty nhận sáp nhập được thay đổi đăng ký niêm yết khi: Trước khi sáp nhập, công ty nhận sáp nhập có ROE dương, các công ty bị sáp nhập đáp ứng quy định về tình hình tài chính như một doanh nghiệp niêm yết lần đầu, ngoại trừ điều kiện hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần; hoặc sau khi sáp nhập, công ty nhận sáp nhập có ROE đạt từ 5% trở lên, hoặc có ROE dương và lớn hơn ROE của công ty đó trong năm liền trước năm thực hiện sáp nhập. Trường hợp không đáp ứng điều kiện trên, đồng thời phần vốn phát hành thêm để hoán đổi làm phát sinh tăng không quá 50% vốn điều lệ thực góp (trước khi phát hành) thì số cổ phiếu phát hành thêm chỉ được đăng ký niêm yết bổ sung sau một (01) năm kể từ thời điểm công ty nhận sáp nhập được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới. Trường hợp phần vốn phát hành thêm để hoán đổi làm phát sinh tăng trên 50% vốn điều lệ thực góp (trước khi phát hành) thì trong vòng sáu (06) tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới, công ty nhận sáp nhập bị hủy niêm yết bắt buộc và phải thực hiện niêm yết trên SGDCK Hà Nội (nếu công ty hủy niêm yết trên SGDCK Tp HCM nhưng đủ điều kiện niêm yết trên SGDCK Hà Nội) hoặc đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom nếu không thực hiện niêm yết tại cả hai Sở giao dịch chứng khoán.

(viii) Thông tư 202 cũng quy định đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập có sự tham gia của doanh nghiệp có vốn nhà nước, mà sau hợp nhất, sáp nhập, phần vốn của nhà nước chiếm đa số (từ 80% trở lên vốn điều lệ nếu công ty nộp hồ sơ đăng ký niêm yết tại SGDCK TP HCM hoặc từ 85% trở lên vốn điều lệ nếu công ty nộp hồ sơ đăng ký niêm yết tại SGDCK Hà Nội) thì sẽ được miễn trừ điều kiện về số lượng và tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty khi xét điều kiện niêm yết. Quy định này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn, sau khi thực hiện hợp nhất, sáp nhập vẫn có thể niêm yết chứng khoán trên SGDCK.

(ix) Thông tư 202 cũng quy định điều kiện niêm yết trên SGDCK của công ty niêm yết thực hiện phát hành cổ phiếu để hoán đổi lấy cổ phiếu, phần vốn góp tại doanh nghiệp khác hoặc khoản nợ của tổ chức phát hành đối với chủ nợ. Cụ thể: Công ty niêm yết được đăng ký niêm yết bổ sung số cổ phiếu phát hành để hoán đổi khi có ROE sau khi hoán đổi đạt tối thiểu là 05%. Trường hợp công ty niêm yết không đáp ứng quy định, nếu phần vốn phát hành thêm để hoán đổi làm phát sinh tăng không quá 50% vốn điều lệ thực góp (trước khi phát hành) thì số cổ phiếu phát hành thêm chỉ được niêm yết bổ sung sau một (01) năm kể từ thời điểm hoàn tất việc hoán đổi; nếu phần vốn phát hành thêm để hoán đổi làm phát sinh tăng trên 50% vốn điều lệ thực góp (trước khi phát hành), công ty niêm yết sau hoán đổi sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc và được các SGDCK phối hợp với TTLKCK làm thủ tục đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.

(x) Đối doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần dưới hình thức chào bán cổ phiếu ra công chúng đáp ứng điều kiện niêm yết thì vẫn phải hoàn tất nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin về kết quả đợt chào bán, đăng ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom theo quy định pháp luật chứng khoán về đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết. Trong thời gian đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom, doanh nghiệp được đồng thời nộp hồ sơ đăng ký niêm yết.

(xi) Thông tư 202 cũng quy định chi tiết về việc hủy niêm yết bắt buộc, hủy niêm yết tự nguyện và việc niêm yết lại chứng khoán của doanh nghiệp hủy niêm yết.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2016 sẽ cụ thể hóa các quy định về niêm yết, hướng dẫn hoạt động của các tổ chức niêm yết, đăng ký niêm yết và các đối tượng liên quan, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trên thị trường chứng khoán./.

Các tin tức khác

>   Điểm mới của Thông tư 203 hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán (13/01/2016)

>   UBCKNN thành lập thêm Vụ Giám sát công ty đại chúng (12/01/2016)

>   Thông tư hướng dẫn chào bán và giao dịch Covered warrant sẽ được ban hành trong quý 1/2016 (08/01/2016)

>   HOSE: Bên cạnh nới room, NVDR là giải pháp đáng chú ý cho thị trường (07/01/2016)

>   NĐT sẽ được mua bán chứng khoán trong ngày kể từ 01/07/2016 (07/01/2016)

>   6 tổ chức được tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (05/01/2016)

>   Từ 4/1/2016, HNX áp dụng cách tính mới cho UPCoM Index (30/12/2015)

>   Ban hành Thông tư 202 về niêm yết chứng khoán (30/12/2015)

>   VSD hướng dẫn triển khai rút ngắn thời gian thanh toán T+2 (30/12/2015)

>   HOSE: Từ 06/01/2016, ngày GDKHQ sẽ liền trước ngày đăng ký cuối cùng (29/12/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật