Điểm mới của Thông tư 203 hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán
Ngày 21/12/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 203/2015/TT-BTC hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán (Thông tư 203) thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC ngày 01/06/2011 hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán (Thông tư 74). Các điểm mới của Thông tư 203 cụ thể như sau:
1. Đối tượng điều chỉnh của Thông tư 203 bao gồm:
- Thông tư này hướng dẫn hoạt động giao dịch chứng khoán niêm yết, chứng khoán đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán.
- Thông tư này áp dụng đối với nhà đầu tư, thành viên lưu ký, thành viên giao dịch, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
2. Các điểm nổi bật khác của Thông tư 203 bao gồm:
Thông tư 203 cho phép NĐT được phép đặt lệnh vừa mua vừa bán trong từng lần khớp lệnh liên tục.
Tuy nhiên, với sự phát triển từ thực tiễn của thị trường, các văn bản luật mới ban hành, cũng như thông lệ của quốc tế, những quy định hướng dẫn về giao dịch chứng khoán cần được bổ sung, sửa đổi. Bởi vậy, việc ban hành Thông tư 203 thay thế Thông tư 74 là rất cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho các đối tượng khi tham gia giao dịch trên TTCK.
Theo đó, mặc dù hiệu quả thực tế sẽ do thị trường kiểm nghiệm, tuy nhiên, với những quy định mới của Thông tư 203, nếu các thành viên thị trường hoàn thiện sớm được hạ tầng kỹ thuật để tổ chức triển khai thì kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản thị trường và tăng tính hấp dẫn của TTCK. Bên cạnh đó, Thông tư 203 ra đời sẽ hạn chế các hành vi khác như việc giao dịch cổ phiếu quỹ mà các công ty “lách luật” không nghiêm túc thực hiện mặc dù đã công bố thông tin, hay hạn chế tác động của các giao dịch thỏa thuận trong phiên....
Thêm vào đó, Thông tư này sẽ tạo hành lang pháp lý để thị trường từng bước thiết lập lộ trình triển khai các cơ chế giao dịch mới phù hợp với thông lệ quốc tế, cụ thể là giao dịch trong ngày, giao dịch chứng khoán chờ về. Hiện tại, tất cả các TTCK đều đã cho phép triển khai thực hiện các loại giao dịch này. Lộ trình triển khai sẽ phụ thuộc vào tiến độ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật của thành viên thị trường. Mặc dù đây chỉ là giải pháp kỹ thuật, giúp vòng quay chứng khoán nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, cho thấy quyền sở hữu của nhà đầu tư (NĐT) được thực hiện một cách đầy đủ hơn.
* Điểm mới nổi bật của Thông tư 203:
Thông tư 203 là một bước tiến khá lớn về quy định giao dịch chứng khoán trên thị trường. Thông tư mới bao gồm 3 Chương, 15 Điều với nhiều điểm mới so với Thông tư 74 trước đây.
- Thứ nhất, Thông tư 203 cho phép NĐT được phép đặt lệnh vừa mua vừa bán trong từng lần khớp lệnh liên tục (nhưng không được phép đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng/mở cửa), bỏ quy định NĐT chỉ được sử dụng 1 tài khoản để thực hiện giao dịch ngược chiều cùng 1 loại chứng khoán. Quy định này đã khắc phục hạn chế của cơ chế giao dịch hiện tại, theo đó NĐT chỉ được sử dụng một tài khoản để thực hiện giao dịch ngược chiều cùng một loại chứng khoán; không được đồng thời đặt lệnh vừa mua vừa bán trong từng lần khớp lệnh, chỉ được thực hiện khi lệnh trước đã khớp... và đáp ứng yêu cầu lâu nay của nhà đầu tư.
- Thứ hai, Thông tư cho phép các nhà đầu tư có thể thực hiện lệnh giao dịch khi có bảo lãnh thanh toán của Ngân hàng lưu ký. Điều này phù hợp với thực tế của nhiều nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư lớn, luôn có tài khoản lưu ký tách biệt khỏi tài khoản giao dịch, có tài khoản tiền tại ngân hàng giám sát thì không nhất thiết phải chuyển tiền về tài khoản giao dịch chứng khoán mới được phép thực hiện giao dịch. Quy định này giúp tiết giảm chi phí trong hoạt động giao dịch của nhà đầu tư, thúc đẩy vòng quay tiền nhanh hơn nhưng vẫn bảo đảm khả năng kiểm soát rủi ro của thị trường.
- Thứ ba, Thông tư mới tạo cơ sở pháp lý cho phép các thị trường triển khai các giao dịch bán chứng khoán chờ về, giao dịch trong ngày. Điều này không những làm tăng vòng quay chứng khoán, thúc đẩy thanh khoản, mà quan trọng hơn, giúp NĐT thực hiện đầy đủ hơn quyền sở hữu tài sản của mình. Tuy nhiên, đây là những cơ chế giao dịch hiện đại, thực hiện được trên cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại tương ứng, vì vậy, các thành viên thị trường sẽ mất một khoảng thời gian nhất định để hoàn thiện hệ thống mới có thể triển khai được các giao dịch này. Để kiểm soát và quản lý rủi ro cho các giao dịch này, Thông tư cũng đã có những quy định theo thông lệ quốc tế về hỗ trợ thanh toán đối với giao dịch trong ngày.
- Thứ tư, Thông tư tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động tạo lập thị trường. Đây là một nghiệp vụ phổ biến tại các TTCK quốc tế, tuy nhiên lại chưa được tổ chức tại Việt Nam. Việc triển khai nghiệp vụ này sẽ giúp các công ty chứng khoán tiếp cận dần với nghiệp vụ theo thông lệ quốc tế, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt, từng bước triển khai mô hình ngân hàng đầu tư trong giai đoạn phát triển mới theo chiều sâu của TTCK.
* Thông tư 203 có một số quy định khắc phục hạn chế phát sinh trên thị trường thời gian qua. Cụ thể:
Ngoài những quy định mới, có tính đột phá, giúp hoạt động giao dịch trên thị trường thứ cấp thì Thông tư 203 cũng có một số quy định nhằm khắc phục những hạn chế phát sinh trên thị trường trong thời gian vừa qua. Cụ thể như, quy định CTCK không được thanh toán, nhận thanh toán giao dịch chứng khoán bằng tiền hoặc chuyển khoản trực tiếp cho bên thứ 3. Hay, tối thiểu 7 ngày trước khi thực hiện giao dịch cổ phiếu quỹ, tổ chức phát hành phải thực hiện công bố thông tin về giao dịch cổ phiếu quỹ.
Đồng thời, nghiêm cấm tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) công bố thông tin về các giao dịch mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ, nhưng không thực hiện đặt lệnh giao dịch trong thời gian đăng ký giao dịch cổ phiếu quỹ; hoặc đặt lệnh giao dịch với các mức giá nằm ngoài biên độ dao động giá trong thời gian đăng ký giao dịch cổ phiếu quỹ. Nghiêm cấm tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên SGDCK công bố thông tin về các mức giá dự kiến thực hiện khi giao dịch cổ phiếu quỹ./.
|