Đằng sau sự hoành tráng của ngành bán lẻ
Hình ảnh hào nhoáng của các trung tâm thương mại hay các siêu thị không phản ánh được thực trạng kinh doanh của họ...
Bên ngoài một siêu thị Sapomart.
|
Sapomart tuyên bố tạm dừng kinh doanh chỉ sau một năm thay đổi nhận diện thương hiệu và chưa đạt được một phần ba mục tiêu đặt ra hồi đầu năm 2015. Trước đó, một số siêu thị nội khác cũng đã phải rút chân khỏi thị trường. Điều này cho thấy sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ của các người chơi trong nước là không dễ dàng.
Cách đây đúng một năm, tại cuộc họp báo thay đổi nhận diện thương hiệu từ Hiway Supercenter thành Sapomart vào đầu năm 2015, Chủ tịch Sapomart, ông Lê Hoàng Hà cho biết, công ty đặt mục tiêu thành lập 10 siêu thị tại Hà Nội trong năm 2015 và hướng đến top 5 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam vào năm 2020.
Tuy nhiên, hệ thống này mới chỉ có 3 siêu thị gồm Sapomart Hà Đông, Sapomart Giảng Võ, Sapomart Tây Hồ và tất cả đều đang trong tình trạng đóng cửa chỉ sau 1 năm hoạt động.
Chưa hẳn đóng cửa như Sapomart nhưng sự trầm lắng về mảng bán lẻ của Tổng công ty Thương mại Hà Nội với thương hiệu Hapro cũng được nhận xét là đuối sức trong sự cạnh tranh khó khăn.
Hiện tại Hapro vẫn có mạng lưới mặt bằng trải rộng. Đó là hệ thống hạ tầng thương mại nội địa với 2 trung tâm mua sắm Hapro Shopping Centre (một tại 49, đường Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội và cửa hàng còn lại là HaproFood tại 144, đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội).
Ngoài ra, Hapro còn có 40 siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, 44 cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn Haprofood... tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc khác.
Cùng với hệ thống cửa hàng với các khu đất mặt tiền tại các khu phố trung tâm Hà Nội, như Tràng Thi, Ngô Thì Nhậm, Lê Thái Tổ, Hàng Trống, Phạm Ngọc Thạch, Hàng Đậu, Thuốc Bắc, Hapro còn có những thương hiệu khá danh tiếng như Kem Thủy Tạ, Vang Thăng Long, Gốm Chu Đậu, Nhà máy sản xuất xúc xích Việt Đức, Khu công nghiệp thực phẩm Hà Nội.
Ngoài ra, Hapro còn là chủ sở hữu của Dự án điểm đỗ xe, Trung tâm phân phối và mua sắm tại Hải Bối, Dự án Dương Xá, Dự án chợ đầu mối phía Nam, Dự án siêu thị Cầu Bươu...
Trong nhiều năm qua, Hapro đã tiến hành cổ phần hóa 4 doanh nghiệp thành viên và đang tiến hành thoái vốn tại 5 công ty cổ phần.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng, việc đóng cửa, sáp nhập hay thôn tính trên thị trường bán lẻ hiện nay diễn ra khá phổ biến và việc Sapomart rút chân khỏi thị trường (nếu có) cũng không quá ngạc nhiên.
Điều khiến ông Phú lo ngại là sự rời bỏ thị trường của các doanh nghiệp trong nước sẽ bất lợi cho sự phát triển của thị trường bán lẻ nói chung và các doanh nghiệp trong nước nói riêng.
“Rơi vào tay nước ngoài cũng là điều đáng ngại, nếu chỉ bán ở một tỷ lệ nhất định và vẫn còn nắm quyền quyết định thì hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp thấy có lợi thì bán.
Trong trường hợp này, các đối tác kia có thể tìm cách tăng chi phí quảng cáo, tiếp thị làm thua lỗ, từ đó thôn tính dần. Hapro cũng đã từng có người dạm mua nhưng vẫn chưa bán. Năm 2017, công ty này phải cổ phần hóa hết, đây sẽ là thách thức với mong muốn giữ hình ảnh doanh nghiệp Việt trên thị trường bán lẻ”, ông Phú nói.
“Thật buồn cho Hapro, trong khi các doanh nghiệp bán lẻ khác như Coopmart, Vinmart phải đi thuê từng 50m2 để mở cửa hàng bán lẻ thì Hapro lại không tận dụng được các lợi thế về mặt bằng mình đang có”, ông Phú nêu quan điểm.
Có nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan dẫn đến sự thất bại của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ, trong đó quan trọng nhất vẫn là vốn và con người.
Theo ông Phú, phần lớn các doanh nghiệp điều hành kinh doanh bán lẻ hiện nay đều “tay ngang” trong lĩnh vực này, mức độ chuyên nghiệp thua hẳn các doanh nghiệp nước ngoài.
Về yếu tố vốn, vị Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị cho rằng, đây không hẳn là yếu tố có vai trò quyết định quá lớn song cũng cần thiết để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn. Theo đó, nhiều siêu thị chọn cách dùng chủ yếu là vốn lưu động với khoảng 70% vốn vay ngân hàng hoặc nhập hàng gửi bán từ các nhà cung cấp.
“Những năm tới sẽ còn nhiều thương hiệu bán lẻ rơi rụng khỏi thị trường. Nhìn hiện tại, hình ảnh hào nhoáng của các trung tâm thương mại hay các siêu thị không phản ánh được thực trạng kinh doanh của họ. Đằng sau các chiến dịch khai trương, các hoạt động xúc tiến thương mại mạnh mẽ có thể là nỗ lực gồng mình quá sức của doanh nghiệp”, ông Phú chia sẻ./.
Lê Trà
vneconomy
|