Thứ Tư, 06/01/2016 09:53

Nhà bán lẻ nội, kẻ mất người còn

Những diễn biến trên thị trường bán lẻ trong năm qua cho thấy, các nhà bán lẻ nội đang dần bị thâu tóm khiến những doanh nghiệp Việt Nam, có tiềm lực và biết vận hành đếm không đủ một bàn tay.

 

Saigon Co.op, Satramart và Hapro là ba hệ thống không có sự biến động, trong khi đó nhiều nhà bán lẻ trong nước khác đang dần bị thâu tóm. Ảnh: HÙNG LÊ

Mạng lưới rộng của nhà bán lẻ “nhà nước”

Trong năm 2015, Saigon Co.op, nhà bán lẻ kỳ cựu trên thị trường, đã có những bước tiến khá nhanh và mạnh. Vào ngày 22-12 vừa qua, Saigon Co.op đã khai trương siêu thị Co.op (Co.opmart) thứ 79 tại thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận và kết thúc năm với siêu thị thứ 80 tại đường Nguyễn Bình, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TPHCM. Trong số này, 33 siêu thị nằm tại các quận, huyện thuộc TPHCM (có những huyện xa, sâu như Cần Giờ), sáu siêu thị ở miền Bắc, bốn ở Tây Nguyên, 13 ở miền Trung, 15 ở Tây Nam bộ và chín ở Đông Nam bộ.

Trong khi đó, mô hình cửa hàng tiện lợi Co.op Food đạt con số 96 (hầu hết nằm tại TPHCM) vào ngày 31-12 này.

Ngoài ra, Saigon Co.op còn liên kết với hội phụ nữ, thanh niên để mở các cửa hàng Co.op ở các khu dân cư, gần chợ theo phương thức cung cấp hàng, đào tạo về quản lý và bán hàng còn các tổ chức, cá nhân đối tác làm chủ, tự hạch toán lời lỗ.

Đặc biệt, Saigon Co.op có hai đại siêu thị, đặt tên là Co.opXtra, nằm ở quận 7 và quận Thủ Đức. Mô hình này có dấu ấn của nước ngoài khi Saigon Co.op liên kết với Công ty NTUC FairPrice, nhà bán lẻ của Singapore để khai thác và vận hành.

Một chuỗi bán lẻ có yếu tố nhà nước khác là Satramart thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng đang nỗ lực khai thác những thế mạnh vốn có của mình dù quyết định đầu tư mạnh vào thị trường bán lẻ bắt đầu chưa lâu. Satra có hàng loạt thế mạnh mà không phải nhà bán lẻ nào cũng có, từ hệ thống mặt bằng đa dạng, trải rộng ở nhiều quận, huyện (trong đó có khá nhiều vị trí đắc địa đã được Nhà nước giao khai thác từ lâu) cho đến việc có hàng loạt công ty con là các nhà sản xuất hàng tiêu dùng đã xác lập được tên tuổi như Vissan, Cầu Tre, Thực phẩm công nghệ Sài Gòn...

Cho đến thời điểm này, Satra có ba siêu thị nằm trong các trung tâm thương mại, mua sắm gồm Sài Gòn (nằm ở quận 10), Phạm Hùng (quận 8) và Tax (quận 1). Đơn vị này đang xúc tiến để xây dựng thêm các siêu thị, trung tâm khác mà cụ thể nhất là trung tâm thương mại nằm trên đường Võ Văn Kiệt từ quỹ đất hiện có. Trong khi đó, ở mô hình cửa hàng tiện lợi, Satrafoods, từ con số 50 vào cuối năm 2014 thì đến ngày 26-12 đã lên tới 74 cửa hàng.

So với các nhà bán lẻ nước ngoài, chuỗi của các nhà bán lẻ nội có độ phủ khá rộng, số lượng điểm bán tăng nhanh. Nhưng mạng lưới lớn không phải là lợi thế lớn trong kinh doanh bán lẻ mà chỉ là công cụ giúp khách hàng thuận tiện trong việc tiếp cận...

Tương tự, ở Hà Nội, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng đang đẩy mạnh mảng thương mại nội địa với chuỗi các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh. Theo báo cáo đánh giá kết quả mười năm của Hapro thì tính đến tháng 10-2015, đơn vị này đã phát triển được hai trung tâm thương mại, 40 siêu thị tiện ích (Hapromart); 44 cửa hàng thực phẩm (Haprofood) và 100 cửa hàng chuyên kinh doanh kim khí điện máy, quần áo thời trang.

Bản thân các nhà sản xuất nhà nước cũng đang tận dụng các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm của mình để đặt chân sâu hơn vào thị trường bán lẻ. Chẳng hạn Tổng công ty TNHH MTV Kỹ nghệ súc sản - Vissan. Hiện tại, doanh nghiệp sản xuất thịt heo tươi sống và chế biến này có hơn 70 điểm bán.

So với các nhà bán lẻ nước ngoài, chuỗi của các nhà bán lẻ nội có độ phủ khá rộng, số lượng điểm bán tăng nhanh. Điều này cũng dễ hiểu khi các nhà bán lẻ nội không bị hạn chế bởi các nguyên tắc về mở điểm bán, một số có ưu thế về cơ sở hạ tầng...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Saigon Co.op, mạng lưới lớn không phải là lợi thế lớn trong kinh doanh bán lẻ mà chỉ là công cụ giúp khách hàng thuận tiện trong việc tiếp cận. Và việc phát triển mạng lưới phụ thuộc vào chiến lược của từng giai đoạn, thời kỳ.

Bán lẻ tư nhân trong cơn lốc mua bán, sáp nhập và khai sinh

Dưới góc độ chủ sở hữu, Saigon Co.op, Satramart và Hapro là ba hệ thống không biến động trong thời gian qua. Nhưng những cái tên còn lại thì không như vậy. Đáng chú ý nhất là sự thay đổi ở hệ thống siêu thị Maximark thuộc Công ty cổ phần Đầu tư An Phong, với chín trung tâm thương mại. Vào cuối tháng 10 vừa qua, Maximark đã được bán cho tập đoàn Vingroup. Việc chuyển đổi này đưa Vingroup thành cái tên được chú ý trên thị trường bán lẻ dù tham gia thị trường này chưa lâu, bởi tham vọng, mức độ đầu tư cũng như chiến lược đi nhanh, đi mạnh.

Năm trước, Vingroup đã mua hệ thống Vinatexmart với hơn 30 điểm bán của tập đoàn Dệt may Việt Nam sau khi là cổ đông chiến lược của tập đoàn này. Ở giai đoạn hiện tại, Vingroup đang thực hiện chuyển đổi về hình thức các siêu thị Vinatexmart và Maximark (đổi tên thành Vinmart) theo phương thức cuốn chiếu.

Song song với mô hình Vinmart, nhà đầu tư này cũng đang phát triển rất nhanh chuỗi Vinmart + (là mô hình “lai” giữa cửa hàng tiện lợi 24/24 và cửa hàng thực phẩm khi vừa bán thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, vừa có khu vực phục vụ đồ ăn chế biến sẵn) và chuỗi Vinpro (chuyên kinh doanh thiết bị kỹ thuật số, điện tử). Theo thông tin chính thức từ bộ phận truyền thông của Vingroup thì đến hết năm 2015, mạng lưới của nhà bán lẻ này sẽ có 50 Vinmart (trong đó có chín cơ sở nhận chuyển giao từ Maximark), 300 VinMart+; hơn 100 VinPro và VinPro+.

Trước đây, chuỗi siêu thị tư nhân Việt Nam khác là Citimart đã bán 49% cổ phần cho nhà đầu tư Nhật Bản Aeon. Đến nay, Aeon Citimart đã có 29 điểm bán, nằm chủ yếu ở TPHCM và Bình Dương. Aeon cũng đã nắm giữ 30% cổ phần của chuỗi 20 siêu thị Fivimart.

Một cái tên khác là C.T Group - từng bày tỏ khá nhiều tham vọng khi tham gia thị trường bán lẻ với mục tiêu phát triển chuỗi siêu thị S.Mart gồm 20 điểm bán trong vòng ba năm - cũng đã chuyển giao điểm bán đầu tiên cho nhà đầu tư Pháp - AuchanSuper, gia nhập chuỗi Simply Mart của nhà bán lẻ này. Việc này khá giống với việc Công ty G7 (thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên) đã rút chân khỏi cuộc liên doanh với Công ty TNHH Ministop (thành viên của tập đoàn Aeon - Nhật Bản) khi mới chỉ mở được 17 điểm bán, dở dang kế hoạch mở 500 cửa hàng như đã tuyên bố lúc bắt đầu.

Trong khi nhiều người ra đi thì cũng có không ít người bước vào thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh. Mới đây nhất là Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động, nhà bán lẻ vốn quen thuộc ở lĩnh vực điện tử, kỹ thuật số. Sau khi mở rộng sang lĩnh vực điện máy với chuỗi Điện máy xanh song song với việc mở liên tục các cửa hàng Thế giới di động (đã đạt con số 500), nhà đầu tư này mở rộng hoạt động sang kinh doanh thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh với chuỗi Bách hóa xanh. Theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch của Thế Giới Di Động, thì hệ thống này vẫn đang là thử nghiệm nhưng trong giai đoạn 2015-2016 sẽ mở khoảng 30-50 điểm ở các quận vùng ven của TPHCM.

Tương tự, PAN Group, một công ty đa ngành hồi tháng 10 cũng công bố kế hoạch thành lập công ty bán lẻ. Đến nay, tên tuổi, thời điểm cụ thể vẫn chưa được tiết lộ nhưng để chuẩn bị cho ngày tham gia thị trường, PAN Group cũng đã tích cực mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, nông sản và gọi đó là những mảnh ghép quan trọng trong bức tranh hoàn chỉnh với mô hình khép kín đầu - cuối mà tập đoàn này theo đuổi.

Với xu hướng hiện đại thị trường bán lẻ, nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi, các nhà đầu tư tư nhân nhỏ cũng đã và đang mở mới hoặc nâng cấp cửa hàng kinh doanh thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh của mình. Đâu đó ở khắp các con đường trên địa bàn TPHCM là các cửa hàng nhỏ với những cái tên rất gần gũi như Nhà mình, Quê hương... chuyên kinh doanh thực phẩm tươi sống và một số loại sản phẩm chế biến khác. Một vài chủ đầu tư đã phát triển được hơn một điểm bán... Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho biết trên thị trường mới xuất hiện một mô hình cửa hàng bán lẻ mới, tạm gọi là Mamashop với quy mô nhỏ hơn cửa hàng tiện lợi (mini mart) nhưng lớn hơn cửa hàng tạp hóa ở các khu dân cư.

Minh Tâm

tbktsg

Các tin tức khác

>   Sự thật về thương mại hàng hóa tuyến biên giới Việt - Trung (05/01/2016)

>   Dự án tỉ đô trồng mắc ca ở Tây Nguyên giờ ra sao? (05/01/2016)

>   Được lấy thông tin cá nhân từ "kho dữ liệu quốc gia” (05/01/2016)

>   Công ty Xổ số tỉnh Tiền Giang: Lương quản lý 730 triệu đồng/năm (04/01/2016)

>   Giá ô tô 2016 tăng, dù thuế nhập khẩu giảm! (04/01/2016)

>   Hà Tĩnh đồng ý cho Formosa tiếp tục xây “cọc biển hiệu" (04/01/2016)

>   Ngành tôm và cá tra: Lớn mà yếu (03/01/2016)

>   Lãnh đạo PVN: Giá dầu giảm 1 USD, doanh thu giảm 5,4 nghìn tỷ đồng (31/12/2015)

>   Doanh nghiệp Việt 2015 và hai kỷ lục vui, buồn (31/12/2015)

>   Ông Nguyễn Đức Chi làm Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC (31/12/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật