Xuất khẩu cá tra năm 2016: "Đừng quan tâm nhiều vào thị trường Mỹ"
Thuế chống bán phá giá, chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ và áp lực cạnh tranh với các loại cá thịt trắng sẽ là những nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
|
Dự báo, xuất khẩu cá tra của cả nước trong năm 2016 có thể giảm 5% so với năm 2015, đạt khoảng 1,5 tỷ USD.
Để khắc phục những khó khăn trên, ngành sản xuất cá tra Việt Nam cần tích cực, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường mới.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2015, giá trị xuất khẩu cá tra ước đạt gần 1,6 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong 8 thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam thì có đến 6 thị trường giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể như, thị trường Mỹ giảm 5,6%, EU giảm 14,3%, ASEAN giảm 4,3%, Brazil giảm 39,8%, Mexico giảm 13,2%, Colombia giảm 13,9%; chỉ có giá trị xuất khẩu sang Anh tăng 17%, Trung Quốc-Hong Kong tăng 42% và Saudi Arabia tăng 2,4%.
Tại hầu hết các thị trường lớn, xuất khẩu cá tra đều gặp rất nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu chậm, giá bán không tăng, các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe hơn. Riêng Mỹ và EU là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng giá trị xuất khẩu giảm liên tiếp ngay từ đầu năm.
Đáng chú ý, tại thị trường Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra phán quyết sơ bộ mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường này. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp.
“Theo phán quyết này, mức thuế mà hai bị đơn bắt buộc là Công ty cổ phần Hùng Vương 0,36 USD/kg và Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất, thương mại và dịch vụ Thuận An là 0,84 USD/kg; 16 công ty là bị đơn tự nguyện trong đợt xem xét lần này chịu mức thuế 0,6 USD/kg. Với mức thuế lên đến 0,6 USD/kg, phần lớn các doanh nghiệp cá tra Việt Nam không thể bán cá tra vào Hoa Kỳ,” ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP cho biết.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng mới triển khai chương trình giám sát cá da trơn đối với cá tra từ Việt Nam. Từ tháng 9/2017, nếu các nước không nộp danh sách doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ và các chứng minh về chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia theo yêu cầu của Cục Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) thì sẽ không được tiếp tục xuất khẩu.
Từ trước đến nay, việc xem xét cấp tiêu chuẩn tương đồng cho các nước được phép xuất khẩu mặt hàng thịt, thịt lợn và thịt gia cầm vào Mỹ, FSIS phải mất ít nhất 8 năm xem xét công nhận và đến nay, chưa có một quốc gia châu Á nào đạt được chứng nhận tương đồng. Quy định này cho thấy đây là một khó khăn và thách thức trực tiếp cho việc xuất khẩu cá tra vào Mỹ trong thời gian tới.
Cũng theo VASEP, một số doanh nghiệp cho biết tại thị trường châu Âu, các phương tiện truyền thông nước ngoài đã có những bài viết bôi nhọ hình ảnh cá tra Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín sản phẩm ở thị trường này.
Ngoài các quy định trên, cá tra cũng đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm cá thịt trắng Alaska Pollack, cá Cod, cá rô phi...
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
|
Trước những khó khăn từ các thị trường chính, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Hùng Vương (HVG) kiêm Phó Chủ tịch VASEP cho rằng trong năm 2016, các doanh nghiệp đừng quan tâm nhiều vào thị trường Mỹ. Thay vào đó, hãy nhắm đến thị trường châu Á với dân số trên 3 tỷ người có mức thu nhập tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, ASEAN...
Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, cá tra có mức giá phù hợp với người dân và người dân hiện không an tâm với các sản phẩm sản xuất trong nước. Do vậy, đây là cơ hội cho cá tra xâm nhập mạnh hơn vào thị trường này.
Để ổn định và phát triển ngành hàng cá tra trong những năm tới khi mà hàng rào kỹ thuật nâng cao, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm đàm phán với Bộ Nông nghiệp Mỹ để đưa ra một chương trình chung để các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước biết và có kế hoạch ứng phó.
Doanh nghiệp đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm ban hành Nghị định 36 để ngay từ bây giờ phải lập lại trật tự về chất lượng nhằm quảng bá hình ảnh cá tra trên thị trường.
Theo ông Dương Ngọc Minh, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cần có chính sách quảng bá hình ảnh cá tra ngay tại thị trường trong nước nhằm giải quyết một phần khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ cá tra. Bởi lẽ, mức tiêu thụ cá tra trong nước chưa tới 5%, trong khi đó đây là sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ nhất về mặt chất lượng./.
vietnam+
|