Muốn tăng năng suất, môi trường kinh doanh phải tốt
Để tăng năng suất lao động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngoài việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì điều quan trọng là phải tạo môi trường kinh doanh thuật lợi nhất cho doanh nghiệp (DN) phát triển, tạo thêm nhiều việc làm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội của ngành LĐTB&XH giai đoạn 2011-2015. Ảnh: VGP/Đình Nam
Đây là một trong những vấn đề được Phó Thủ tướng dành thời gian trao đổi tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội của ngành LĐTB&XH giai đoạn 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, sáng 25/12.
Theo Phó Thủ tướng để giải quyết những vấn đề liên quan đến lĩnh vực lao động hiện nay như năng suất lao động, trình độ đào tạo, tình trạng sinh viên thất nghiệp... không thể là nỗ lực riêng lẻ của từng bộ, ngành hay của riêng ngành LĐTB&XH.
Từ câu chuyện nâng cao năng suất lao động, ngoài những việc phải làm như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường đào tạo, đầu tư công nghệ… Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh cùng với các bộ, ngành, địa phương, ngành LĐTB&XH phải làm hết sức để môi trường đầu tư, kinh doanh được thông thoáng cho DN.
“Muốn tăng năng suất, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ nhưng trước hết phải phát triển được DN. Bởi Việt Nam còn 40% lao động nông nghiệp trong khi ở những nước phát triển con số này chỉ dưới 10%, nếu chúng ta chuyển 30% lao động nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp, làm dịch vụ, phát triển công nghiệp thì chưa nói đến đổi mới công nghệ hay đào tạo nghề, năng suất cũng sẽ lên... Đây là việc của cả nước, và rất cần mỗi bộ ngành, địa phương đều làm hết sức để môi trường đầu tư thông thoáng nhất”, Phó Thủ tướng phân tích.
Trong đó, trách nhiệm trực tiếp của ngành LĐTB&XH là xây dựng, thực thi hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách, làm tốt công tác đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thị trường lao động phát triển. Cụ thể, cần rà soát toàn bộ hệ thống dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm của Nhà nước, các đoàn thể cũng như tại các địa phương, từ đó có đánh giá, chuyển đổi theo hướng tự chủ, gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động thông qua DN.
“Tôi đã đi khảo sát một số cơ sở dạy nghề. Một số nơi làm tốt, sinh viên ra trường có việc làm ngay dù cơ sở vật chất không có gì nhiều nhưng cũng có những cơ sở được xây dựng tốt nhưng ít người học”, Phó Thủ tướng nói.
Đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Phó Thủ tướng đề nghị cần tập trung đổi mới thực chất để hoạt động này phải thiết thực vì đó là tiền, nguồn lực của đất nước dù còn rất nghèo.
“Chúng ta chỉ mở lớp khi biết chắc người nông dân đó, lao động đó thực sự phục vụ cho nhu cầu của mình, để có việc làm, để giảm nghèo, chứ không phải học theo phong trào”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về công tác người có công, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương cùng Bộ LĐTB&XH khẩn trương giải quyết chế độ, chính sách cho những người có công chưa được hưởng qua đợt tổng rà soát vừa qua.
Đánh giá về hoạt động trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn... Phó Thủ tướng cho rằng ngành LĐTB&XH đã đặt được cơ sở tích cực ban đầu khi chuyển từ chính sách hỗ trợ mang tính từ thiện, nhân đạo sang coi đây là những chủ thể thực hiện các chính sách an sinh, xã hội. Ngay trong thực hiện chính sách đối với một số đối tượng đặc biệt như nghiện ma túy, mại dâm… cũng có chuyển biến khi cai nghiện từ bắt buộc chuyển sang tự nguyện, từ tập trung chuyển dần sang cai nghiện tại cộng đồng.
“Các địa phương, các ngành cần tích cực trực tiếp vào cuộc trong sắp xếp lại, đổi mới hoạt động của các trung tâm 05, 06”, Phó Thủ tướng nói.
Liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo, Phó Thủ tướng nhận xét đã có sự chuyển biến về nhận thức về cách tiếp cận giảm nghèo đa chiều cùng những chính sách và chỉ đạo bên dưới theo tinh thần khuyến khích người nghèo tự vươn lên, tuy nhiên, thay đổi thực sự còn chậm.
“Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận có những đối tượng nếu được sự trợ giúp đủ mức thì họ có thể thoát nghèo bởi bản thân họ khao khát và nỗ lực thoát nghèo, nhưng cũng có không ít đối tượng và gia đình do điều kiện, do bản thân không chịu khó nhưng về cơ bản chúng ta vẫn hỗ trợ cào bằng".
Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan báo chí, truyền thông cùng với các bộ ngành, đoàn thể, hội nghề nghiệp tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thay đổi thói quen trong việc tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội như BHXH, BHYT… từ đó xây dựng hệ thống an sinh xã hội tốt, đảm bảo vững chắc, lâu dài.
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, giai đoạn 2011-2015, cả nước đã tạo việc làm cho trên 7,8 triệu người; khoảng 8,6 triệu lao động được đào tạo, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước, góp phần đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo cả nước lên 51,6% vào cuối năm 2015.
Riêng năm 2015, cả nước tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, đạt 101,6% kế hoạch năm, tăng 1,6% so với năm 2014. Tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%, đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm.
Tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân khoảng 2% mỗi năm, từ 14,2% (cuối năm 2010) xuống dưới 4,5% (năm 2015). Tại các huyện nghèo giảm khoảng 6% mỗi năm, từ 58,3% xuống còn 28%.
Lĩnh vực người có công được thực hiện tốt hơn nhờ sửa đổi nhiều chính sách theo hướng mở rộng đối tượng, nâng mức trợ cấp, đồng thời huy động được nhiều nguồn lực, khơi dậy được sự tham gia, đóng góp của cộng đồng chung tay chăm sóc người có công với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Ước đến cuối năm 2015 có 98,5% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình hộ dân cư nơi cư trú, 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công...
Bên cạnh những thành tích quan trọng đã đạt được, công tác của ngành cũng còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục: Thị trường lao động còn bất cập, cung lớn hơn cầu lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời, cập nhật cho các đối tượng có nhu cầu và cho công tác quản lý. Tỉ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp. Dạy nghề chưa có sự chuyển biến căn bản, tuyển mới dạy nghề khó khăn nhất là tuyển mới cao đẳng, trung cấp nghề. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Tình trạng bạo lực, bất bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em; sử dụng lao động trẻ em, trẻ em bị tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, trẻ em bị xâm hại tình dục... vẫn còn xảy ra.
Giai đoạn 2016-2020, ngành LĐTB&XH phấn đấu giải quyết việc làm cho 7,5-8 triệu người, trong đó tạo việc làm trong nước cho khoảng 7 triệu người, số người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 500.000 người. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động đạt 50% vào năm 2020, năm 2016 đạt 23-25%.
Đến năm 2020 đảm bảo 99% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, năm 2016 là 98,5%; phấn đấu 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công, năm 2016 là 98,5%. 100% các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; 85% các đối tượng người khuyết tật được tiếp cận tối thiểu một trong các dịch vụ xã hội, năm 2016 khoảng 81%...
Đình Nam
Chính phủ
|