VNE - Tái cấu trúc, mạnh tay tập trung phát huy năng lực cốt lõi
Thời gian tới, với việc gia tăng nguồn vốn đầu tư cho hệ thống lưới điện tiếp tục tăng cũng như tiềm năng mở rộng thị trường ngành điện, mở ra cơ hội lớn cho VNE chiếm lĩnh thị trường, nâng cao thị phần và khẳng định vị thế trên thị trường xây lắp các công trình điện, lưới điện quốc gia.
Đại diện VNE ký hợp tác chiến lược với đối tác
Giá trị xây lắp năm 2014 chuyển sang 2015 của Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam - VNECO (HOSE: VNE) ước đạt trên 700 tỷ đồng, ước tính doanh thu xây lắp năm 2015 có thể đạt trên 1,000 tỷ đồng (năm 2014 đạt trên 900 tỷ đồng).
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổng vốn đầu tư cho ngành điện đến năm 2020 khoảng 929.7 ngàn tỷ đồng, trong đó đầu tư vào nguồn điện chiếm 66.6%, đầu tư lưới điện chiếm 33.4% tổng vốn. Ngoài ra với việc Việt Nam tham gia vào hiệp định TPP sắp tới sẽ xuất hiện một làn sóng đầu tư vào các khu công nghiệp lớn tại Việt Nam và việc nâng cấp hạ tầng cho công nghiệp cũng như cung cấp đủ điện là điều kiện bắt buộc khi Việt Nam tham gia vào hiệp định này. Có thể nói, thị trường để phát triển cho ngành điện là rất lớn và đầy tiềm năng.
Vì lẽ đó mà nhà đầu tư theo dõi cổ phiếu VNE hẳn không ngạc nhiên vì trong vòng 3 năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh của tổng công ty này đã có những bước thay đổi đáng kể và liên tục được các nhà đầu tư tài chính dày dặn quan tâm. Cụ thể, từ tháng 05/2015 đến tháng 10/2015, Quỹ đầu tư ngoại PYN Elite Fund đã liên tục mua vào cổ phiếu VNE với tỷ lệ sở hữu gần 10%. Hiện tại với tỷ lệ sở hữu hiện nay, khối ngoại đã lấp đầy gần phân nửa room cho phép theo quy định.
Tái cấu trúc mạnh mẽ với lợi nhuận dự kiến hàng trăm tỷ đồng
Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, tăng hiệu quả kinh doanh, VNE vừa thông qua phương án tái cơ cấu tài sản, đầu tư tài chính của toàn Tổng công ty.
Cụ thể, từ quý 4/2015 đến hết năm 2016, Tổng công ty sẽ xúc tiến để chuyển nhượng 68,375 m2 đất thuộc Dự án Khu đô thị mới Mỹ Thượng với giá trị dự kiến là 200 tỷ đồng. Song song đó, xem xét, quyết định chuyển nhượng một số tài sản, dự án tại công ty con để tái cơ cấu lại hoạt động theo đúng định hướng tại CTCP Đầu tư và Xây dựng điện Mê Ca VNECO và CTCP Du lịch Xanh Huế.
Hoạt động tái cơ cấu lần này còn được triển khai cơ cấu lại danh mục đầu tư tài chính tại một số đơn vị hoạt động chưa hiệu quả trong tổ hợp VNE theo hướng bán, chuyển nhượng cổ phần của VNE tại Tư vấn và Xây dựng VNECO, VNECO 5, VNECO 6 và VNECO 11. Dự kiến tổng giá trị chuyển nhượng của chương trình tái cấu trúc là 624 tỷ đồng, lợi nhuận thu được 175 tỷ đồng và dòng tiền thu về lên đến 533.5 tỷ đồng.
Có thể nói với những quyết định trên, bức tranh tài chính của VNE sẽ hết sức tươi sáng không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai. Dòng tiền thu về dự kiến sẽ được VNE đầu tư mạnh mẽ và tập trung vào các dự án hiệu quả và tiềm năng.
Chưa tính đến hiệu quả của phương án tái cơ cấu tài sản, đầu tư tài chính trên, chỉ trong 3 quý đầu năm 2015, Tổng Công ty đã gần như chắc chắn đạt được kế hoạch sản xuất kinh doanh mà Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 giao phó. Cụ thể là tính đến quý III năm 2015, Tổng công ty tiếp tục báo cáo lãi lũy kế gần 80 tỷ đồng (đạt hơn 90% kế hoạch) và doanh thu đạt hơn 800 tỷ đồng (đạt gần 80% kế hoạch).
Phát huy sức mạnh cốt lõi
Với bề dày gần 30 năm trong ngành xây lắp điện, VNE đang sở hữu một đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm và hệ thống kỹ thuật tiên tiến đủ sức thỏa mãn tất cả các yêu cầu khó khăn và nghiêm ngặt của chủ đầu tư.
Hiện nay, thương hiệu VNE gắn với nhiều công trình nguồn điện, nhà máy thủy điện, các công trình truyền tải điện đường dây và trạm biến áp đến 500 kV. Trong lĩnh vực thi công xây lắp điện cao áp, chỉ có VNE và một vài đơn vị là có thể đảm nhiệm. Đây là phân khúc thị trường đòi hỏi năng lực thi công rất cao và rất khắt khe về các tiêu chí thực hiện.
Bên cạnh đó, việc hợp tác với cổ đông chiến lược mang lại nhiều lợi thế cho VNE. Cụ thể là 2 cổ đông chiến lược tập đoàn Khải Toàn (KTG) - nhà phân phối thiết bị điện hàng đầu Việt Nam, có quan hệ mật thiết với những nhà sản xuất thiết bị điện lớn trên thế giới và CTCP Bảo Phước - một doanh nghiệp đang nổi tiếng với những dự án bất động sản nghỉ dưỡng ăn khách tại miền Trung.
Thời gian gần đây, VNE còn bắt tay hợp tác với các đối tác tập đoàn toàn cầu nổi tiếng trên thị trường điện thế giới như tập đoàn Fuji Electric, tập đoàn điện Ankura. Đây là những lợi thế sẽ góp phần mang lại cho VNE nhiều lợi thế đầu vào cũng như tận dụng được hệ thống khách hàng và các công nghệ sản phẩm tiên tiến trên thế giới.
Phát triển bền vững với cơ hội dẫn đầu ngành
Tại Việt Nam hiện có 4 đơn vị đảm nhiệm hoạt động xây lắp đường dây, trạm biến áp cao thế và trung thế, gồm có VNE và PCC1, 2 và 4.. Do đây là ngành đặc thù nên biên độ lợi nhuận vượt trội so với hoạt động xây dựng khác như xây dựng dân dụng, xây dựng công trình ngầm. Ngoài ra, dòng tiền thu về từ chủ đầu tư của VNE cũng nhanh và ổn định hơn so với các doanh nghiệp khác do chủ đầu tư các dự án của VNE là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) có năng lực tài chính và nguồn vốn rất dồi dào.
Thời gian tới, với việc gia tăng nguồn vốn đầu tư cho hệ thống lưới điện tiếp tục tăng cũng như tiềm năng mở rộng thị trường ngành điện, mở ra cơ hội lớn cho VNE chiếm lĩnh thị trường, nâng cao thị phần và khẳng định vị thế trên thị trường xây lắp các công trình điện, lưới điện quốc gia./.
|