Thứ Ba, 22/12/2015 12:22

IMF: Tăng trưởng tín dụng nhanh gây rủi ro cho kinh tế Campuchia

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo đà tăng trưởng tín dụng nhanh có khả năng gây ra mối nguy nghiêm trọng đối với nền kinh tế Campuchia và nước này cần áp dụng các chính sách thận trọng nhằm hạn chế cho vay và giảm thiểu sự bùng nổ này.

* Tập đoàn Quản lý Cảng biển lớn nhất Campuchia định lên sàn vào giữa năm 2016

* TTCK Campuchia sẽ có doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên niêm yết vào năm 2016?

 

Theo báo cáo mới đây của IMF: “Ưu tiên hiện nay là giải quyết các rủi ro đang đe dọa đến sự bình ổn của hệ thống tài chính bằng cách ổn định và điều tiết tốc độ tăng trưởng tín dụng về các mức hợp lý hơn, đồng thời theo dõi sát hiệu ứng lên đà tăng trưởng của nền kinh tế”.

Báo cáo cho rằng trong khi triển vọng kinh tế ngắn hạn của Campuchia vẫn khá thuận lợi thì tăng trưởng GDP nhờ tín dụng lại không đi kèm với sự gia tăng của hoạt động đầu tư tư nhân.

Thị trường tín dụng Campuchia đã mở rộng khoảng 30% mỗi năm trong vòng 3 năm qua, vượt xa các mức an toàn để bảo vệ lĩnh vực tài chính trước các biến động và suy yếu kinh tế.

Báo cáo cho biết: “Tốc độ cho vay ngày một tăng tốc với đà tăng trưởng tín dụng nhanh hơn nhiều so với các nước khác thuộc khu vực châu Á mà IMF nhận thấy trong suốt chuyến làm việc tại Vương quốc này”.

Báo cáo lưu ý, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các ngân hàng, đặc biệt là các tổ chức tài chính vi mô (MFI), càng khiến tín dụng tăng trưởng nhanh hơn. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng/GDP tại Campuchia đã tăng gấp đôi trong 3 năm qua và hiện đang ở mức trên 50%, gấp 2 lần mức bình quân ở các nước có thu nhập thấp.

Trước thực trạng đó, IMF đề nghị Ngân hàng Trung ương Campuchia (NBC) áp dụng vốn dự trữ chống rủi ro chu kỳ – một chính sách theo đó các ngân hàng dự trữ vốn trong suốt các giai đoạn tăng trưởng tài chính cao để trang trải cho những thua lỗ có thể phát sinh trong các thời kỳ kinh tế suy yếu theo chu kỳ. IMF cũng hối thúc ngân hàng trung ương nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng “về căn bản” nhằm kìm hãm tăng trưởng tín dụng và xoa dịu các mối đe dọa đến sự bình ổn của lĩnh vực tài chính.

Được biết, hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc mà NBC đang áp dụng đối với các ngân hàng là 12.5% và đối với các MFI là 8.5%.

Bên cạnh việc nâng và điều tiết các tỷ lệ trên, IMF còn đề nghị NBC kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các MFI nhận tiền gửi bằng cách nới rộng yêu cầu dự trữ, kể cả vốn vay nước ngoài.

Hơn nữa, IMF cho rằng các công ty kinh doanh bất động sản, các đối tượng thường xuyên cấp tín dụng và ngày càng được hỗ trợ nhiều từ dòng vốn nước ngoài, “nên được đưa vào cơ chế kiểm soát chặt chẽ”.

Một khía cạnh đáng quan ngại khác đó là xu hướng cho vay không giới hạn của một số tổ chức tài chính. Tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LTD) ngày càng leo dốc và đã chạm ngưỡng tượng trưng 100% trong tháng 2 trong khi nhiều ngân hàng đang phụ thuộc nặng nề vào nguồn vốn nước ngoài để trang trải cho các khoản vay này.

Báo cáo cho rằng: “Tỷ lệ LTD tại các ngân hàng gia tăng cho thấy sự phụ thuộc nặng nề hơn vào những khoản vay không thiết yếu, trong đó 20 ngân hàng có tỷ lệ LTD trên 100% và 12 ngân hàng với tỷ lệ LTD trên 200%. Sự gia tăng của các khoản nợ không thiết yếu phản ánh sự phụ thuộc nhiều vào các khoản vay ngắn hạn nước ngoài, theo đó làm gia tăng các mối nguy thanh khoản”.

IMF cũng đề nghị NBC đưa ra các mức khống chế tập trung theo lĩnh vực đối với việc cho vay, đặc biệt có thể nhận thấy rõ sự bùng phát ngày một gia tăng ở lĩnh vực bất động sản.

Ông Stephen Higgins, Tổng giám đốc Tổ chức Đầu tư Mekong Strategic Partners cho rằng báo cáo của IMF đưa ra “những đề xuất mang tính thực tế và hợp lý cho Campuchia”, dù rằng chúng nên được thực hiện cẩn thận để tránh sự tác động hay kết quả tiêu cực nào có thể xảy ra.

Ông cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh, đặc biệt là tại các MFI ít được quản lý, là mối quan ngại dễ dàng nhận thấy.

Ông nhận xét: “Tăng trưởng tín dụng quá cao và có khả năng vượt 50 tỷ USD vào năm 2020 nếu như đà tăng hiện nay tiếp tục như thế. Ước tính tỷ lệ tăng tăng trưởng tín dụng so với GDP sẽ chạm mức báo động 150% nếu như không được kìm chế”.

Ông Higgins tán thành đề xuất của IMF về việc áp dụng tỷ lệ dự trữ đối với các MFI bằng mức áp dụng tại các ngân hàng, và chỉ ra rằng một số nhà cho vay vi mô này tăng trưởng lớn hơn các ngân hàng quy mô vừa nhưng hoạt động của họ ít bị khống chế.

Ông Higgins nhận định: “8 MFI lớn nhận tiền gửi hiện nay lớn hơn đa số các ngân hàng ở Campuchia và hầu hết đều có tham vọng trở thành các ngân hàng thương mại. Vì vậy, tôi nghĩ điều hợp lý là họ nên được quản lý như các ngân hàng và chắc không ai phản đối điều đó cả”.

Ông Grant Knuckey, CEO của ANZ Royal Bank, cho rằng mối quan ngại của IMF về tỷ lệ LTD vượt 100% là hoàn toàn đúng, đặc biệt là sự mất cân đối thanh khoản tiền gửi trong lĩnh vực ngân hàng. Ông cho rằng tỷ lệ LTD tăng cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào việc huy động vốn từ nước ngoài để trang trải cho hoạt động cho vay. Và về khía cạnh này nên nhớ rằng ngoài 8 MFI nhận tiền gửi, số còn lại của lĩnh vực tài chính vi mô đều hoàn toàn phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài”.

Ông Knuckey cho rằng mối nguy đó có thể được giới hạn bằng các giải pháp khá đơn giản như áp dụng tỷ lệ trang trải thanh khoản, đưa ra mức khống chế tỷ lệ LDT hoặc định mức nợ nước ngoài.

Ông nhận xét: “Rõ ràng NBC đang sẵn sàng xem xét một số giải pháp để điều tiết cho vay và thanh khoản tốt hơn. Vấn đề đối với lĩnh vực này và các nhà đầu tư là bất cứ giải pháp kiềm chế nào cũng sẽ gây ra áp lực giảm lên lợi nhuận”.

Nhưng theo quan điểm của ông thì lợi nhuận ở lĩnh vực ngân hàng đã chạm đỉnh rồi./.

Các tin tức khác

>   Sacombank lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài (16/12/2015)

>   NHTW Lào tự tin về khả năng cung ứng USD (20/11/2015)

>   NTHW Campuchia thúc đẩy việc sử dụng đồng riel (18/11/2015)

>   Myanmar và Campuchia khắc chế tình trạng đôla hóa (26/10/2015)

>   Doanh nghiệp Myanmar sẽ ngừng cung cấp dịch vụ bằng đồng USD (21/10/2015)

>   Ngân hàng và công ty tài chính Nhật nâng sở hữu tại ngân hàng lớn nhất Campuchia (22/09/2015)

>   Myanmar tăng cường bán ngoại tệ để thúc đẩy đồng Kyat (21/07/2015)

>   Ngân hàng Campuchia hứng khởi trước AEC (21/07/2015)

>   Kinh tế Lào tăng trưởng khoảng 7,5% trong tài khóa 2014-2015 (08/07/2015)

>   BIC khai trương Văn phòng Đại diện tại Myanmar (25/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật