Thứ Ba, 21/07/2015 16:06

Ngân hàng Campuchia hứng khởi trước AEC

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời vào cuối năm nay có mục tiêu hội nhập 10 nền kinh tế đa dạng trong khu vực Đông Nam Á, tạo ra một thị trường đồng nhất với 600 triệu dân và tạo ra GDP khoảng 2,4 nghìn tỷ USD. AEC sẽ tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho Campuchia.

Giám đốc điều hành Ngân hàng Canadia Michael Lor (Nguồn: Fabien Mouret)

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Khmer Times, Giám đốc điều hành Ngân hàng Canadia Michael Lor đã chia sẻ về sự chuẩn bị của hệ thống ngân hàng của đất nước chùa tháp trước hội nhập kinh tế khu vực.

Còn chưa đầy 5 tháng nữa AEC sẽ ra đời, việc hội nhập kinh tế khu vực có tầm quan trọng như thế nào, và đây có phải là một mục tiêu thực tế?

Nhiều người hoài nghi và cho rằng AEC là một giấc mơ xa vời. Việc thực hiện đầy đủ các mục tiêu của AEC sẽ phải mất khoảng từ 3 tới 5 năm nữa, nhưng tôi tin rằng AEC sẽ bắt đầu. Các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á không thể đứng độc lập như những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Do đó, các nước trong Hiệp hội không còn lựa chọn nào khác là kết nối cùng với nhau.

Xét trên thực tế, thời gian tăng trưởng kinh tế của 10 nước thành viên ASEAN là khác nhau. ASEAN có những nền kinh tế phát triển hơn như Singapore, Thái Lan, sau đó là nhóm nền kinh tế phát triển tầm trung như Indonesia, Việt Nam và Brunei. Campuchia và Lào vẫn là những nền kinh tế phát triển thấp nhất trong Hiệp hội. Do có những phân khúc khác nhau trong ASEAN nên các nước thành viên khó có thể có cùng nhịp độ phát triển ngay lập tức. ASEAN sẽ phải mất một thời gian dài nữa để đạt được điều này nhưng tôi tự tin rằng AEC cuối cùng cũng sẽ cán đích.

Là nước kém phát triển hơn trong ASEAN, Campuchia phải làm thế nào để có được lợi ích trong AEC tương đương như các nước thành viên khác?

Campuchia có một nền kinh tế mở và cơ chế mở cửa này là một trong những nền tảng của AEC. Khi AEC thành hiện thực, cũng giống như cá gặp nước, chúng tôi sẽ có được nhiều lợi ích từ Cộng đồng này.

Tuy nhiên, cũng có một số lĩnh vực trong nền kinh tế Campuchia cần được cải thiện để phù hợp với các nước thành viên khác trong AEC và chúng tôi cần thời gian để thực hiện mục tiêu này. AEC sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư vào Campuchia, tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giúp đất nước phát triển.

Lĩnh vực ngân hàng Campuchia đã sẵn sàng để cạnh tranh trong AEC chưa, thưa ông?

Hệ thống ngân hàng tại Campuchia hiện nay còn khá cơ bản và truyền thống với các dịch vụ như gửi tiết kiệm và chuyển tiền. Tuy nhiên, trong tầm nhìn 5 năm tới, khi AEC ra đời, dịch vụ tài chính trong ASEAN sẽ phát triển mạnh. Việc phát triển hệ thống ngân hàng của Campuchia là quan trọng. Tôi nghĩ rằng, đây là lĩnh vực mà các ngân hàng cần phải làm việc và cùng nhau phát triển.

Các ngân hàng Campuchia cần hiểu rằng, họ không thể phát triển bền vững do sự hiện diện độc quyền ở thị trường trong nước mà sẽ phải cạnh tranh với những ngân hàng lớn hơn. Họ có thể bị sáp nhập hoặc bị loại ra khỏi thị trường.

Trong một vài năm tới, các ngân hàng có nguồn tài chính yếu hơn sẽ có xu hướng tìm kiếm đối tác để đảm bảo cùng phát triển tốt.

Ngân hàng Canadia đã có những kế hoạch cụ thể nào?

Chúng tôi rất hài lòng với kế hoạch chiến lược 3 năm của mình và cảm thấy rằng Ngân hàng Canadia đang phát triển khá hợp lý. Bên cạnh dịch vụ ngân hàng, chúng tôi có thể mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh khác. Đây là chiến lược Canadia đã theo đuổi từ lâu chứ không phải vừa mới tiến hành trong bối cảnh hội nhập kinh tế AEC.

Khả năng bị sáp nhập hoặc bị loại ra khỏi thị trường với chúng tôi là rất thấp. Canadia thực sự lớn mạnh và là một trong số ít các ngân hàng tại Campuchia có khả năng phục vụ khách hàng đa dạng tại đây.

Trong một vài năm nay, chúng tôi đã thực hiện chiến lược kinh doanh mới bằng việc tìm kiếm đối tác và để họ tự điều hành hoạt động kinh doanh bằng cách giúp họ tiếp cận với khách hàng. Với lượng khách hàng lớn, cơ chế cho vay hợp lý, đa dạng, chúng tôi tự tin về chiến lược phát triển của mình.

AEC sẽ tạo ra những thách thức nào đối với lĩnh vực ngân hàng Campuchia?

Khó khăn chính là khả năng thâm nhập vào một số thị trường các nước ASEAN phát triển hơn của chúng tôi. Tuy nhiên, điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Hiện nay, một số định chế tài chính trong ASEAN tới một quốc gia khác để mở chi nhánh làm ăn là do họ đi theo khách hàng của mình. Ví dụ, những ngân hàng Thái Lan đến đất nước của chúng tôi bởi vì có nhiều nhà đầu tư Thái Lan và khách hàng của họ đến đây làm ăn. Những ngân hàng Trung Quốc cũng làm theo cách tương tự. Do vậy, các ngân hàng Campuchia sẽ đến nơi mà khách hàng của chúng tôi đang đầu tư, mặc dù sẽ rất khó khăn để làm được điều này.

Hiện nay, nhiều ngân hàng Campuchia chưa đủ lớn mạnh để thâm nhập vào thị trường các nước khu vực. Dù sự hiện diện chưa đáng kể nhưng một số công ty Campuchia đang buôn bán, đầu tư vào thị trường một số nước trong khu vực. Điều này cũng sẽ mở đường cho các ngân hàng trong nước thực hiện giao dịch xuyên biên giới. Với Canadia, chúng tôi đã sẵn sàng và đã chuẩn bị cho quá trình này trong 4 năm qua.

Hằng Phạm (theo Khmer Times)

thế giới và việt nam

Các tin tức khác

>   Kinh tế Lào tăng trưởng khoảng 7,5% trong tài khóa 2014-2015 (08/07/2015)

>   BIC khai trương Văn phòng Đại diện tại Myanmar (25/06/2015)

>   Đồng Riel Campuchia ngày càng được ưa chuộng (21/05/2015)

>   Ngân hàng nước ngoài đầu tiên mở chi nhánh tại Myanmar (23/04/2015)

>   Ngân hàng Trung Quốc và Đài Loan đồng loạt mở chi nhánh tại Lào (20/04/2015)

>   Sẽ có sàn giao dịch cho các nước sản xuất cao su Đông Nam Á (12/03/2015)

>   VietinBank thành lập ngân hàng 100% vốn tại Lào (13/01/2015)

>   EU cam kết khoản hỗ trợ tài chính 140 triệu euro cho Campuchia (23/12/2014)

>   BIDV cung cấp khoản tín dụng 30 triệu USD cho đối tác Myanmar (20/11/2014)

>   Chấp thuận SHB chuyển đổi chi nhánh thành ngân hàng 100% vốn tại Campuchia (18/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật