NTHW Campuchia thúc đẩy việc sử dụng đồng riel
Chủ đề đôla hóa một lần nữa lại được Ngân hàng Trung ương Campuchia (NBC) nhấn mạnh trong thời gian gần đây.
* Đồng Riel Campuchia ngày càng được ưa chuộng
Việc Ngân hàng Trung ương Campuchia đề cập đến tình trạng đôla hóa cao trong nền kinh tế gần đây cho thấy các chính sách và kế hoạch hành động của Chính phủ sẽ được thực thi trong dài hạn nhằm thúc đẩy việc sử dụng đồng riel, cho phép NBC giữ vai trò kiểm soát tiền tệ chặt chẽ hơn.
Phát biểu tại Hội nghị kinh tế vĩ mô thường niên lần hai của NBC diễn ra gần đây, bà Neav Chanthana, Phó Thống đốc NBC cho rằng trong khi nền kinh tế Campuchia đã gặt hái được nhiều lợi ích từ tình trạng đôla hóa thì đó cũng là một thách thức lớn hiện nay.
Bà Chanthana phát biểu: “Tình trạng đôla hóa ẩn chứa nhiều rủi ro khi lĩnh vực kinh tế và tài chính có những bước tiến triển đáng kể”.
Đề cập đến tiến trình thúc đẩy sự lưu hành đồng nội tệ tại các nước như Lào, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, bà Chanthana không nêu cụ thể kế hoạch hành động của Chính phủ nhằm gia tăng việc sử dụng đồng riel nhưng bà cho biết kế hoạch này sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn.
Bà cho rằng: “Triển khai những giải pháp này quá sớm và gấp rút có thể dẫn đến sự thất thoát luồng vốn và tạo ra thị trường ngoại tệ chợ đen”.
Theo dữ liệu do NBC công bố gần đây, tỷ lệ đôla hóa tại Campuchia đã gia tăng đáng kể từ mức 36% trong năm 1993 lên hơn 80% năm 2013.
Tỷ lệ đôla hóa cao tại Campuchia đã hạn chế khả năng áp dụng chính sách tiền tệ của NBC do còn phụ thuộc vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Điều này cũng khiến ngân hàng trung ương khó có thể cắt giảm giá trị đồng nội tệ của mình, một chiến thuật thường được các nước áp dụng để giúp các mặt hàng xuất khẩu hấp dẫn hơn.
Ông Jayant Menon, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Văn phòng hội nhập khu vực của ADB, cho rằng nhà đầu tư luôn thích đầu tư vào đôla hơn vì đây là đồng tiền được chấp nhận trong giao dịch toàn cầu và dễ quy đổi”. Ông lưu ý: “Vì thế, việc quy định sử dụng đồng riel trước khi quy đổi sang USD và niềm tin vào đồng tiền này gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư”.
Ông Meon nhận định thêm, việc sử dụng đồng nội tệ nên để diễn ra một cách tự nhiên và nên thực hiện khi nền kinh tế khắc phục được những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đôla hóa. Ông nói: “Và khi điều này diễn ra, đồng riel sẽ đóng vai trò giống hệt như USD hiện nay”.
Được biết, tình hình kinh tế toàn cầu gần đây đã khiến tiền tệ của một số nước khu vực Đông Nam Á như Ringgit của Malaysia, Bath của Thái và VNĐ của Việt Nam giảm đáng kể trong khi đồng riel vẫn khá ổn định.
Đồng USD ngày càng mạnh đã gia tăng áp lực chi phí đối với lĩnh vực xuất khẩu Campuchia nhưng với bối cảnh của các sự kiện toàn cầu gần đây, tình trạng đôla hóa cao đã giúp Campuchia tránh được những tác động mạnh về mặt kinh tế, nhận định của ông Grant Knuckey, Giám đốc điều hành ANZ Royal Bank.
Ông nói: “Chúng ta đã chứng kiến khá nhiều biến động và tác động hệ lụy đến các hoạt động, điều này được thể hiện rất rõ tại các nước như Indonesia và Malaysia”.
Trước bối cảnh đó, NBC cho rằng các công ty xuất nhập khẩu có thể chuyển sang sử dụng chủ yếu đồng riel và việc này đang được khuyến khích trong cả nước.
Ông Te Taing Por, Chủ tịch Liên đoàn Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Campuchia chia sẻ rằng ông rất hoan nghênh kế hoạch của Chính phủ và cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sẽ không bị tác động do việc tăng cường sử dụng đồng riel.
Ông nói thêm: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước sẽ tán thành quan điểm này. Đối với các thanh toán thương mại, việc sử dụng đồng riel sẽ không gây ra bất cứ trở ngại nào”.
Một điều dễ nhận thấy là khi chuyển sang sử dụng đồng riel, giá cả các mặt hàng bán lẻ ghi dưới dạng đồng tiền này sẽ mang nhiều chữ số hơn so với giá ghi theo USD. Thế nhưng, ông Taing Por cho rằng điều này sẽ không làm mất đi khách hàng vì ở những nước khác, như Việt Nam, giá cả hàng hóa vẫn được thể hiện bằng chính đồng tiền của nước này dù rằng đơn vị tiền đồng của Việt Nam thể hiện dưới rất nhiều con số.
Ông nói: “Điều này sẽ không tác động đến hoạt động thương mại do chúng ta sẽ quen với điều đó như ở các nước khác”.
|