Thứ Ba, 01/12/2015 19:37

Góc nhìn 02/12: Rủi ro ngắn hạn, chờ tín hiệu hồi phục từ bluechips

VN-Index tiếp tục suy giảm về sát mốc 570 điểm nhưng tín hiệu tích cực là trạng thái cân bằng của thị trường đã quay trở lại, dòng tiền hoạt động khá tốt tại các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giúp giảm bớt áp lực điều chỉnh cho chỉ số. Dấu hiệu tăng giá trở lại ở những cổ phiếu lớn như VCB, BID, CTG đang xuất hiện.

Không thích hợp cho mua bán ngắn hạn

CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): VN-Index được kéo tăng khá tốt trong giai đoạn đầu phiên tuy nhiên lực bán nhanh chóng đẩy ra về cuối phiên khiến chỉ số này thoái lui xuống dưới mốc tham chiếu. Khá nhiều cổ phiếu trụ cột tiếp tục chịu áp lực bán mạnh trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng ngoại trừ BID và MBB tăng trở lại, các mã khác như VCB, CTG... đều tiếp tục duy trì đà giảm. Khối ngoại sau phiên mua ròng trở lại trên HOSE với giá trị thấp trong ngày 30/11 đã quay trở lại trạng thái bán ròng qua đó trực tiếp gây áp lực lên diễn biến chỉ số.

VN-Index tiếp tục suy giảm về sát mốc 570 điểm, tiệm cận kênh tăng điểm dài hạn của chỉ số này với thanh khoản tiếp tục suy yếu cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn sau liên tiếp 4 phiên điều chỉnh của thị trường. Điểm tích cực là trạng thái cân bằng của thị trường đã quay trở lại, dòng tiền hoạt động khá tốt tại các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giúp giảm bớt áp lực điều chỉnh cho chỉ số. Tuy nhiên nếu giao dịch tại nhóm bluechips không có sự cải thiện khiến VN-Index tiếp tục phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 570 điểm trong vài phiên tới, chỉ số này nhiều khả năng sẽ sớm tiếp cận lại vùng 560 – 564 điểm.

Áp lực điều chỉnh liên tiếp trong giai đoạn gần đây do các thông tin thiếu tích cực xuất hiện trên thị trường thế giới, lo ngại về tỷ lệ margin đang ở mức cao, diễn biến tỷ giá nóng trở lại và áp lực bán ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài đã tác động xấu lên tâm lý của nhà đầu tư. VN-Index vẫn đang ở trong trạng thái suy giảm trong ngắn hạn. Hoạt động mua bán ngắn hạn do vậy vẫn không nên tiến hành trong giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên các nhà đầu tư trung dài hạn có thể tìm kiếm các mã tốt, đã về vùng giá hợp lý sau liên tiếp hơn 1 tháng điều chỉnh, có kỳ vọng tích cực về KQKD để tiến hành giải ngân dần.

Khó kỳ vọng thị trường tăng trở lại

CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): Đà giảm và thanh khoản thị trường cùng sụt giảm, đồng nghĩa rằng lực bán giá thấp đang dần giảm bớt. Vùng hỗ trợ rơi vào tầm 565-570 điểm và có thể giảm thêm trong 1-2 phiên giao dịch tới. Thị trường sẽ tích cực chỉ khi mà những cổ phiếu lớn quay đầu tăng giá và nhịp bán ròng của khối ngoại giảm bớt. Do đó kỳ vọng vào việc thị trường tăng giá là chưa nên nhưng những NĐT ưa giao dịch ngắn hạn cũng nên quan sát từng cổ phiếu mà mình nắm giữ bởi có thể xu hướng mới sẽ mở ra cơ hội “lướt sóng”.

Những cổ phiếu lớn như VCB, BID, CTG có cơ hội tăng giá trở lại khi mà lực mua bắt đáy đang gia tăng và điển hình BID đã tăng nhẹ trở lại. Tuy nhiên VNM lại đang chịu áp lực với thông tin truy thu thuế nên khả năng duy trì giá đã là thành công. Trong khi đó cổ phiếu GAS có lẽ sẽ có tác động không còn quá lớn nữa bởi cả cung và cầu đều không nhắm đến cổ phiếu này trước viễn cảnh không thuận lợi.

Nhóm Penny, nếu như những cổ phiếu như FLC, FIT, VHG... có xu hướng duy trì vùng giá hiện tại và KLGD giảm bớt thì có thể mức hồi phục sẽ sớm xảy ra.

Xu hướng ngắn hạn khá bi quan

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE): VN-Index xâm phạm hoàn toàn khu vực hỗ trợ 590 điểm đã khiến xu hướng ngắn hạn bị đảo chiều từ tăng sang giảm và triển vọng ngắn hạn vì vậy khá bi quan.

MBKE cho rằng NĐT cần hạn chế tối đa các hành động bắt dao rơi khi xu hướng đang là giảm, các đoạn hồi kỹ thuật trong những phiên tới hoặc hồi trong phiên (nếu có) nên được nhìn nhận như cơ hội thoát khỏi thị  trường hơn là cố gắng mua mới trong bối cảnh hiện nay.

Lực bán đã giảm, trông chờ nhịp hồi kỹ thuật

CTCK Bảo Việt (BVS): Diễn biến suy giảm của thanh khoản trong bối cảnh 2 chỉ số đã giảm phiên thứ 4 liên tiếp cho thấy lực bán không còn quá mạnh như ở các phiên trước. Nhà đầu tư muốn bán giảm tỷ trọng nên chờ các nhịp hồi phục mang tính kỹ thuật của thị trường thay vì cắt lỗ bằng mọi giá. Hoạt động gia tăng tỷ trọng chỉ nên được thực hiện khi thị trường cho tín hiệu tích cực hơn cả về điểm số và thanh khoản./.

Các tin tức khác

>   Áp lực margin hiện tại không quá lớn (01/12/2015)

>   HHS, SBT, NT2, HQC - những ứng viên sáng giá cho kỳ đảo danh mục quý 4 của FTSE Vietnam Index (01/12/2015)

>   Làm thế nào hạn chế tác động tiêu cực của “đội lái” lên giá cổ phiếu? (01/12/2015)

>   Ông Phạm Bình Phương (PNS): Áp lực nào TTCK Việt Nam sẽ phải đối mặt? (01/12/2015)

>   Góc nhìn 01/12: Đi ngang hay giảm? (30/11/2015)

>   Chứng khoán tháng 12: “Con thuyền” VN-Index sẽ cập bến nào? (02/12/2015)

>   Rót tiền vào cổ phiếu nào dịp cuối năm? (30/11/2015)

>   Góc nhìn tuần 30/11 - 04/12: Xu hướng đang tiêu cực? (29/11/2015)

>   Góc nhìn 03/03: Rủi ro điều chỉnh vẫn hiện hữu (02/03/2016)

>   Góc nhìn 27/11: Ngưỡng 590 có đủ mạnh mẽ? (26/11/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật