Nhịp đập Thị trường 02/11: VN-Index mất gần 5 điểm
Thị trường đóng cửa với phần lớn các mã chứng khoán đều mang sắc đỏ. VN-Index lùi 4.61 điểm, đứng ở mức 602.76, HNX-Index lùi 1.12 điểm còn ở mức 81.11 điểm. Hôm nay chứng kiến phiên giảm điểm mạnh nhất trong gần 10 ngày qua.
Tổng khối lượng giao dịch trong ngày hơn 166 triệu đơn vị với giá trị giao dịch là 2,563 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên giao dịch cuối tháng 10, nhưng chưa có biến chuyển tích cực so với trung bình cả tháng.
Nguyên nhân VN-Index tuột dốc đến từ sự giảm điểm mạnh của các mã Large Cap như VNM, BVH, VIC, GAS, HSG, CTD, PVD. Áp lực chốt lời cùng với hiệu ứng đám đông đã khiến chứng khoán giảm giá hàng loạt và VN-Index lùi dần về ngưỡng tâm lý 600.
Một số mã ngân hàng như VCB, BID sau sự tăng điểm khá mạnh vào phiên sáng nhờ dòng tiền khối ngoại hiện cũng đang đứng sàn, trong khi CTG vẫn giữ đà tăng nhẹ.
Phiên chiều có thêm sự đột biến từ OGC với khối lượng giao dịch đạt gần 18 triệu đơn vị. Tuy nhiên, ngược với những phiên trước đó, OGC kết thúc với mức giảm sàn.
Hôm nay, nhóm ngành Sản xuất từ nhựa và hóa chất giảm mạnh nhất, hơn 4.5%, trong đó phải kể đến như BMP, DRC, CSM, SRC, RDP, NTP…
Phiên giao dịch đầu tháng cũng chứng khối ngoại bán ròng hơn 32 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong khi đó trên sàn HNX, khối ngoại lại tăng mua ròng với giá trị gần 8 tỷ đồng.
13h30: Đà giảm đang lan rộng
Đến thời điểm này, sắc đỏ đang lan truyền khắp thị trường, VN-Index hiện chỉ còn ở mức 605.24 điểm, lùi 2.13 điểm so với đầu phiên. HNX-Index chỉ còn 81.34 điểm, mất 0.92 điểm.
Trong khi đó, thanh khoản trên thị trường chưa có tín hiệu phục hồi, tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 109 triệu đơn vị với giá trị là 1,678 tỷ đồng, điều này khiến cho tâm lý thị trường càng tiêu cực hơn.
Tất cả các mã Maket Cap đều giảm điểm, ngoại trừ Micro Cap có sự phục hồi nhẹ nhưng không đủ sức để nâng đỡ cho VN-Index. Một số mã có vốn hóa lớn đang giảm mạnh như CTD giảm 3,000 đồng, HSG giảm 1,400 đồng, BMP giảm 3,000 đồng.
Hiện tại số mã mang sắc đỏ đã lên tới 286 (21 mã kịch sàn), trong đó có những trụ lớn của VN-Index như GAS, VIC, BVH. Số lượng mã tăng giá chỉ có 92, đứng đầu là hai ông lớn ngành Ngân hàng là VCB và BID. Như vậy đến thời điểm này (13h30), độ mở thị trường càng lúc càng hẹp.
Phiên sáng: Hai sàn đảo chiều, thanh khoản thấp
Với áp lực chốt lời xuất hiện khi nhiều chỉ báo phân tích kỹ thuật đều ở ngưỡng cho tín hiệu bán khiến cho VN-Index đảo chiều, mất 1.07 điểm so với đầu phiên, chỉ còn 606.3 điểm, HNX-Index tiếp tục giảm, còn 81.88 điểm, lùi 0.35 điểm.
Tuy nhiên thanh khoản thị trường trong phiên sáng vẫn còn khá thấp, tổng khối lượng giao dịch chỉ hơn 77 triệu đơn vị với tổng giá trị giao dịch là 1,284 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giá trị thỏa thuận trong phiên sáng của LAS lên hơn 93 tỷ đồng, với 3 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công trên sàn HNX. Trong khi đó tại sàn HOSE, xuất hiện các giao dịch thỏa thuận với giá trị lớn của HAG (57 tỷ đồng) và VNM (20 tỷ đồng).
Trong sáng nay, nhóm ngành Vận tải -Kho bãi là nhóm ngành giảm điểm nhiều nhất, trong khi đó với sự góp sức của khối ngoại khiến cho VCB, CTG, BID vẫn tiếp tục tăng điểm.
Đến thời điểm nghỉ giữa phiên, dòng tiền khối ngoại vẫn đang đổ vào mạnh hơn, nổi trội nhất vẫn là VCB và SSI, tuy nhiên sự phân hóa đã giảm đi phần nào khi nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu rót tiền vào một số mã có vốn hóa trung bình như: CSM, CAV, DRC, GMC.
10h40: Xuất hiện áp lực chốt lời
VN-Index hiện đang có một sự chỉnh nhẹ khi giao dịch ở mức 607.7 điểm, tăng 0.41 điểm so với đầu phiên, giảm 2 điểm so với mốc 610 mà VN-Index đã chạm tới trong sáng hôm nay vào lúc 9h30. HNX-Index đã đảo chiều, khi mất 0.13 điểm, còn 82.1 điểm.
Áp lực chốt lời đang xuất hiện trở lại khi VN-Index tiếp cận vùng kháng cự 610-615 điểm. Nhóm cổ phiếu lớn đang bị bán như BVH, HSG, CTD, HCM, REE, PVD… chỉ còn một số mã lớn hiếm hoi như CTG, GAS, VIC đang còn tăng nhẹ.
Nổi bật nhất là áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu ô tô như SVC, TMT, HAX và HTL cùng giảm sàn. Nhóm này đã tăng khá mạnh trong khoảng thời gian trước đó sau một loạt thông tin tích cực, nhất là về TPP.
Lúc này nhà đầu tư nước ngoài mua đang tập trung vào một số mã đầu ngành, như BID, VCB, CTG - “bộ ba quyền lực” ngành Ngân hàng, SSI - ngành Chứng khoán, CII - ngành Xây dựng, VIC - ngành Bất động sản, GAS và DPM - ngành Dầu khí.
Cũng phải nói thêm là dòng tiền cả hai sàn lúc này đang ở mức thấp, chỉ hơn 836 tỷ đồng vào lúc 10h40. Ngoài một số mã nổi bật trên HOSE đang hút dòng tiền như BHS, FLC, DLG, MBB thì có dấu hiệu cho thấy nhóm đầu cơ đang đón nhận khá nhiều sự quan tâm như BGM, DRH, BCG, ITC, KSA, MCG… Sàn HNX thì rõ hơn với ACM, HVA, BAM, KVC, SHN đều tăng trần.
So với thời điểm 9h30 sáng, độ mở thị trường tại thời điểm này hẹp hơn rất nhiều, số lượng mã xanh điểm không tăng, nhưng số lượng mã giảm điểm lại nhiều hơn.
Mở cửa: Duy trì đà tăng, VN-Index tiếp cận mốc 610
Đà tăng trên cả hai sàn tiếp tục được duy trì trong phiên đầu tuần, đặc biệt khi thông tin PMI tháng 10 cho con số tăng nhẹ lên 50.1 điểm. Chỉ số VN-Index hiện đang tiệm cận mốc 610 điểm.
Cụ thể đến 9h30, VN-Index tăng hơn 2.6 điểm để giao dịch sát 610 điểm trong khi HNX-Index tăng 0.16 điểm lên 82.39 điểm. Tuy nhiên thanh khoản thị trường vẫn chưa có dấu hiệu tích cực hơn khi quan với tổng khối lượng giao dịch đến thời điểm này chỉ là là 9.6 triệu đơn vị với giá trị gần 131 tỷ đồng.
Đáng chú là là BGM sau nhiều phiên hạ sàn, đến giờ này đang kịch trần với khối lượng giao dịch đến 1.6 triệu đơn vị và hiện tượng trắng bên bán. Một số mã trụ như VNM, BVH, GAS vẫn đang lên điểm tích cực, kéo VN-Index rời xa mốc tâm lý 600.
Độ mở thị trường trong đầu phiên còn yếu khi chỉ có 146 mã tăng giá và 77 mã giảm giá, số lượng mã đứng giá và không giao dịch lên đến 458 mã, cao nhất trong hơn 10 ngày qua.
Kết thúc tháng 10 với VN-Index tăng lên hơn 608 điểm là tín hiệu tích cực cho trị trường chứng khoán Việt Nam, tuy nhiên khá nhiều nhà đầu tư hiện đang rất e ngại nếu VN-Index có những phiên điều chỉnh với sự đảo chiều lớn. Có lẽ tâm lý này đã tác động lên kết quả giao dịch sáng nay khi nhà đầu tư có hiện tượng cầm chừng để xem diễn biến như thế nào.
Phạm Trần
|