Thứ Sáu, 30/10/2015 21:20

Chứng khoán Tuần 26 – 30/10: VN-Index giữ mốc 600 điểm nhờ KQKD quý 3 và khối ngoại

VN-Index kết thúc tuần duy trì được trên mốc 600 điểm và giúp tâm lý giới đầu tư tích cực. Động lực chính vẫn là KQKD khả quan ở những mã chủ chốt của thị trường cùng lực mua từ khối ngoại. Tuy nhiên, thanh khoản chung của thị trường đang tiếp tục sụt giảm.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 26 – 30.10.2015

Giao dịch: VN-Index duy trì trên mốc 600 điểm, nhưng thanh khoản sụt giảm. Nhờ phiên tăng mạnh ngày thứ Năm, VN-Index kết thúc tuần giao dịch duy trì trên 600 điểm và đang đứng ở mức 607.37, tức tăng 0.93% trong tuần qua. Trong khi đó, HNX-Index cũng đóng cửa tuần tăng 0.84% đang dừng ở 82.23 điểm.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là giao dịch khớp lệnh tiếp tục sụt giảm trên cả hai sàn. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trên sàn HOSE giảm 5.3% so với tuần trước và đạt 467.5 triệu đơn vị; trên sàn HNX, khối lượng khớp lệnh giảm 1.4% với 173.6 triệu cổ phiếu.

Thị trường mở cửa với áp lực chốt lời tăng cao và khiến các chỉ số chỉnh giảm điểm trở lại trong phiên đầu tuần. VN-Index đã nhanh chóng mất mốc tâm lý quan trọng 600 điểm. Tuy nhiên, giới đầu tư đã không quá e ngại khi khối ngoại vẫn đang mua ròng và dòng tiền đầu cơ đón đầu KQKD quý 3 tiếp tục hiện diện tại một số mã chọn lọc, đặc biệt ở các nhóm Vận tải-Kho bãi, Công nghệ thông tin, Ô tô, Xây dựng.

Trong hai phiên tiếp theo, thị trường vẫn giao dịch khá chậm, giao dịch tại các cổ phiếu đầu cơ bắt đầu suy giảm khiến khối lượng toàn thị trường tiếp tục đứng dưới mức trung bình một tháng. Tâm lý giới đầu tư nhìn chung vẫn còn yếu và sẵn sàng chốt lời cho ngắn hạn, và việc trading chủ yếu vẫn nhắm vào KQKD quý 3.

Tâm lý thị trường chỉ thật sự khởi sắc trở lại trong phiên thứ Năm, với dòng tiền tập trung vào các mã Large Cap có KQKD quý 3 tích cực. Sự trở lại của dòng cổ phiếu trụ cột đang đẩy chỉ số tăng cao và giúp tâm lý thị trường cải thiện đáng kể. Có thể kể đến các mã dẫn dắt như VNM, VIC, BVH, VCB, GAS, CTG, MWG, BID, DHG, STB đều tăng khá mạnh trong phiên này.

Tuy nhiên, với động lực không có gì mới mẽ, giao dịch thị trường đã trở lại trạng thái giằng co và đáng chú ý là khối lượng khớp lệnh giảm mạnh trở lại. Cụ thể, khớp lệnh trên HOSE trong phiên cuối tuần chỉ đạt 82.7 triệu đơn vị, trên HNX chỉ đạt 31.5 triệu đơn vị.

Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại tiếp tục mua ròng 50 tỷ đồng trên cả hai sàn. Với phiên mua ròng cuối tuần gần 97 tỷ đồng trên HOSE và 22 tỷ đồng trên HNX, khối ngoại đã kết thúc tuần giao dịch mua ròng tổng cộng 28 tỷ trên HOSE và 22 tỷ đồng trên HNX. Trên thực tế, phiên bán ròng mạnh hôm thứ Tư đã khiến giới đầu tư trong nước dao động và chỉ lấy lại bình tĩnh sau khi Fed công bố tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất thấp.

Trên HOSE, khối ngoại mua ròng mạnh nhất là ở Nafoods (NAF) – một công ty xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp mới niêm yết – với 53 tỷ đồng, kế đến là VCB với giá trị mua ròng 27 tỷ đồng, SSI 18.6 tỷ, DCM 17 tỷ đồng… Về phía bán ròng là các “ông lớn” như HSG với gần 45 tỷ đồng, VIC 36.4 tỷ, MSN 29 tỷ, GMD 19 tỷ đồng…

Trên sàn HNX, giá trị mua ròng mạnh của khối ngoại tập trung chủ yếu ở VND với 4.7 tỷ đồng, CHP gần 4 tỷ đồng, IVS 3.6 tỷ; ngược lại bán ròng chủ yếu ở NTP với 2.3 tỷ đồng, TCT, TNGVGS quanh mức 1 tỷ đồng mỗi mã.

Cổ phiếu đáng chú ý: Các cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là DHM với 25%, OGC với 20.8%; trên sàn HNX là HVA với 17%.

DHM tăng 25%. DHM tiếp tục có tuần tăng đột biến 25% sau khi đã tăng đến 23.08% trong tuần trước đó. Động lực chính vẫn là KQKD quý 3 với lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu tăng gần 22%, đạt gần 432 tỷ đồng, lãi ròng đạt 7.5 tỷ tăng 83% so với cùng kỳ. DHM giải thích các mặt hàng truyền thống như thiết bị điện, vật liệu chịu lửa đã tăng trưởng trở lại đồng thời mạnh tay cắt giảm chi phí.

OGC tăng 20.8%. Cổ phiếu OGC gây ngạc nhiên cho giới đầu tư khi có trọn tuần tăng trần với dư mua giá trần hàng chục triệu đơn vị mỗi phiên. Mặc dù đại hội cổ đông trong tuần bất thành nhưng thông tin từ ông Lê Quang Thụ - Chủ tịch HĐQT – cho thấy KQKD quý 3/2015 của OGC sẽ có lãi và lợi nhuận ước tính hơn 1,000 tỷ đồng.

HVA tăng 17%. HVA có hai phiên tăng trần cuối tuần bất chấp KQKD quý 3 suy giảm. Đà tăng mạnh của cổ phiếu này có lẽ liên quan đến kế hoạch phát hành thêm trong thời gian tới.

Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là BGM giảm 20%, BHS giảm 11.9%; trên HNX là ITQ giảm 12%.

BGM giảm 20%. BGM có trọn tuần giảm sàn có lẽ do giới đầu tư e ngại trong những xáo trộn gần đây ở công ty này, đặc biệt là vấn đề nhân sự.

BHS giảm 11.9%. Không có thông tin nào mới liên quan đến hoạt động kinh doanh của BHS trong tuần qua. Cổ phiếu này vẫn đang trong xu hướng bị giảm điểm trong thời gian qua.

ITQ giảm 12%. ITQ giảm 12% trong tuần qua chủ yếu vì KQKD quý 3 suy giảm khá mạnh. Cụ thể, doanh thu ITQ đạt hơn 111 tỷ đồng, giảm 20% so cùng kỳ năm trước, trong khi lãi ròng chỉ vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng, giảm 28% cùng kỳ.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

 

 

(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)

Phòng Tư vấn Vietstock

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật