Lần đầu tiên toàn bộ Chính phủ có thể lên “ghế nóng”
Lần đầu tiên tất cả các thành viên Chính phủ đều có thể được mời lên “ghế nóng” trước Quốc hội. Đó chính là sự khác biệt lớn kể từ sáng 16/11 của các phiên chất vấn tại Quốc hội, thông tin từ bài viết của VnEconomy.
Một phiên chất vấn tại Quốc hội khóa 13 - Ảnh: TTXVN.
|
Có sự khác biệt này là bởi hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 10 không chỉ chọn một số vấn đề được cử tri và đại biểu quan tâm mà sẽ đánh giá toàn bộ việc thực hiện của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đối với các nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến năm 2015.
Và như thế, bên cạnh Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, tất cả các thành viên Chính phủ đều có mặt, khi đại biểu chất vấn liên quan đến trách nhiệm của vị nào, thì vị đó sẽ được mời trả lời trực tiếp.
Tổng hợp kết quả thẩm tra vào ngày 16/10 cho thấy, về cơ bản, các báo cáo của Chính phủ đã bám sát các nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, chỉ có một số báo cáo theo lĩnh vực có nội dung đáp ứng đúng theo yêu cầu đề cương đã gửi như các báo cáo thuộc lĩnh vực xây dựng, tài nguyên và môi trường, lao động, thương binh và xã hội, tư pháp.
Một số báo cáo đã bám sát theo đề cương nhưng còn thiếu phần tổng hợp tình hình trả lời phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội là các báo cáo thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, nội vụ, công an, thanh tra, dân tộc.
Được cho là phần tồn tại, hạn chế, nguyên nhân còn chưa thật rõ là các báo cáo thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải.
Chưa bám sát đề cương, chủ yếu nêu kết quả đạt được và biện pháp thực hiện trong thời gian tới, chưa nêu rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm liên quan, là các báo cáo thuộc lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch, thông tin và truyền thông.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết,với các lĩnh vực báo cáo chưa bám sát yêu cầu thì đã có công văn gửi sang Chính phủ đề nghị báo cáo bổ sung, sau đó các báo cáo bổ sung này lại được gửi lại cho các ủy ban chức năng để thẩm tra thêm.
Ngày 14/11, một bản báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra mới đã được gửi đến các vị đại biểu và được nói rõ là thay thế cho bản báo cáo ngày 16/10 nói trên.
Tại đây, phần đánh giá chung về các báo cáo thuộc các lĩnh vực vẫn không hề có sự thay đổi nào. Tức là vẫn chỉ có ba bản báo cáo có nội dung đáp ứng đúng theo yêu cầu đề cương Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành, dù đã được yêu cầu bổ sung, theo lời ông Phúc.
Sự không đầy đủ của các bản báo cáo, nhất là những báo cáo thiếu nội dung về các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm liên quan đương nhiên sẽ làm cho các vị đại biểu thêm phần vất vả. Bởi, chưa có kỳ họp nào mà các văn bản liên quan đến chất vấn lại “khồng lồ như vậy”. Hầu hết mỗi ngành, lĩnh vực đều có hơn một bản báo cáo về việc thực hiện nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến năm 2015.
Các cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng đều gửi đến các báo cáo thẩm tra riêng của từng lĩnh vực. Và bản tổng hợp của đoàn thư ký kỳ họp về các nội dung này cũng lên đến trên 41 ngàn chữ.
Theo một số vị đại biểu Quốc hội thì họ cũng không có đủ thời gian để nghiên cứu kỹ toàn bộ các báo cáo này, mà quan tâm lĩnh vực nào hơn thì sẽ ưu tiên thời gian cho lĩnh vực đó.
Tại cuộc “tổng rà soát” sẽ gói gọn trong hai ngày rưỡi, kể cả thời gian nghe 5 bản báo cáo, chọn vấn đề gì và chất vấn ai hoàn toàn không phải là việc dễ dàng với các vị đại diện cho nhân dân ở diễn đàn Quốc hội.
Hoàng Phương
|