Không chấp nhận việc dân gánh lỗ cho doanh nghiệp nhà nước
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đã nói như vậy tại nghị trường chiều 13-11, khi đưa ý kiến phản đối việc xóa nợ thuế cho một số doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa còn nợ thuế. Tuổi trẻ đưa tin.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) - Ảnh: V.D
|
Đây là vấn đề từng bị phản ứng mạnh trong thời gian qua và tại phiên thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, đa số đại biểu một lần nữa không đồng tình.
“Không thể chấp nhận tình trạng lợi thì hưởng, lỗ để Nhà nước gánh chịu. Nhà nước ở đây là dân”. Đại biểu Trương Văn Vở
Không thể là chủ trương dài hạn
Đại biểu Vở nói: “Không thể chấp nhận tình trạng lợi thì hưởng, lỗ để Nhà nước gánh chịu. Nhà nước ở đây là dân”. Ông Vở cho rằng việc này thể hiện sự chấp hành không nghiêm về thuế. Nhất là doanh nghiệp cố tình không kê khai số thuế nợ trong giá trị của doanh nghiệp.
Theo đại biểu Trương Văn Vở, đề nghị xóa nợ thuế này là một nội dung cá biệt nên không thể xử lý bằng việc ban hành luật hoặc điều chỉnh bằng nghị quyết của Quốc hội. Ông viện dẫn điều 47 của Hiến pháp 2013 nêu mọi công dân đều phải có nghĩa vụ nộp thuế và cho rằng ban hành luật hay nghị quyết về vấn đề này là chưa đúng với Hiến pháp.
Ông Vở cũng không đồng tình việc dự thảo quy định doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, chuyển đổi sở hữu, có nợ thuế nhưng pháp nhân mới lại không chịu trách nhiệm với khoản nợ thuế.
“Như vậy là không phù hợp với pháp luật hiện hành. Bởi lẽ pháp luật hiện hành quy định công ty sở hữu mới đương nhiên chịu trách nhiệm nợ mà công ty cũ để lại”.
Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Trương Văn Vở đề nghị phải xem xét với từng trường hợp cụ thể theo hướng chỉ xóa nợ do phát sinh từ lỗi của cơ quan nhà nước, hoặc với những doanh nghiệp cung ứng hàng hóa được thanh toán bằng vốn có nguồn từ ngân sách nhưng chưa được thanh toán kịp thời.
Là người có chủ trương ôn hòa hơn, từng có ý kiến ủng hộ đề xuất này của Chính phủ trong phiên thảo luận tổ trước đây, lần này đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng cho rằng: “Chỉ quyết định xóa một lần này với những “địa chỉ” cụ thể”.
Đó là Chính phủ phải nói rõ có bao nhiêu doanh nghiệp, xóa nợ thuế bao nhiêu tiền, xóa thuế rồi doanh nghiệp đó có hồi phục được không, có cổ phần hóa được không và cái lợi sẽ là gì. Ông Lịch phân tích: “Theo quy định thì đây là thẩm quyền của Quốc hội và sẽ ra nghị quyết một lần, chứ không phải là chủ trương dài hạn”.
Phạt nợ thuế đã đủ răn đe?
Đại biểu Đặng Thế Vinh (Long An) cho rằng việc mức phạt nộp thuế từ 0,05% ngày (tức 18,25%/năm) là quá cao. Nhưng vì thế mà luật quy định giảm mức phạt nợ thuế mới còn 0,03% (tức 10,2%/năm) lại quá thấp.
“Phạt như vậy là còn thấp hơn cả lãi suất vay quá hạn của ngân hàng, không đủ sức răn đe, không công bằng với những doanh nghiệp đóng thuế đầy đủ” - đại biểu Vinh nói. Cùng với đại biểu Vinh, nhiều đại biểu đề nghị nên điều chỉnh mức phạt là 0,04%/ngày (14,6%/năm), cao hơn lãi suất vay quá hạn của ngân hàng để hợp lý hơn.
Tuy nhiên đại biểu Trần Du Lịch lại có tiếng nói khác biệt, cho rằng phạt mức 0,03% ngày là vừa đủ. “Theo tôi nắm thì có những doanh nghiệp đi vay để nộp thuế. Chúng ta chống thất thu thuế bằng nhiều cách chứ không phải bắt doanh nghiệp đóng phạt cao. Cần phải nuôi dưỡng nguồn thu” - đại biểu Trần Du Lịch nói.
Đối với quy định miễn thuế phi nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân có mức đóng dưới 50.000 đồng/năm, tất cả đại biểu đều đồng ý. Tuy nhiên, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nói lẽ ra quy định này đã phải được thực hiện từ lâu.
Ông phân tích: “Số hộ gia đình phải nộp thuế đất phi nông nghiệp mức 50.000 đồng trở xuống rất lớn, đến 12 triệu gia đình. Nhưng số tiền thu được chỉ 159 tỉ đồng, không tương xứng với bộ máy hành thu”.
Đồng thời, đại biểu Danh Út đề xuất phải mở rộng mức miễn thuế phi nông nghiệp với hộ gia đình, cá nhân đối với những gia đình có mức nộp 100.000 đồng trở lên để phù hợp với chính sách hỗ trợ nông dân.
Trần Việt
|