Thứ Năm, 12/11/2015 20:45

10 năm Luật Cạnh tranh: Vẫn còn nhiều bất cập

Sáng 12/11, tại hội thảo đánh giá 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh – Góc nhìn từ phía doanh nghiệp, các đơn vị đã đưa ra khá nhiều bất cập gây khó khăn cho việc hiểu và áp dụng luật này.

10 năm - điều tra 137 vụ cạnh tranh không lành mạnh

Luật cạnh tranh ra đời đã 10 năm nhằm hạn chế những hành vi lạm dụng như thống lĩnh, độc quyền trên thị trường; thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; kiểm soát tập trung kinh tế; cạnh tranh không lành mạnh.

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, trong giai đoạn 2005-2014, Cục đã điều tra tiền tố tụng 78 vụ việc trên nhiều lĩnh vực về thỏa thuận và lạm dụng. Tổ chức điều tra 8 vụ việc (gần 70 doanh nghiệp bị điều tra). Đồng thời quyết định xử lý 5 vụ việc (tiền phạt gần 5.5 tỷ đồng).

Đối với hành vi tập trung kinh tế, Cục đã tham vấn 54 vụ việc và thông báo 23 vụ việc.

Về cạnh tranh không lành mạnh, Cục cũng đã tiếp nhận hơn 300 đơn khiếu nại, quyết định điều tra 137 vụ việc và xử phạt 127 vụ việc. Trong đó năm 2011 số vụ tiếp nhận và quyết định điều tra ở mức cao nhất. Còn mức xử lý nhiều nhất là vào năm 2013.

Tuy nhiên, trong thời gian qua Cục Quản lý Cạnh tranh cũng gặp nhiều khó khăn và vướng mắc như năng lực cơ quan thực thi còn hạn chế, cộng đồng xã hội và cơ quan khác có tâm lý ngại khiếu nại va chạm, tinh thần hợp tác cung cấp thông tin, chứng cứ chưa cao.

Những bất cập

Đại diện công ty Luật Baker & McKenzie Việt Nam cũng cho rằng, Luật Cạnh tranh còn có nhược điểm bỏ qua bước chứng minh yếu tố gây hại cho người tiêu dùng, cứng nhắc, không tính đến khả năng hành vi đáp ứng mô tả vi phạm nhưng lại có lợi cho cạnh tranh, không phù hợp với xu hướng chung. Bên cạnh đó còn khó khăn trong việc xác định chính xác thị phần của doanh nghiệp như thiếu dữ liệu, thông tin về ngành có thể tiếp cận được…

Một số dạng thỏa thuận nguy hiểm bị bỏ sót như trao đổi thông tin, định chuẩn, trong khi đó các thỏa thuận được liệt kê hầu như không áp dụng được đối với thỏa thuận hàng dọc. Luật cũng khiến khó giải thích căn cứ để phân chia các thỏa thuận nguy hiểm (cấm tuyệt đối) và các thỏa thuận ít nguy hiểm hơn (cấm khi thị phần kết hợp từ 30% trở lên).

Ngoài ra, theo vị này, tổng thời gian điều tra và xử lý tố tụng cạnh tranh quá dài, tới 3-4 năm.

Trong khi đó, đại diện Friesland Campina chia sẻ, Luật Cạnh tranh quy định cơ sở để xác định khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của doanh nghiệp trên thị trường liên quan là dựa vào một số yếu tố như năng lực tài chính, công nghệ, quyền sở hữu, quy mô mạng lưới… Tuy nhiên, đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể cho các căn cứ này. Các tiêu chí để xác định năng lực tài chính, công nghệ như thế nào thì được xem là có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể? Năng lực tài chính của công ty mẹ mạnh nhưng không có nghĩa rót vốn nhiều cho công ty con thì dựa vào đâu để xác định Năng lực tài chính của công ty mẹ sẽ góp phần quyết định khả năng gây hạn chế cạnh tranh của công ty con?.

Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh quy định gièm pha doanh nghiệp khác là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và bị cấm. Tuy nhiên, trên thực tế một số doanh nghiệp đã lợi dụng thông tin trên báo chí, có thể là thông tin chưa chính xác, rồi phát tán nhằm gây hoang  mang cho người tiêu dùng, khiến doanh số của đối thủ cạnh tranh giảm sút. Hành vi này cũng nên được xem là cạnh tranh không lành mạnh.

Đại diện Unilever Việt Nam cũng đưa ra ý kiến nên rà soát lại các nội dung về hậu quả, cũng như ủng hộ việc cạnh tranh. Quy định về mua bán, sáp nhập như một hình thức tập trung kinh tế lại chịu sự kiểm soát về cạnh tranh lại chưa thực sự hợp lý. Còn về vấn đề xử lý, vị này cho rằng có quá nhiều cơ quan xử lý can thiệp, đơn cử như vừa hải quan, vừa bộ đội biên phòng… điều này dẫn đến chồng chéo. Vì thế nên trao quyền cho một cơ quan xử lý...

Nên ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành

Về phía doanh nghiệp, đại diện pháp lý Tổng CTCP Bảo Minh (BMI) cho biết, thực tiễn doanh nghiệp bảo hiểm đang phải đối mặt với sự xung đột, chồng chéo về áp dụng pháp luật giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Cạnh tranh. Vị này dẫn chứng, khi thị trường bảo hiểm phát triển mạnh, tình trạng các doanh nghiệp đua nhau giảm phí bảo hiểm, mở rộng các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, nới lỏng các điều kiện xét duyệt bồi thường một cách thiếu kiểm soát chỉ nhằm giành khách hàng. Trước thực trạng này, các doanh nghiệp bảo hiểm thông qua Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thống nhất quy tắc điều khoản, phí bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm cùng nhau thỏa thuận áp dụng và một số nội dung liên quan trong hoạt động kinh doanh, hợp tác và cạnh tranh là cần thiết.

Tuy nhiên, mặc dù không phải là hành vi bị cấm theo quy định của Luật Dân sự và Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhưng khi đối chiếu và áp dụng theo Luật Cạnh tranh thì bị quy kết vi phạm “thỏa thuận hạn chế cạnh tranh”.

Theo đó, vị này cho rằng việc thỏa thuận giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với tính cần thiết và có mục đích mà bị xử lý vi phạm Luật Cạnh tranh là không thực sự phù hợp, gây trở ngại và trực tiếp cản trở các doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng các biện pháp cần thiết để tự bảo vệ và thanh lọc thị trường. Thậm chí còn tạo điều kiện cho các hành vi cạnh tranh không lành mạnh tiếp tục xảy ra ví dụ như các hành vi giảm phí bảo hiểm bất chấp hiệu quả kinh doanh làm biến dạng thị trường bảo hiểm.

Bên cạnh đó, đại diện BMI cũng cho rằng các khái niệm liên quan được nêu tại Luật Cạnh tranh là khá mới, chưa dược quy định một cách toàn diện và đầy đủ. Còn đối với mức phạt tiền với hành vi vi phạm cạnh tranh lên đến 10% tổng doanh thu của năm tài chính trước đó không phản ánh đúng mức độ tác động của hành vi vi phạm và không tương xứng với thiệt hại trên thị trường do hành vi đó gây ra.

Vị này cũng lấy dẫn chứng Luật Cạnh tranh các nước đều có miễn trừ trong lĩnh vực bảo hiểm, tín dụng, chứng khoán (dịch vụ tài chính nói chung). Theo đó, nên để cho các luật chuyên ngành có quy định khác có tính ưu tiên hơn so với Luật Cạnh tranh. Nghĩa là trong trường hợp có xung đột giữa quy định của Luật Cạnh tranh với luật chuyên ngành thì nên xem xét ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành.

Thanh Nụ

Các tin tức khác

>   Hộ chiếu Việt Nam đứng ở vị trí 66/80 trên thế giới (12/11/2015)

>   TPP tạo cơ hội cho nông phẩm Chile thâm nhập thị trường châu Á (11/11/2015)

>   Vi phạm về bảo vệ môi trường sẽ không được xuất khẩu khoáng sản (11/11/2015)

>   Vietjet chi thêm 3.6 tỷ USD mua 30 tàu bay mới (11/11/2015)

>   Hà Nội - một trong mười thành phố bị đe dọa nhấn chìm (10/11/2015)

>   Xóa thuế xe nhập hậu TPP: Nhanh nhất cũng phải tới 2028 (10/11/2015)

>   2 dự án metro tại TPHCM đội vốn hơn 2 tỉ USD (10/11/2015)

>   EVN sẽ tiếp tục thoái vốn tại ABBank (10/11/2015)

>   8 nhóm khu kinh tế ven biển được tập trung đầu tư (10/11/2015)

>   Bất đồng lớn về kết luận thanh tra tại Petrolimex (02/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật