Thứ Tư, 21/10/2015 21:46

Việt Nam sẽ nhanh nâng cao năng lực sản xuất vải

Với nhu cầu cao về vải sản xuất tại Việt Nam để đáp ứng các quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại, và với đà đầu tư vào ngành dệt nhuộm như hiện nay, Việt Nam sẽ tương đối nhanh chóng nâng cao sản lượng vải sản xuất trong nước, theo ông Nguyễn Hồng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA).

Ngoài máy móc, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng tham gia trưng bày vải, và các nguyên phụ liệu may mặc tại VTG 2015 hôm 21-10 tại TPHCM - Ảnh: Thu Nguyệt

Trao đổi với báo chí bên lề Triển lãm quốc tế lần thứ 15 về máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu ngành dệt may 2015 (VTG 2015) tại TPHCM hôm nay, 21-10, ông Giang cho biết, trong năm 2014, với kim ngạch xuất khẩu dệt may trên 24 tỉ đô la Mỹ, Việt Nam cần khoảng 8,5 tỉ mét vuông vải các loại. Trong khi đó, năng lực sản xuất vải nội địa, theo thống kê của VCOSA, là gần 3 tỉ mét vuông.

Ông Giang cho rằng tỷ lệ vải sản xuất nội địa so với nhu cầu hiện khá thấp, trong khi quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi (yarn-forward) trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và từ vải trở đi (fabric-forward) trong Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (FTA VN-EU) đòi hỏi năng lực sản xuất vải của Việt Nam phải cao hơn rất nhiều.

Về sản xuất sợi, ông Giang cho biết Việt Nam là nước mạnh về sản xuất sợi, với sản lượng năm ngoái là trên 900.000 tấn sợi các loại, nhưng hai phần ba sản lượng này được xuất khẩu. Với sức hút của TPP và FTA VN-EU, nếu khối lượng sợi này ở lại trong nước để phục vụ sản xuất vải tại Việt Nam thay vì xuất khẩu, thì việc nâng cao năng lực sản xuất sợi chưa phải là quá cấp bách, mặc dù khi TPP được thông qua kéo theo sự phát triển mạnh của ngành dệt may, chắc chắn Việt Nam vẫn cần phát triển sản xuất sợi. Tuy nhiên, việc này không đáng lo ngại vì những doanh nghiệp sản xuất sợi tại Việt Nam hiện đã có công nghệ và kinh nghiệm.

Về dệt và nhuộm, đây là nút thắt cổ chai lâu nay của Việt Nam, nhưng hiện doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều khá năng động, với nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đến đầu tư hoặc có kế hoạch đầu tư. Theo thống kê sơ bộ của ông Giang, trong 18 tháng qua đã có 3 tỉ đô la Mỹ đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào ngành dệt nhuộm tại Việt Nam.

Ngoài ra, với nhu cầu của các nhà bán lẻ muốn có sản phẩm may tại Việt Nam và làm từ vải sản xuất tại Việt Nam để hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sản phẩm vào Mỹ, Nhật, EU , ông Giang cho rằng Việt Nam sẽ nhanh chóng nâng cao tỷ lệ về vải sản xuất tại Việt Nam, chứ không chậm chạp như những năm trước đây.

Tuy nhiên, vị này cho rằng, để đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu về vải để sản xuất xuất khẩu hàng may mặc sang các thị trường như Mỹ, EU để tận hưởng ưu đãi thuế quan, không chỉ cần nỗ lực và sự năng động của doanh nghiệp, mà cũng cần chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư, hạ tầng đất cho khu công nghiệp tập trung về dệt nhuộm, hạ tầng xử lý nước thải, quản lý môi trường,… Bởi lẽ, để sản xuất được thêm 5 tỉ mét vuông vải nữa (chưa kể đến nhu cầu vải tăng qua các năm) đòi hỏi quỹ đất, hạ tầng xử lý nước thải rất lớn, và tập trung cao.

“Với đầu kéo là cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư hạ tầng và sự đầu tư của doanh nghiệp dệt may thì Việt Nam sẽ dễ dàng đáp ứng được nhu cầu vải sản xuất trong nước,” ông Giang nhận định.

Bên cạnh các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc,… hiện các doanh nghiệp Ấn Độ cũng có ý định đầu tư vào ngành dệt nhuộm tại Việt Nam. Trả lời TBKTSG Online tại triển lãm VTG 2015, ông Shailesh Martis, Phó giám đốc của Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu sợi cotton của Ấn Độ (TEXPROCIL), cho biết trong tuần trước cũng có một đoàn bốn doanh nghiệp Ấn Độ đến Việt Nam tìm hiểu tình hình để cân nhắc đầu tư vào dệt nhuộm tại Việt Nam.

Theo vị này, hiện 18 doanh nghiệp Ấn Độ chuyên sản xuất sợi và vải cũng đang tham gia triển lãm VTG 2015. Đây là lần đầu tiên họ tham gia triển lãm này, nhằm tìm cơ hội cung cấp vải cho Việt Nam vốn là một nước khá mạnh trên thế giới về xuất khẩu hàng may mặc. Ông Shailesh Martis cho biết thêm, Ấn Độ lâu nay có thế mạnh về sản xuất sợi và vải, và doanh nghiệp Ấn Độ đang muốn đẩy mạnh xuất khẩu vải vì có giá trị gia tăng cao.

Triển lãm quốc tế lần thứ 15 về máy móc, thiết bị công nghiệp và nguyên phụ liệu ngành dệt và may – VTG 2015 diễn từ ngày 21 đến 24-10 tại Trung tâm triển lãm và hội chợ Tân Bình (TCECC) tại Quận Tân Bình, TPHCM. Triển lãm do Chi nhánh Công ty Cổ phần Quảng cáo & Hội chợ Thương mại (VINEXAD) kết hợp với Công ty Triển lãm quốc tế Chan Chao (Đài Loan), Công ty Thương mại và dịch vụ tiếp thị Yorkers (Hồng Kông), Công ty dịch vụ triển lãm và truyền thông Paper (Hồng Kông) cùng Hiệp Hội Dệt May Thêu Đan Tp.HCM (AGTEK ), Hiệp Hội Bông Sợi Việt Nam ( VCOSA ) tổ chức.

Triển lãm có hơn 125 đơn vị tham gia với gần 300 gian hàng của các doanh nghiệp đến từ 12 nước và vùng lãnh thổ, gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia và Trung Quốc.

T.Thu

tbktsg

Các tin tức khác

>   Chỉ có 36% doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam tận dụng được FTA (21/10/2015)

>   Hãng gia công Nike, Adidas chi 50 triệu USD cho nhà máy ở Việt Nam (21/10/2015)

>   Cảnh báo hiện tượng nở rộ KCN dệt may đón đầu TPP (21/10/2015)

>   Hà Nội: 10 tháng đầu năm tăng xuất khẩu hàng dệt may (21/10/2015)

>   Xử lý quá hạn tái nhập ôtô qua biên giới để giao nhận hàng (21/10/2015)

>   Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thành công TPP phụ thuộc vào nội lực (21/10/2015)

>   Đón tàu khủng, cơ hội lớn cho Cái Mép - Thị Vải (20/10/2015)

>   Giá ôtô có thể giảm đến 42% vào năm 2019 (20/10/2015)

>   Đẩy nhanh tiến độ các dự án, vốn TPCP dư hơn 14.000 tỷ đồng (20/10/2015)

>   Du lịch Việt chạy nước rút những tháng cuối năm (20/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật