Tỷ giá đô la Mỹ/đồng VN giảm nhẹ do nhu cầu giảm
Tỷ giá giữa đô la Mỹ và tiền đồng bắt đầu giảm từ hôm qua và tiếp tục giảm mạnh hơn trong ngày hôm nay, dù mức giảm không quá lớn, với lý do được một số ngân hàng cho biết là nhu cầu về đô la Mỹ giảm nhẹ.
Siết chặt hoạt động giao dịch ngoại tệ và giảm lãi suất đô la Mỹ được đánh giá sẽ tác động lâu dài đến nhu cầu đô la Mỹ. Ảnh minh họa: TL TBKTSG.
|
Chiều ngày 6-10, tỷ giá đô la Mỹ và tiền đồng (USD/VND) niêm yết tại quầy của Vietcombank nằm ở mức 22.470/22.410 đồng/đô la Mỹ (giá ngân hàng bán ra/mua vào), giảm 30 đồng so với ngày hôm qua. Tại các ngân hàng khác như Eximbank, Vietinbank, giá bán lần lượt nằm ở mức 22.470 và 22.460 đồng/đô la Mỹ, còn giá mua vào là 22.390 đồng/đô la Mỹ.
Mức giảm này nhìn chung không đáng kể, nhưng trong tháng 8 và đầu tháng 9-2015, có lúc tỷ giá đã lên gần chạm mức trần 22.547 đồng/đô la Mỹ. Chỉ đến khi Mỹ tuyên bố không tăng lãi suất vào khoảng giữa tháng 9-2015, tỷ giá USD/VND mới bắt đầu giảm và nằm ở quanh mức 22.505-22.520 đồng/đô la Mỹ.
Theo trưởng phòng kinh doanh vốn tại một ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước, nhu cầu khách hàng có giảm nhẹ chủ yếu do yếu tố thời điểm, nên việc này cũng khiến giá đô la Mỹ được giao dịch ở mức gần với giá bán của Ngân hàng Nhà nước.
Theo vị này, việc Thông tư 15 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành vào cuối tuần qua và có hiệu lực vào đầu tuần này (5-10-2015) hiện chưa có tác động quá lớn đến nhu cầu đô la Mỹ của thị trường, nhưng sẽ có tác động lâu dài đến nhu cầu đô la Mỹ.
Vị này giải thích, điều đáng lưu ý nhất trong thông tư 15 là bất cứ giao dịch ngoại tệ nào của khách hàng với ngân hàng cũng đều phải có chứng từ để chứng minh mục đích sử dụng. Chẳng hạn như, nếu lâu nay khách hàng cá nhân gần như được tự do trong chuyển đổi các ngoại tệ khác, chẳng hạn như đô la Úc sang đô la Mỹ, thì từ nay họ phải có chứng từ chứng minh nhu cầu sử dụng đô la Mỹ. Trong khi đó, khách hàng doanh nghiệp lâu nay vẫn quen với việc cung cấp các chứng từ khi mua đô la Mỹ.
Theo phó tổng giám đốc của một ngân hàng khác, tinh thần của Thông tư 15 khá rõ ràng (ngăn chặn việc găm giữ đô la Mỹ - PV), với quy định yêu cầu ngân hàng kiểm soát chặt để không bán đô la Mỹ quá sớm cho doanh nghiệp so với hạn thanh toán. Do đó, hiện nay, về nhu cầu thanh toán bằng đô la Mỹ của khách hàng, các ngân hàng đang kiểm soát rất chặt.
Vị này cho biết, hiện ở ngân hàng của ông, lãnh đạo cũng có chỉ đạo quy trình mới để kiểm soát chặt ngày đến hạn thanh toán của khách hàng. Việc này cũng giúp giảm thiểu khá nhiều trường hợp khách hàng vì quá lo lắng (đô la Mỹ tăng giá - PV) nên mua trước đô la Mỹ để chờ đến ngày thanh toán.
“Rõ ràng áp lực không bị dồn ứ lại mà rải dần ra 1-2 tháng, đến ngày thanh toán doanh nghiệp mới mua thôi,” vị này cho biết.
Ngoài ra, phó tổng giám đốc này cũng cho biết thêm, ngoài thông tư 15 quản lý chặt giao dịch ngoại tệ, với quyết định giảm lãi suất đô la Mỹ, hiện một vài khách hàng của ngân hàng đã chuyển đổi sang tiền đồng để gửi tiết kiệm khi đến hạn. Điều này về lâu dài cũng sẽ giúp giảm áp lực về nhu cầu đô la Mỹ, tuy nhiên, đến nay, tại ngân hàng của vị này, việc chuyển đổi sang tiền đồng chỉ mới xảy ra vài trường hợp.
tbktsg
|