Sức khỏe các ngân hàng cổ phần đang thế nào?
Theo đánh giá của cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước, sau gần bốn năm tái cơ cấu, khối ngân hàng thương mại cổ phần đã có những chuyển biến khá toàn diện.
Tính đến tháng 8/2015, tổng tài sản của khối ngân hàng thương mại cổ phần đạt 2.698,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,38% so với 12/2014, chiếm 39,95% toàn hệ thống.
|
Từ đầu năm 2012, khi Ngân hàng Nhà nước chính thức triển khai đề án tái cơ cấu, đến nay khối ngân hàng thương mại cổ phần đã có nhiều thay đổi căn bản về số lượng thành viên, tình hình tài chính và thị phần hoạt động.
Đầu tháng này, Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank - PNB) đã chính thức sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB). Còn lại, kế hoạch sáp nhập Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vào Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank - CTG) cũng đang triển khai các bước cần thiết.
Đến nay, đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động bình thường, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất phê duyệt phương án cơ cấu lại. Về cơ bản, các ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động bình thường đều đang tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị và hoạt động.
Theo cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, khối ngân hàng trên đã tích cực tăng trưởng, mở rộng quy mô, đẩy mạnh tín dụng, huy động vốn, tích cực cải thiện khả năng chi trả và các chỉ số an toàn, lành mạnh tài chính.
Tính đến tháng 8/2015, vốn điều lệ của khối ngân hàng thương mại cổ phần đã đạt 186,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,79% so với 12/2014, tăng 3,98% so với 12/2013, tăng 11,06% so với 12/2012 và tăng 20,69% so với 12/2011; chiếm 41,4% tổng vốn điều lệ toàn hệ thống.
Tài sản của khối các ngân hàng thương mại cổ phần không ngừng gia tăng. Tính đến tháng 8/2015, tổng tài sản của khối đã đạt 2.698,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,38% so với 12/2014, 15,31% so với 12/2013, tăng 30,91% so với 12/2012 và tăng 25,77% so với 12/2011; chiếm 39,95% toàn hệ thống.
Huy động vốn của khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng ổn định trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng từng năm tương ứng là 13,14%, 12,0%, 23,44%, 17,91%, tháng 8/2015 tăng 5,82% so với năm 2014 (tăng 72,49% so với năm 2011).
Huy động vốn của khối ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục chiếm thị phần cao trong toàn hệ thống, tháng 8/2015 chiếm 44,95% (năm 2011 là 46,62%).
Cho vay của khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng liên tục trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng từng năm tương ứng là 30,85%, 6,10%, 20,13%, 17,17%, tháng 8/2015 tăng 10,53% so với năm 2014 (tăng 65,07% so với 2011). Thị phần tín dụng vẫn tiếp tục ở mức cao với tỷ trọng 40,13% tại thời điểm tháng 8/2015 (năm 2011 là 37,47%).
Trong những năm tái cơ cấu vừa qua, theo cơ quan thanh tra giám sát, các ngân hàng thương mại cổ phần đã tập trung, đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Trong 7 tháng đầu năm 2015, khối này đã xử lý được 41,46 nghìn tỷ đồng; tính từ năm 2012 đến tháng 7/2015 xử lý được 186,82 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo đó tính đến tháng 8/2015 đã giảm về mức 1,98% (giảm so với tỷ lệ 3,4% vào 12/2014, 4,81% tại thời điểm tháng 11/2013, 4,67% vào 12/2012 và 2,44% vào 12/2011).
Cũng theo cơ quan thanh tra giám sát, hiện hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đã thực hiện kiện toàn bộ máy nhân sự chủ chốt, nhân sự cấp cao để nâng cao chất lượng quản trị, điều hành cũng như cải thiện, nâng cao năng lực bộ máy quản trị, kiểm soát rủi ro hoạt động của ngân hàng.
Đến nay, về cơ bản, các ngân hàng đủ số lượng và cơ cấu hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc, hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ được xây dựng, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Minh Đức
vneconomy
|