Thứ Hai, 05/10/2015 10:29

Vì sao MB chọn SDFC làm đối tượng sáp nhập?

Sáp nhập Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC) vào NHTM CP Quân Đội (MB) là một bước đi được tính toán kỹ của MB để chiếm lĩnh hơn nữa thị phần thị trường tài chính tiêu dùng, thực hiện mục tiêu xây dựng mô hình tập đoàn tài chính đa năng. Vào ngày 6/10 tới đây, MB sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để thông qua đề án sáp nhập này.

Người viết đã có cuộc trao đổi cùng ông Lưu Trung Thái – Phó Chủ tịch HĐQT MB để hiểu rõ hơn vấn đề.

Ông Lưu Trung Thái – Phó Chủ tịch HĐQT MB

MB có kế hoạch sáp nhập cùng Công ty Tài chính CP Sông Đà, ông có thể chia sẻ lý do MB đưa ra quyết định này?

 Với mục tiêu xây dựng mô hình tập đoàn tài chính đa năng, hướng tới việc cung cấp các giải pháp tài chính trọn gói cho khách hàng, góp phần tăng trưởng doanh thu, thu nhập, từ đó tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông, đối tác, khách hàng trong tương lai. MB mong muốn thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Đây là mảng thị trường tiềm năng có sự phát triển nhanh chóng, dự đoán 10 năm tới mức tăng trưởng bình quân từ 20-30%/năm.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2015, các cổ đông đã nhất trí việc mua lại/mua cổ phần/nhận sáp nhập tổ chức tín dụng khác để hình thành công ty con của MB hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Để triển khai, MB đã tìm kiếm và nhận thấy SDFC phù hợp với các tiêu chí lựa chọn.

SDFC được thành lập năm 2008, do MB và Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty CP Bảo Minh sáng lập, là một công ty tài chính với mức vốn điều lệ đến thời điểm 30.4.2015 là 686 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 1,200 tỷ. Việc lựa chọn công ty tài chính là SDFC để sáp nhập cũng rất phù hợp vì qua quá trình là cổ đông sáng lập, MB nắm rõ tình hình hoạt động của SDFC và có sự đồng thuận của các cổ đông còn lại trong giai đoạn hậu sáp nhập. Đây là một lợi thế để đảm bảo cho thương vụ M&A này được diễn ra suôn sẻ và nằm trong tầm kiểm soát của MB.

Như vậy, việc lựa chọn SDFC một mặt giúp tăng cường năng lực kinh doanh của MB Group thông qua việc phát triển mô hình kinh doanh mới. Đồng thời sau giao dịch sáp nhập, quy mô vốn điều lệ của MB tăng lên, góp phần nâng cao năng lực tài chính và quyền lợi của các cổ đông hiện hữu sẽ được tăng thêm do sẽ được nhận bổ sung cổ phiếu MBB tại thời điểm phát hành tăng vốn. Còn bản thân SDFC cũng sẽ được tái cơ cấu để hoạt động hiệu quả theo định hướng đề ra.

Xin ông chia sẻ thêm về hướng phát triển của công ty tài chính mới?

Thị trường tín dụng tiêu dùng hiện nay có sự tham gia của hầu hết các ngân hàng thương mại và một số công ty tài chính tuy nhiên được triển khai trên 2 phân khúc khác nhau. Ngân hàng thương mại thường tiếp cận với các khách hàng có nguồn thu nhập tương đối cao và ổn định, hoặc các khách hàng có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, khách hàng mà các công ty tài chính tiêu dùng chủ yếu nhắm đến lại là nhóm có thu thập thấp hơn, món vay nhỏ và khó khăn hơn khi tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.

Công ty Tài chính Tiêu dùng MB sẽ nhắm vào nhóm khách hàng trẻ, thu nhập chưa cao song có khả năng chi trả trong tương lai để khai thác và phát triển. Đồng thời, khai thác nhóm khách hàng tiềm năng từ khách hàng của kênh liên kết với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, khách hàng các công ty con của MB và các khách hàng khai thác qua kênh đối tác tiêu dùng là các siêu thị điện máy, điện tử…

Đồng thời, MB sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài góp vốn mua cổ phần hoặc liên doanh với Công ty Tài chính Tiêu dùng MB sau một thời gian hoạt động nhằm tạo điều kiện gia tăng sự hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm, công nghệ…. của các Công ty tài chính nước ngoài có kinh nghiệm trong hoạt động tín dụng tiêu dùng. Mặt khác, chúng tôi sẽ giảm các chi phí tối đa, cung cấp thêm một kênh dịch vụ với lãi suất cho vay cạnh tranh và nhiều điểm giao dịch cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

MB tin tưởng với các lợi thế về hạ tầng eBanking, mobileBanking, các khách hàng là các nhà phân phối bán lẻ, sử dụng kênh phân phối đa kênh và tận dụng mạng lưới sẵn có của MB nguồn nhân lực, tiềm lực tài chính phát triển bền vững của mình, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các đối tác, cổ đông chiến lược và sự ủng hộ của các cổ đông, cơ quan quản lý nhà nước công ty Tài chính Tiêu dùng của MB sẽ phát triển tốt và thành công trong tương lai.

Tỷ lệ hoán đổi cho phương án sáp nhập là 1 cp MBB đổi 2.2 cp SDF, tỷ lệ này có hợp lý cho cổ đông hiện hữu của MB không, thưa ông?

Việc xác định tỷ lê chuyển đổi giữa cổ phiếu MB và SDFC được xác định dựa trên các cơ sở sau:

Thứ nhất, kết quả xác định giá trị tài sản thuần của SDFC do Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (E&Y) - một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu chuyên về dịch vụ như thuế, tư vấn tài chính, kiểm toán và bảo hiểm và có nhiều tư vấn chính sách cho Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán tính toán.

Thứ hai, tham chiếu giá giao dịch bình quân trong 1 quý gần nhất của SDFC và MB

Cuối cùng, cân nhắc chi phí cơ hội của việc tham gia tái cơ cấu và thành lập công ty tài chính tiêu dùng mới.

Xem xét 3 yếu tố trên, MB và SDFC quyết định tỷ lệ chuyển đổi trên đảm bảo hợp lý và hài hòa lợi ích của 2 bên.

Một báo cáo mới đây của một công ty chứng khoán cho rằng cổ đông MB sẽ mất hơn 500 tỷ đồng cho thương vụ sáp nhập này, quan điểm của ông thế nào về nhận định này?

Theo tôi, để đánh giá giá trị của một thương vụ M&A cần có đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp và cần nhiều thời gian tìm hiểu mới có được nhận định tương đối chính xác. Chúng tôi không bình luận những nhận định mang tính chủ quan của công ty chứng khoán mà bạn đề cập. Theo tôi, họ chỉ dựa trên việc phân tích số liệu nên không đánh giá được chi tiết danh mục cho vay của SDFC để đưa ra kết luận về chất lượng từng tài sản, khoản phải thu của SDFC. Như đã nói ở trên, Công ty kiểm toán E&Y là đơn vị đánh giá độc lập đã trực tiếp thẩm định đánh giá khách quan từng khoản mục. Về phía MB, chúng tôi có đủ thông tin, căn cứ đánh giá, và MB đã cử đội ngũ nhân sự giỏi nghiệp vụ, có nhiều kinh nghiệm thẩm định, đánh giá lại tài sản và xác định giá trị SCFD trước khi  đưa ra tỷ lệ hoán đổi.

Ngoài ra, để đánh giá một thương vụ hợp nhất, cần đánh giá cả giai đoạn sau sáp nhập. Với việc sáp nhập SDFC, MB có cơ hội thành lập công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng – 1 lĩnh vực rất mới và đang có nhiều tiềm năng trong tương lai.

MB vừa hoàn thành đợt tăng vốn lên 16,000 tỷ đồng, có thể nói là đợt tăng vốn rất thành công, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Vừa qua, MB đã hoàn thành đợt tăng vốn điều lệ lên 16,000 tỷ đồng. Kế hoạch tăng vốn đã thực hiện với thời hạn sớm hơn so với dự định. (đã hoàn tất tăng vốn lên 16000 tỷ đồng trong tháng 9/15). Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, chúng tôi đánh giá đây là đợt tăng vốn thành công không chỉ đạt được quy mô về vốn , thực hiện được cam kết với các cổ đông trong nhiều kỳ Đại hội qua mà còn tìm được đối tác chiến lược mới là Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thông qua đợt chào bán riêng lẻ cho các đối tác chiến lược.

Với việc sở hữu tỷ lệ cổ phần tại MB là 10%, SCIC trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại MB. Là một doanh nghiệp Nhà nước đặc biệt có khả năng mang lại các giá trị gia tăng cho MB thông qua việc chia sẻ các cơ hội đầu tư, phát triển khách hàng, chia sẻ kinh nghiệm quản trị điều hành…, MB đánh giá cao việc SCIC tham gia là cổ đông chiến lược lâu dài của MB. Việc phát hành cổ phiếu đợt 3 cho các đối tác chiến lược vừa qua đã giúp MB có thêm một nguồn thặng dư vốn là 380,103  tỷ đồng do giá chào bán cho các đối tác là giá thị trường theo Nghị quyết của Đại hội cổ đông.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!

Mỹ Hà

Các tin tức khác

>   ASM: Cuối năm toàn tập đoàn sẽ tăng vốn lên gấp đôi khoảng 8,000 tỷ đồng (05/10/2015)

>   VLT: Dự kiến phát hành 324,735 cp (04/10/2015)

>   DLG nộp hồ sơ chào bán 169 triệu cp cho cổ đông hiện hữu (03/10/2015)

>   BID thu ròng hơn 2,705 tỷ đồng từ chào bán cổ phần (02/10/2015)

>   SSI: Thay đổi sở hữu của CĐNB, tổ chức có liên quan sau phát hành cp trả cổ tức (05/10/2015)

>   STB: Bản cáo bạch và giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu để hoán đổi (02/10/2015)

>   OPC: Điều chỉnh thời gian chuyển nhượng quyền mua cp (02/10/2015)

>   Sacombank và SouthernBank ký bàn giao chính thức sáp nhập (01/10/2015)

>   Phải thoái vốn nhà nước khỏi 5 lĩnh vực rủi ro (01/10/2015)

>   FDC: Mua lại Phúc Thịnh Đức từ tay TDH, nhắm tới dự án BĐS Quận 9? (01/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật