Tỉ lệ rủi ro tín dụng của cơ quan cho vay lại vốn vay nước ngoài
Bộ Tài chính đang dự thảo Quyết định áp dụng phương thức cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ thông qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng.
* Bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ
Ảnh minh họa
|
Theo dự thảo, các chương trình, dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ thực hiện thông qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng (là các ngân hàng thương mại), trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép không áp dụng.
Tỉ lệ chịu rủi ro tín dụng của cơ quan cho vay lại được xác định cụ thể trong các trường hợp sau: Đối với cho vay lại vốn vay ODA, trường hợp chương trình, dự án thuộc Danh mục ngành, lĩnh vực được hưởng mức lãi suất ưu đãi khi vay lại nguồn vốn vay ODA của Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 29/2011/QĐ-TTg ngày 1/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ, tỉ lệ chịu rủi ro tín dụng của cơ quan cho vay lại là 0%. Trường hợp chương trình, dự án không thuộc Danh mục ngành, lĩnh vực được hưởng mức lãi suất ưu đãi khi vay lại nguồn vốn vay ODA của Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 29/2011/QĐ-TTg, tỉ lệ chịu rủi ro tín dụng của cơ quan cho vay lại tối thiểu là 30%.
Đối với cho vay lại vốn vay ưu đãi, tỉ lệ chịu rủi ro tín dụng của cơ quan cho vay lại tối thiểu là 50%, được thực hiện thông qua hình thức cơ quan cho vay lại bảo lãnh tối thiểu 50% vốn vay ưu đãi cho vay lại. Cho vay lại vốn vay thương mại, tỉ lệ chịu rủi ro tín dụng của cơ quan cho vay lại là 100%.
Về dự phòng rủi ro tín dụng, theo dự thảo, trường hợp cho vay lại vốn vay ODA và chương trình, dự án không thuộc Danh mục ngành, lĩnh vực được hưởng mức lãi suất ưu đãi khi vay lại nguồn vốn vay ODA của Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 29/2011/QĐ-TTg, cơ quan cho vay lại được trích dự phòng rủi ro tín dụng tối đa là 0,75%/năm, tối thiểu là 0,225%/năm tương ứng với tỉ lệ chịu rủi ro tín dụng. Mức trích dự phòng rủi ro tín dụng này được tính trong lãi suất cho vay lại vốn vay ODA quy định tại Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ.
Trường hợp cho vay lại vốn vay ưu đãi và cho vay lại vốn vay thương mại, cơ quan cho vay lại thực hiện trích dự phòng rủi ro tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Dự thảo nêu rõ, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn vay thương mại được xác định theo quy định của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, trong đó tỉ lệ lãi suất chiết khấu tham chiếu năm (DDR) sử dụng DDR do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố hàng năm; lãi suất là lãi suất đã được tính gộp các chi phí vay (lãi suất, phí cam kết, phí quản lý, phí trả trước ...).
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn
chính phủ
|