Tỷ giá giảm không do tác động từ TPP
Theo TS Đinh Thế Hiển, động thái giảm sâu tỷ giá USD/VNĐ của các NHTM trong 2 ngày gần đây chủ yếu xuất phát từ yếu tố cung-cầu giảm và tâm lý nhà đầu tư từ các chính sách liên tiếp của NHNN thay vì những ý kiến cho rằng nguyên nhân đến từ nội dung về vấn đề phá giá nội tệ đối với các nước thành viên TPP.
* Giá USD giảm mạnh chưa từng thấy
Tình đến cuối giờ chiều ngày hôm nay (08/10), mức tỷ giá USD/VNĐ được niêm yết tại các Ngân hàng thương mại hầu hết ở ngưỡng 22,260 đồng – 22,265 đồng, giảm rất mạnh so với mặt bằng tỷ giá trước khi biến động từ 22,500 – 22,520 đồng. Trong khi đó, giá mua vào cũng lùi sâu về mức 22,160 đồng, chênh lệch mua vào – bán ra ở mức trên 100 đồng.
Tại Vietcombank, mức tỷ giá USD/VNĐ được niêm yết cuối giờ chiều ngày 08/10 là 22,160 đồng ở chiều mua vào và 22,260 đồng ở chiều bán ra.
Techcombank ghi nhận tỷ giá niêm yết ở mức 22,030 – 22,270 đồng, chênh lệch mua vào – bán là 240 đồng. Trong khi đó, VietinBank có mức điều chỉnh tỷ giá niêm yết lên 22,175 – 22,265 đồng.
Tại Eximbank, tỷ giá được niêm yết ở ngưỡng 22,140 đồng ở chiều mua vào và 22,260 đồng ở chiều bán ra.
Diễn biến tỷ giá USD/VNĐ trong thời gian gần đây của SCB
Nguồn: SCB
|
Hiện tại mức tỷ giá của thị trường đã nằm trong biên độ giao dịch tham khảo của NHNN (21,800 đồng/USD ở chiều mua vào và 22,475 đồng/USD ở chiều bán ra).
Liên quan đến động thái này từ các NHTM, người viết đã có những trao đổi với chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển.
Về những ý kiến cho rằng, nguyên nhân đợt giảm giá lần này có liên quan đến một nội dung được đề cập trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc quá trình đàm phán đó là 12 nước dự kiến ký một cam kết không phá giá đồng nội tệ với mục tiêu giúp hàng hóa của nước mình có lợi thế hơn khi xuất khẩu, TS Đinh Thế Hiển cho rằng: “Nếu nghiên cứu kỹ TPP, thật ra mà nói thì TPP cho phép cơ chế của NHNN tại một quốc gia liên quan đến đồng nội tệ. Mặc dù TPP có yêu cầu các nước không được dùng các biên pháp kỹ thuật để quản lý hạn chế thương mại trong đó có đồng tiền, tuy nhiên nó vẫn cho phép các quốc gia trong một dung sai nhất định. Tức là mỗi quốc gia vẫn có thể thực hiện những chính sách trong ngắn hạn về tiền tệ, thành ra TPP chưa tác động đến phạm vi của các ngân hàng”.
Theo TS Đinh Thế Hiển, trong 1-2 tháng trước đây các ngân hàng tăng tỷ giá chủ yếu do yếu tố cung-cầu. Hiện tại thì nhu cầu của USD đã bớt căng thẳng nên các ngân hàng giảm tỷ giá theo biên độ. Mặt khác, cũng có thể nói một phần nguyên nhân là tác động của các chính sách liên tiếp từ NHNN về tỷ giá trong thời gian gần đây, trong đó, có tác động từ Thông tư 15. Hiện tâm lý trên thị trường đã dần ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ do kỳ vọng tỷ giá tăng đã không còn nữa.
Nói về những vấn đề tăng tỷ giá thời gian trước, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, việc tăng tỷ giá từ NHNN cũng như trên thị trường nhìn thì thấy đột ngột, nhưng thực chất là do áp lực tăng giá do USD đã tăng so với các đồng tiền khác trước đó, cả sự việc liên quan đến tỷ giá Trung Quốc. Do vậy, áp lực tăng giá đã tồn tại từ trước khi NHNN thực hiện can thiệp vào tỷ giá.
Hiện tại, sau khi tăng tỷ giá, áp lực đã bớt đi rất nhiều. Áp lực tăng USD của thế giới nói chung và của Việt nam nói riêng đã giảm mạnh. Thêm với đó là quyết tâm của NHNN vẫn đảm bảo ổn định tỷ giá từ nay cho tới cuối năm.
Nhận xét về thị trường từ nay cho tới cuối năm, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, từ giờ đến cuối năm thị trường khó có thể chứng kiến một đợt biến động quá mạnh của tỷ giá.
Trong khi đó, theo thông tin từ một ngân hàng lớn, việc NHNN ban hành Thông tư 15 sẽ giúp làm giãn nhu cầu ngoại tệ. Đặc biệt các nhu cầu mua trước của các Tập đoàn Nhà nước sẽ không thực hiện được, còn mua kỳ hạn thì các doanh nghiệp Nhà nước rất hạn chế giao dịch.
Đăng Tùng
|