Góc khuất việc đưa lãi suất đô la Mỹ về 0%
Quyết định đưa lãi suất đô la Mỹ về gần 0% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được nhiều chuyên gia cho là vội vàng, ít tác dụng và phi kinh tế. Tuy nhiên, không ít bình luận lại cho rằng đây là quyết định hợp lý nhằm ngăn chặn việc găm giữ ngoại tệ, đô la hóa, và lấy vấn đề lãi suất đồng đô la tại Mỹ để củng cố cho lý lẽ này. Có thể nói thêm điều gì về câu chuyện này?
Đô la Mỹ là một cấu phần trong danh mục tài sản nắm giữ của người có tiền dư của để. Đây là nguồn nội lực ví như mạch nước ngầm, sẵn sàng bổ sung nguồn dự trữ của NHNN. Ảnh: Uyên Viễn
|
Trước hết, có thể nói đồng đô la Mỹ ở ta khác đồng đô la Mỹ tại Mỹ. Tại Việt Nam, đồng tiền “cứng” này là một phương tiện trú ẩn phòng tránh rủi ro, đồng thời đang có giá trên dưới 5%. Do vậy, việc NHNN kéo giá đô la Mỹ (lãi suất) xuống gần 0% để khuyến dụ người có đô la từ bỏ loại tài sản này là không thuyết phục. Đây lại là một quyết định được lồng ghép trong bối cảnh tiền tệ còn nặng các can thiệp hành chính, nên việc ta kỳ vọng người có tiền sẽ hành xử theo hướng thị trường là điều không chắc chắn. Do đã được cơ cấu trong rổ tài sản cất giữ, người có đô la sẽ không dễ chuyển sang gửi tiết kiệm tiền đồng, đầu tư chứng khoán hay đi mua nhà. Điều này nếu có thì khả năng sẽ diễn ra bên ngoài Việt Nam nhiều hơn!
Thứ đến, việc ta đem lãi suất tiệm cận 0% ở Mỹ ra so với chuyện ở mình e sẽ khập khiễng. Bởi lãi suất ấy ở Mỹ là công cụ định hướng do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đúng hơn là do Ủy ban Thị trường mở (FOMC), cầm cân nảy mực trong việc điều tiết thị trường tiền tệ của họ cho lạm phát mục tiêu (inflation targeting). Điều này còn lâu ta mới làm được, do thiếu vắng định chế “ngân hàng trung ương”. Nếu mức trần lãi suất định hướng của Fed (Fed funds target rate) hiện nay ở Mỹ là 0,25%, thì đừng quên nó đã leo lên gần 12% vào trước thời điểm 1985. Cũng cần lưu ý, dù lãi suất này đang rất thấp, các loại lãi suất thị trường tại Mỹ hiện cao hơn nhiều. Ví dụ, lãi suất chứng chỉ tiền gửi (certificate of deposit, được FDIC bảo hiểm) vào ngày 1-10-2015 là từ 1,3-2,5% tùy mệnh giá và kỳ hạn; lãi suất cơ bản (prime rate) cùng ngày là 3,25%...
Nếu cho rằng Việt Nam đưa lãi suất đô la Mỹ về 0% là nhằm ngăn chặn việc găm giữ đô la và giảm đô la hóa thì chắc sẽ khó đạt. Do, như đã nói, đô la là một cấu phần trong danh mục tài sản nắm giữ của người có tiền dư của để. Gọi “găm giữ” nghe có vẻ phê phán, thật ra việc sở hữu đô la trong dân không có gì là xấu. Đây là nguồn nội lực ví như mạch nước ngầm, sẵn sàng bổ sung nguồn dự trữ của NHNN. Nếu ta ngăn chặn (hay có ý ngăn chặn) việc nắm giữ nguồn lực trong dân này bằng biện pháp hành chính (hay phi kinh tế) thì liệu mạch nước ngầm ấy có co cụm hay thất thoát? Quy định lãi suất về 0% cũng không phải là cách để giảm đô la hóa trong nền kinh tế. Giảm đô la hóa sẽ cần đến các biện pháp hành chính, như các quy định trong giao dịch và thanh toán.
Về mặt ý tưởng, việc đưa lãi suất đô la Mỹ về 0% có thể đạt mục đích trước mắt và trong ngắn hạn. Điều được nhắc nhiều là tỷ giá có thể ổn định theo cam kết. Nhưng áp lực bất ổn tỷ giá vẫn còn đó. Về lâu dài điều này khó tránh các hệ quả không mong đợi: (1) Quy mô chu chuyển nguồn đô la nội tại sẽ giảm và có thể thất thoát; (2) Lượng kiều hối có thể ảnh hưởng mạnh; (3) Dòng tiền sẽ chảy ra nhanh chứ không “nán lại” như trước; (4) Các ngân hàng nhỏ sẽ khó thu hút khách gửi ngoại tệ; (5) Tâm lý lo ngại “nguy cơ phá sản” sẽ tạo lợi thế cho các ngân hàng uy tín gốc nước ngoài; và (6) Nếu sự o ép này bị phản ứng tiêu cực, tình trạng mất cân đối kỹ thuật có thể xảy ra, sẽ tạo áp lực lên tỷ giá...
Thiết nghĩ, việc sở hữu đô la đã là một quyền không thể phủ nhận. Bên cạnh đó, không kể doanh nghiệp, chỉ riêng nhu cầu ngoại tệ của Chính phủ thôi cũng đã rất cao. Chính phủ lại không có hay không đủ ngoại tệ để chi cho nhiều việc lớn nên phải đi vay nước ngoài. Vậy, nếu không có rào cản nào về việc Chính phủ đi vay ngoại tệ của dân (cả về mặt luật lẫn lệ và đạo đức), đồng thời giả sử vay trong dân sẽ rẻ hơn vay nước ngoài, thì một công cụ tài chính chuyên dùng - có thể là một hình thức “repo” đặc biệt - được lập ra để huy động nguồn lực này trong dân liệu có tốt hơn, có khả thi hơn các quyết định phi kinh tế, lại được ủng hộ và bảo toàn được “mạch nước ngầm”?
Đây có thể là một hướng đi tham khảo mà nếu làm tốt thì có thể hóa giải được vấn đề ngay trong điều kiện tiền đồng chưa đủ cứng, còn neo vào đô la Mỹ, và tình trạng dự trữ ngoại tệ còn ăn đong.
Huy Nam
tbktsg
|