Thị trường, lãi suất đang có vấn đề
“Lãi suất và thị trường là hai mấu chốt đang có vấn đề thực sự mà doanh nghiệp cần chú ý từ nay đến cuối năm và có thể cả năm sau”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn TBKTSG.
Cơ hội để giảm lãi suất không còn nữa. Lạm phát xuống đến đó là hết mức rồi mà lãi suất không giảm được nữa, có nghĩa vấn đề của lãi suất nằm ở chỗ khác. Nó nằm ở ngân sách và ngân hàng, nợ công và nợ xấu.
|
Ông nói: “Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) làm tôi lo ngại. Họ không còn nói kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hoặc phục hồi chậm như trước, mà dùng từ suy giảm dài hạn”.
TBKTSG: Có phải ý ông muốn đề cập đến giá hàng hóa cơ bản trên thị trường quốc tế vẫn đang đi xuống không?
- Ông Lê Xuân Nghĩa: Đúng vậy. Trên thị trường quốc tế sáu tháng đầu năm giá hàng hóa cơ bản giảm 6%, nhất là nông sản. Doanh nghiệp Việt Nam cách đây hai năm đầu tư nhiều để chuẩn bị đón đầu các hiệp định thương mại tự do. Họ đầu tư công nghệ theo kiểu nửa hiện đại, nửa cổ điển. Thí dụ máy xén giấy, họ mua dao cắt, phần điều khiển của Mỹ, của châu Âu, phần còn lại họ mua của Trung Quốc vì rẻ. Đó là cách đầu tư “liệu cơm gắp mắm” của người Việt, cũng tốt. Nhưng đáng lo là tất cả những khoản đầu tư đó đều hướng đến xuất khẩu. Nếu năm nay là đáy của giá hàng hóa, thì năm sau giá có thể lên. Tuy nhiên theo dự báo của IMF, năm nay có thể chưa là đáy, năm sau giá vẫn nằm ngang như thế, thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu.
Trên thị trường nội địa cung cũng quá dư thừa. Cung nội địa dư thừa với cầu nội địa, trong khi hàng hóa Trung Quốc vẫn tràn sang. Các nước khác cũng đang đưa hàng của họ vào không ít, từ bắp, đậu nành, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đến các thành phẩm như thịt, sữa...
Tôi đang kinh doanh một doanh nghiệp xuất khẩu, thực tế rất rõ (ông Nghĩa hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sản xuất, xuất khẩu bao bì NHP, niêm yết trên sàn Hà Nội - NV). Đầu năm chúng tôi vẫn xuất khẩu thuận lợi, máy móc thiết bị chạy ba ca mà không kịp, nhưng ba tháng nay các hợp đồng xuất khẩu giảm đi và chúng tôi phải tìm kiếm thêm khách hàng Việt. Người mua nói họ tạm thời điều chỉnh, không nhập khẩu thêm nữa.
TBKTSG: Đầu ra co lại, nghĩa là phải giảm sản lượng, thu hẹp sản xuất?
- Các doanh nghiệp nên thận trọng, đừng có đẩy cung lên quá mức, nên có sự điều chỉnh giữa tổng doanh thu, tổng chi phí và sản lượng.
Trên đồ thị, tổng doanh thu là đường đi lên, còn tổng chi phí là đường cong hình sin. Chẳng hạn tại mức A, tổng doanh thu bằng tổng chi phí, doanh nghiệp hòa vốn. Ở mức B tổng doanh thu và chi phí cách nhau lớn nhất, doanh nghiệp có lãi nhiều nhất, nhiều doanh nghiệp thấy lãi là ngon, đẩy tiếp sản lượng lên, đến mức thứ ba C là lỗ. Có hai quãng thời gian mà doanh nghiệp lỗ, đó là sản lượng thấp quá lỗ, cao quá cũng lỗ.
Tôi biết có doanh nghiệp sản xuất gạch đạt mức lãi cao nhất với sản lượng 1 triệu viên, thấy được dấn tiếp, tăng sản lượng lên 2 triệu viên, và thế là lỗ. Đáng lẽ khi lên 1 triệu viên, anh phải lùi lại, cố thủ ở mức A hòa vốn. Sản lượng giảm thì giá mới tăng lên được. Đấy là cung cầu. Anh có thể cố thủ 3-6 tháng, rồi mới nâng sản lượng lại. Còn nếu cứ tăng sản lượng, không bán được để tồn kho là “chết”. Người mua bao giờ cũng biết anh có hàng tồn kho, và họ sẽ không chịu nâng giá mua.
TBKTSG: Theo số liệu thống kê chính thức, hàng tồn kho đã giảm nhiều, thưa ông?
- Hàng tồn kho năm ngoái giảm được 60%, kéo theo nhiều dấu hiệu tích cực cho đến đầu tháng 9-2015. Chỉ số quản trị mua hàng PMI tháng 9 giảm dưới 50 điểm, lần giảm đầu tiên trong 25 tháng qua. Kinh tế Việt Nam năm tới vẫn còn khó khăn. IMF nói suy giảm dài hạn có thể là kinh tế thế giới vẫn nằm ngang. Và nếu như vậy, chúng ta sẽ khó khăn hơn do ta toàn xuất khẩu thô. Chưa kể nhiều lĩnh vực ta xuất khẩu được 100 triệu đô la Mỹ, thì đến 70 triệu là nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện...
TBKTSG: Ở trên ông nhắc đến lãi suất. Liệu lãi suất tới đây có khả quan hơn không, thưa ông?
- Trung Quốc lạm phát khoảng 1%; Mỹ 0,5%; Việt Nam xấp xỉ 1%. Dự trữ bắt buộc của Trung Quốc 18% (thắt chặt tiền tệ); Mỹ 10%; Việt Nam 3%. Lãi suất tiền gửi của Trung Quốc 2,5%; Mỹ 2%; Việt Nam 6% (bình quân cả trung, dài hạn). Lãi suất cho vay của Trung Quốc trần là 4,5%; Mỹ 4,5%; Việt Nam 10%.
Nhìn vào dữ liệu trên, doanh nghiệp Việt chịu sao nổi? Giá cả quốc tế thấp, giá cả trong nước cũng thấp. Tôi với anh mặt bằng giá cả như nhau, lạm phát gần như nhau, nhưng chi phí tài chính (lãi vay) quá cách biệt, làm sao doanh nghiệp ta cạnh tranh? Chưa kể hàm lượng đòn bẩy của doanh nghiệp Việt cao (tức tỷ lệ vốn vay trên vốn tự có), càng đẩy chi phí lên.
TBKTSG: Lãi suất cho vay của ta gấp đôi thế giới, còn lãi suất tiền gửi gần gấp ba.
- Lãi suất đang có xu hướng tăng. Trước đây đã có thời vay ngắn hạn lãi suất cao hơn dài hạn do thanh khoản ngân hàng yếu. Nay chuyện này không còn, thay vào đó vay càng dài lãi suất càng cao, và lãi suất của vay trung, dài hạn đang đi lên. Tác động của việc tăng lãi suất lên doanh nghiệp không lớn về mặt thực thể, nhưng lớn về tâm lý. Lạm phát vừa thấp, lãi suất mới ổn định được hơn năm nay, doanh nghiệp quay lại đầu tư thì lãi suất lại nhấp nhổm tăng.
Muốn giảm lãi suất cho vay phải giảm lãi suất tiền gửi, mà muốn giảm lãi suất tiền gửi, trước hết phải bớt phát hành trái phiếu Chính phủ. Lãi suất tiền gửi tăng là do phát hành trái phiếu nhiều. Chỉ tiêu phát hành năm nay tới 250.000 tỉ đồng mà người mua chủ yếu ngân hàng thương mại thì đương nhiên lãi suất phải tăng. Đã thế lại không cho phát hành ngắn hạn, toàn dài hạn từ năm năm trở lên, thì lãi suất càng cao. Nếu bây giờ quay lại phát hành ngắn hạn, lãi suất cao người ta mới mua. Lãi suất trái phiếu chính phủ hiện vẫn là đường cong chuẩn lãi suất thị trường, lãi suất trái phiếu cao, làm sao lãi suất cho vay hay tiền gửi thấp? Muốn mặt bằng lãi suất thấp, trái phiếu chính phủ phải phát hành có kế hoạch, có liều lượng.
TBKTSG: Mấy tháng gần đây trái phiếu Chính phủ không bán được, hoặc bán yếu ớt, nhưng lãi suất vẫn tăng. Theo ông còn yếu tố nào đang tác động lên lãi suất?
- Nợ xấu. Tất cả chi phí cho nợ xấu hiện chui hết vào lãi suất cho vay. Chi phí hoạt động ngân hàng (bao gồm nhân công và nợ xấu) trên tổng chi phí khoảng 20%. Tốt nhất như Vietcombank cũng phải 15%. Trong khi của nước ngoài khoảng 11-12%. Vì thế lãi suất tiền gửi không thể thấp được. Chủ yếu là trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Lợi nhuận cũng là lợi nhuận dự thu.
TBKTSG: Từ đầu tháng 10-2015 VAMC đã được phép mua nợ xấu theo giá thị trường, trả bằng trái phiếu thường, gần như tiền mặt. Ông có nghĩ điều này tạo chuyển biến cho xử lý nợ xấu?
- Bây giờ nếu VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường trả tiền mặt, nhiều ngân hàng không dám bán. Vì sao?
Vì ngân hàng đang hạch toán khoản nợ cả gốc và lãi, thí dụ 200 tỉ đồng, VAMC mua với giá 100 tỉ đồng, ngân hàng lỗ ngay 100 tỉ đồng, phải hạch toán và trích lập dự phòng ngay. Dại gì ngân hàng bán? Cứ để đấy thôi. Còn được tiếng là hoạt động có lãi. Bán nợ là lỗ thì ai bán?
Cơ hội để giảm lãi suất không còn nữa. Lạm phát xuống đến đó là hết mức rồi mà lãi suất không giảm được nữa, có nghĩa vấn đề của lãi suất nằm ở chỗ khác. Nó nằm ở ngân sách và ngân hàng, nợ công và nợ xấu. Đó là những vấn đề mà kinh tế vĩ mô không thể bác bỏ.
Thực trạng một số ngân hàng quá yếu
Đây là chuyện thật. Có một cái nhà, ngân hàng cho vay 120 tỉ đồng, giờ trở thành nợ xấu. Công ty tôi muốn mua lại. Tôi gọi công ty định giá, họ xác định giá từ 40 đến 60 tỉ đồng. Chúng tôi tiếp xúc với ngân hàng, đồng ý mua giá 60 tỉ đồng. Đại diện ngân hàng nói: “Anh ơi không được. Ngân hàng đang hạch toán 120 tỉ đồng, cộng cả lãi gộp vào là 130 tỉ đồng. Giá thị trường hiện nay 60 tỉ đồng, các anh mua giá đó là tốt cho ngân hàng rồi. Nhưng bán một phát, chúng tôi phải hạch toán lỗ ngay 70 tỉ đồng”. Tôi bày cho họ cách làm là đưa khoản nợ xấu đó ra ngoại bảng, đưa về cho Công ty mua bán nợ và quản lý tài sản (AMC) của ngân hàng, sau đó công ty này thanh lý dần cho bên mua. Về mặt kỹ thuật, 4-5 tháng nay ngân hàng vẫn chưa xử lý xong. Đấy mới là một khoản nợ xấu. Khoản nào cũng làm thế này thì ngân hàng lỗ cả ngàn tỉ đồng. Mua bán ngay, trả tiền tươi thóc thật theo giá thị trường, cũng chưa chắc xử lý được nợ xấu. AMC là công ty con 100% vốn ngân hàng, vẫn phải hạch toán hợp nhất lỗ lãi.
(Theo ông Lê Xuân Nghĩa)
|
Hải Lý
tbktsg
|