Tháng 10 bấp bênh của đồng USD
Giá trị gần đây của đồng USD đã chìm nghỉm theo những bất ổn về thời điểm nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau đà tăng mạnh so với hầu hết các đồng tiền còn lại trong phần lớn thời gian của năm nay.
* Trung Quốc "khuyên" Mỹ chưa nên tăng lãi suất
* Đồng tiền của các thị trường mới nổi tiếp tục tăng giá
* Giá USD giảm mạnh chưa từng thấy
Theo đó, một số đồng tiền thị trường mới nổi đã chứng kiến đà phục hồi mạnh nhất từ đầu tháng đến nay so với đồng USD.
Theo số liệu của FactSet, đồng rupiah của Indonesia đã tăng 10%, đồng real của Brazil cũng tiến gần 5% và đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ nhận 3.3% so với đồng USD trong tháng 10. Cùng kỳ, đồng EUR và đồng bảng Anh cũng đồng loạt tăng hơn 1.5% so với đồng bạc xanh.
Ngoài Fed, một số nhân tố khác cũng đang giúp các đồng tiền còn lại tăng giá so với đồng USD.
Đó là đà tăng điểm mạnh của chứng khoán Trung Quốc trong tháng 10, các số liệu kinh tế thất vọng của Mỹ và sự tăng nhẹ trở lại của các loại hàng hóa như dầu – động lực tăng trưởng của nhiều thị trường mới nổi.
“Đà tăng trưởng kinh tế có phần yếu hơn tại Mỹ đã khiến đồng USD suy yếu, qua đó đẩy giá hàng hóa tăng nhẹ nhưng điều này lại tác động tiêu cực đến các thị trường mới nổi”, lý giải của ông Krishna Memani, Giám đốc đầu tư tại OppenheimerFunds.
Ngoài ra, rất có thể các số liệu kinh tế yếu kém của Mỹ cũng là nhân tố khiến Fed trì hoãn nâng lãi suất.
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu sự suy yếu của đồng USD chỉ là tạm thời hay là khởi đầu của một giai đoạn suy giảm dài hạn hơn.
Theo các chuyên gia, hầu hết các tín hiệu đều cho thấy đà phục hồi của các đồng tiền khác so với đồng USD trong thời gian qua sẽ không kéo dài.
“Tôi cho rằng đây chỉ là một đợt điều chỉnh, không phải là một sự đảo ngược xu hướng”, nhận định của ông Marc Chandler, Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ toàn cầu của Brown Brothers Harriman.
Sự kiện quan trọng nhất đối với các thị trường trong thời gian tới là quyết định nâng lãi suất của Fed. Trong nhiều tháng qua, các quan chức Fed cho rằng lần nâng lãi suất đầu tiên của Fed có thể diễn ra trong năm nay. Tuy nhiên, bất ổn về khả năng này ngày càng tăng cao và điều đó đã khiến nhà đầu tư rút vốn khỏi các thị trường mới nổi với tốc độ chóng mặt.
Đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, giá hàng hóa thấp lịch sử và lạm phát thấp đều là các mối lo ngại về dài hạn.
Liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh, ông Chandler cho biết: “Việc Fed chưa nâng lãi suất đã gây ra bất ổn. Điều đó đã khiến nhà đầu tư không thể đưa ra quyết định và đóng băng kế hoạch chi tiêu vốn”.
Dù vậy, khi Fed nâng lãi suất – dù là trong năm nay hay năm tới – thì điều đó cũng có thể giúp đồng USD mạnh lên, đặc biệt là so với tiền tệ của các thị trường mới nổi.
Đặc biệt, việc nâng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia và các doanh nghiệp nước ngoài vay mượn bằng đồng USD. Các khoản nợ của họ sẽ đắt hơn, qua đó tác động xấu đến chi tiêu và tăng trưởng kinh tế. Và tất cả các yếu tố đó sẽ ảnh hưởng đến giá trị của đồng nội tệ.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất quyết định giá trị của các đồng tiền vẫn là bức tranh của nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ.
“Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn nhiều so với các quốc gia còn lại trên thế giới. Nếu đúng như vậy thì đồng USD sẽ nghiêng về hướng tăng giá”.
Phước Phạm (Theo CNNMoney)
|