Thứ Ba, 13/10/2015 16:31

Kinh tế Trung Quốc phát tín hiệu đáng lo mới

Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đồng loạt giảm trong tháng 9...

Trong một nhà máy sản xuất đồ chơi xuất khẩu ở Giang Tô, Trung Quốc - Ảnh: Reuters/WSJ.

Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đồng loạt giảm trong tháng 9, cho thấy những tín hiệu đáng ngại mới về sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Tờ Wall Street Journal dẫn số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố sáng nay (13/10) cho biết, trong tháng 9, xuất khẩu của Trung Quốc tính bằng đồng Nhân dân tệ giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 6,1% trong tháng 8.

Cùng với đó, nhập khẩu tháng 9 giảm 17,7%, sau khi giảm 14,3% trong tháng 8.

Như vậy, tính đến tháng 9, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 11 tháng liên tiếp, trong khi nhập khẩu giảm tháng thứ 3 liên tiếp.

Nếu tính bằng đồng USD, nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 9 sụt 20,4%, mạnh hơn dự báo, trong khi xuất khẩu giảm 3,7%.

Những số liệu mới nhất này cho thấy bức tranh thương mại của Trung Quốc tiếp tục mang gam màu xám.

Nhu cầu của thị trường thế giới đối với hàng hóa của Trung Quốc vẫn đang đi xuống, báo trước thách thức kéo dài đối với lĩnh vực sản xuất của nước này. Bên cạnh đó, sự suy giảm của giá trị nhập khẩu là bằng chứng phản ánh nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa cơ bản của thị trường toàn cầu tiếp tục yếu đi.

“Xét tới sự phục hồi nhẹ của giá hàng hóa cơ bản, việc giá trị nhập khẩu của Trung Quốc giảm cho thấy nhu cầu yếu của thị trường nội địa nước này, đặc là nhu cầu đầu tư”, nhà phân tích Yang Zhao của Nomura nhận xét.

Mức giảm 20,4% tính bằng đồng USD của giá trị nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 9 là mạnh nhất kể từ tháng 2 năm nay.

Năm nay, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng là 7%, mức tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế này trong 1/4 thế kỷ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng Trung Quốc thậm chí sẽ khó đạt được mục tiêu này trong bối cảnh xuất khẩu giảm sút, thị trường bất động sản yếu, và nợ xấu gia tăng trong sổ sách của các ngân hàng quốc doanh và chính quyền địa phương.

Trong tháng 9, thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng lên mức 376,2 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 59,5 tỷ USD, từ mức 368 tỷ USD trong tháng 8.

Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đã ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực châu Á trong những tháng gần đây. Kim ngạch xuất khẩu của hai nền kinh tế xem Trung Quốc là khách hàng chính là Đài Loan và Hàn Quốc giảm tương ứng 14,6% và 8,3% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuối tuần vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Choi Kyung Hwan nói với hãng tin CNBC rằng nền kinh tế lớn thứ tư thế giới dễ chịu tổn thương trước sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc hơn là việc Mỹ sắp tăng lãi suất.

Tháng trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen cũng đề cập đến sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc khi nói về lý do trì hoãn tăng lãi suất cơ bản đồng USD.

Diệp Vũ

vneconomy

Các tin tức khác

>   AB InBev và SABMiller sáp nhập thành hãng bia lớn nhất thế giới (13/10/2015)

>   Iran sẽ nhập khẩu 1 tỷ USD nhiên liệu sau khi "thoát" cấm vận (13/10/2015)

>   Vàng chạm đỉnh 3 tháng (13/10/2015)

>   Kuwait: OPEC chưa có ý định thay đổi chính sách sản lượng (13/10/2015)

>   Dầu lao dốc hơn 5%, mạnh nhất từ đầu tháng 9 (13/10/2015)

>   Giải Nobel kinh tế 2015 về tay người Anh (12/10/2015)

>   M&A châu Á sôi động thứ 2 thế giới (12/10/2015)

>   Trung Quốc "khuyên" Mỹ chưa nên tăng lãi suất (12/10/2015)

>   TQ cam kết tăng cường sự linh hoạt tỷ giá nhân dân tệ (12/10/2015)

>   Australia tìm cách ngăn chặn dòng "tiền bẩn" từ Trung Quốc (12/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật