Tết này có “thịt TPP”
Bản tin thời sự 6g15 sáng ngày 6.10 vừa phát đi thông tin kết thúc đàm phán TPP, chúng tôi liền nhận được ba cuộc gọi của người chăn nuôi. Họ nói rằng rất lo lắng cho tương lai tới đây. TPP có thể giúp kinh tế Việt Nam tăng tốc, nhưng với người chăn nuôi, họ lại đang đối mặt với việc bị đào thải bởi làn sóng thịt ngoại sắp tràn vào. Còn với người tiêu dùng, cơ hội được ăn thịt rẻ, có chất lượng đang đến gần…
Một người chăn nuôi heo ở Đồng Nai trong cuộc điện thoại tâm sự vào sáng sớm lo lắng: “Thật khó có câu trả lời cho tương lai người chăn nuôi. Người dân Việt Nam đã quen với thịt nhập khẩu từ nhiều năm nay. Nào là thịt gà Mỹ, thịt bò Úc, thịt trâu Ấn Độ. Gần đây, thị trường lại “bỗng dưng” xuất hiện tràn lan thịt heo EU. Giới kinh doanh rỉ tai do bị Nga cấm vận nên thịt heo EU đang thừa mứa, giá rẻ vô cùng. Tới đây loại thịt này sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam”.
Qua đối chiếu các dòng thuế, thịt nhập vào Việt Nam vẫn đang chịu thuế nhập khẩu trung bình từ 15 – 25% tuỳ loại. Ấy vậy mà, hàng năm vẫn có tới hàng trăm ngàn tấn nhập về. Còn nay, khi Việt Nam đã chính thức vào TPP, thuế nhập khẩu sẽ không còn. Có chăng chỉ là các quy định hàng rào kỹ thuật, nhưng chúng ta cũng không thể tách rời tiêu chuẩn chung của cả khối. Vì thế, thị trường thịt động vật có thể “chạy” tự do từ nước này sang nước khác. Về mặt này, có thể khẳng định chắc chắn, sản phẩm thịt của nông dân Việt Nam khó có thể “chạy” sang 11 nước. Ngược lại, thịt của 11 nước vào Việt Nam sẽ không gặp bất cứ khó khăn gì.
Ngay sau khi có thông tin TPP kết thúc, chúng tôi cũng gọi điện thăm dò ý kiến của nhiều nhà chế biến thực phẩm. Trái hẳn với sự lo lắng của người chăn nuôi, họ có tâm lý hoan hỉ ra mặt. Ông Hứa Xuân Sinh, tổng giám đốc công ty thực phẩm Đức Việt, nói công ty này đang sử dụng nguyên liệu thịt heo của Mỹ và Canada chế biến sản phẩm xúc xích, lạp xưởng… Ông cho rằng giá thịt heo ngoại rẻ hơn một vài ngàn không phải là yếu tố quan trọng. Vấn đề chính là thịt heo ngoại chất lượng hơn hẳn thịt trong nước.
Từ đầu năm đến nay, ngoài hơn 70.000 tấn thịt gà, Việt Nam còn nhập thêm hàng chục ngàn tấn thịt heo. Giá thịt heo châu Âu, Mỹ, Canada đang khá rẻ, dao động từ 2 – 2,2 USD/kg chưa tính thuế 15%. So ra, nếu doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng heo ngoại làm nguyên liệu, họ có thể tiết kiệm ít nhất 15 – 20% giá thành so với thịt nội địa. Không chỉ Đức Việt, hầu hết nhà máy sản xuất xúc xích, thịt nguội, giò chả, lạp xưởng… ở Việt Nam hiện đang dùng thịt heo, thịt gà ngoại. Một ký thịt gà xay “đi nửa vòng trái đất”, về tới Việt Nam chưa tới 10.000 đồng. Hỏi sao doanh nghiệp không xài!
Thị trường kinh doanh thịt ngoại cũng bắt đầu nhộn nhịp trước thông tin TPP. Bởi như cách đánh giá của ông Đoàn Ngọc Thơ, giám đốc công ty thương mại dịch vụ THO, thì “dù có thuế hay không thuế, thịt ngoại về Việt Nam vẫn rẻ hơn thịt nội!” Giới kinh doanh thịt ngoại nhẩm tính, tới đây 1kg thịt gà, thịt heo hay bất cứ thứ thịt gì khác, hễ nhập từ Mỹ, Canada về Việt Nam sẽ giảm thêm 15 – 25%, vì không phải chịu thuế. Cũng bởi lý do này, thị trường thịt ngoại đang được đánh giá là “miếng mồi” thơm tại Việt Nam.
Ông Đoàn Ngọc Thơ không giấu ý định sắp xây hàng loạt kho lạnh ở cảng Hiệp Phước, quận Nhà Bè để đón cơ hội nhập thịt ngoại. Lâu nay, thực phẩm Đức Việt mua thịt heo qua trung gian, nhưng tới đây ông Hứa Xuân Sinh bảo Đức Việt phải tính đến việc xây kho lạnh để nhập trực tiếp nhằm giảm giá thành. Một “đại gia” khác trong ngành thức ăn chăn nuôi cũng nói ông “nhìn ra” cơ hội kinh doanh kho lạnh để đón đầu làn sóng thịt nhập sau khi Việt Nam tham gia TPP.
Việt Nam có hơn 90 triệu dân. Doanh số thị trường protein động vật vào khoảng 20 tỉ USD và tăng trưởng bền vững ở mức 10 – 15% mỗi năm, là cơ hội không thể tốt hơn để đầu tư.
Sau những vụ thịt bẩn gần đây, tâm lý xã hội dành cho thịt nội đang bị xói mòn đáng kể. Người tiêu dùng tỏ ra nghi ngờ với miếng thịt heo tồn dư thuốc tăng trọng. Chính xác hơn là họ nghi ngờ thịt heo nuôi trong nước. Và rất có thể tới đây, người dân sẽ bỏ dần thói quen tiêu dùng thịt nóng để chuyển sang thịt lạnh nhập khẩu cho an toàn hơn. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho thịt ngoại nhập vào sau khi các dòng thuế dỡ bỏ.
Minh Khoa
thế giới tiếp thị
|