Thứ Sáu, 23/10/2015 09:56

Sửa Luật thuế GTGT nhắm hai mục tiêu

Qua quá trình thực hiện Luật thuế GTGT, Bộ Tài chính nhận thấy cần phải bổ sung các giải pháp chính sách nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận trong hoàn thuế GTGT, đồng thời tiếp tục giảm thủ tục hành chính, qua đó khuyến khích, nâng cao sức cạnh tranh cho DN làm ăn chân chính.

Kiểm tra nông sản XK tại cửa khẩu Tân Thanh – Lạng Sơn. (Ảnh: Hồng Vân)

Những nội dung sửa đổi đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII khai mạc ngày 20-10-2015.

Thêm đối tượng không chịu thuế

Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội:

Hiện nay, hàng hóa XK qua cửa khẩu phụ cũng là một hình thức được Nhà nước cho phép nhưng theo đề xuất sửa Luật thuế GTGT của Chính phủ lại không cho hoàn thuế GTGT cho hàng hóa XK qua cửa khẩu phụ, chỉ cho hoàn thuế đối với hàng qua cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính. Nếu vì lý do khó giám sát, quản lý mà không cho hoàn thuế đối với trường hợp này là chưa hợp lý. Đề nghị cân nhắc thêm quy định cho hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa XK qua cửa khẩu phụ.

Nội dung đầu tiên Bộ Tài chính đặt vấn đề điều chỉnh đó là đối tượng không chịu thuế GTGT.

Theo quy định hiện hành, các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu NK không chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, nếu những sản phẩm này được bán ở khâu thương mại phải chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Thực tế, nhiều DN lợi dụng quy định trên để mua nông sản của nông dân (không chịu thuế GTGT) sau đó mua hóa đơn có thuế 5% để hợp thức hóa đầu vào, “lòng vòng” qua nhiều khâu thương mại trung gian trước khi bán cho cơ sở XK để cơ sở này được hoàn thuế. Nhằm khắc phục tình trạng gian lận này, các Hiệp hội, các DN XK nông, lâm, thủy sản đã kiến nghị quy định không chịu thuế GTGT đối với hàng hóa là nông, lâm, thủy sản ở khâu kinh doanh thương mại.

Phân tích về nội dung này trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng- đại diện cơ quan soạn thảo cho biết: Do nội dung này thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên để xử lý vướng mắc, tại Nghị định số 209/2013/NĐ-CP Chính phủ hướng dẫn Luật thuế GTGT đã quy định sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường được bán cho DN, Hợp tác xã không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đầu ra, cơ sở kinh doanh mua vào không phải trả thuế GTGT đầu vào cũng như không phải khấu trừ số thuế này. Để phù hợp với thực tế đồng thời bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, cần luật hóa quy định: Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường được bán cho DN, hợp tác xã không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đầu ra, thành không chịu thuế GTGT. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính cũng nhận thấy nhiều quốc gia cũng không thu thuế GTGT đối với các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm vật nuôi.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc thực hiện phương án nói trên sẽ góp phần hạn chế mua bán nông, lâm, thủy hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế thông thường qua nhiều khâu trung gian, lợi dụng mua bán hóa đơn để khấu trừ và gian lận chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước và khắc phục được vướng mắc trong xác định nghĩa vụ thuế GTGT không chịu thuế, chịu thuế 5% hay không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Qua đó giảm đáng kể khối lượng thủ tục, hồ sơ hành chính kê khai, nộp thuế, đảm bảo tính pháp lý cao và tính đồng bộ, nhất quán của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn cũng như minh bạch hóa các hoạt động kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh cho những DN làm ăn chân chính. Trên thực tế, năm 2014, khi thực hiện phương án này đã giảm thu, giảm hoàn khoảng 5.490 tỷ đồng/năm.

Giảm thủ tục hoàn thuế

Về vấn đề hoàn thuế GTGT, qua rà soát, tổng kết đánh giá, Bộ Tài chính thấy rằng cần phải tiếp tục giảm thủ tục hành chính trong việc kê khai hoàn thuế GTGT của DN, đồng thời bổ sung các giải pháp chính sách để ngăn chặn tình trạng gian lận trong hoàn thuế GTGT để khuyến khích, nâng cao sức cạnh tranh cho DN làm ăn chân chính. Trên thế giới, nhiều quốc gia chỉ cho hoàn thuế GTGT đầu vào đối với dự án đầu tư và XK. Ở một số nước như Thái Lan, Bulgari, Ba Lan, Chi Lê, Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc, Panama, phần thuế GTGT đầu vào trong quá trình sản xuất kinh doanh chưa khấu trừ hết được chuyển sang khấu trừ kỳ tiếp sau thay vì hoàn thuế, trừ trường hợp đầu tư và XK. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi chính sách theo hướng bỏ quy định hoàn thuế GTGT sau ít nhất 12 tháng hoặc 4 quý liên tục.

Nhấn mạnh nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Theo Luật thuế GTGT, thuế GTGT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. DN bỏ vốn ra kinh doanh đều nhằm mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, nghĩa là làm tăng thêm giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Về nguyên tắc, DN sẽ luôn có số thuế GTGT phải nộp. Do vậy, việc hoàn thuế GTGT sau ít nhất 12 tháng liên tục khi có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết dẫn đến nhiều trường hợp DN chưa kịp được hoàn (thậm chí có trường hợp vừa lập hồ sơ hoàn thuế) nhưng đã phát sinh số thuế phải kê khai, tính nộp. Quy định hoàn thuế này đã làm tăng thủ tục và lãng phí thời gian để tuân thủ chính sách đối với DN làm ăn chân chính, đồng thời làm tăng khối lượng công tác đối với cơ quan Thuế, Thanh tra, Kiểm toán. Trong khi đó, với tình trạng giao dịch tiền mặt diễn ra phổ biến, thực tế có không ít trường hợp (chủ yếu ở khâu bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng) cung ứng hàng hóa, dịch vụ nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai thuế GTGT đầu ra nên mới phát sinh tình trạng có thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết.

Dự kiến, việc bổ sung quy định hoàn thuế này sẽ làm giảm khối lượng, hồ sơ hoàn thuế hàng năm từ 18% - 20%, tương ứng với số giảm hoàn thuế vào khoảng 16.000 tỷ đồng và số thuế này sẽ được chuyển sang kỳ khấu trừ vào số thuế GTGT đầu ra của những kỳ tiếp theo.

Chỉ hoàn thuế ở cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính

Cũng trong vấn đề hoàn thuế GTGT, cơ quan soạn thảo nhận thấy một bất cập khác trong thực tế, đó là nhiều trường hợp XK cho khách hàng ở nước ngoài qua cửa khẩu đất liền có dấu hiệu gian lận, thông đồng lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước thông qua việc hợp thức hóa hồ sơ hoàn thuế.

Rà soát quy định của pháp luật có thể thấy: Theo Luật Thương mại, XK hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo pháp luật về quản lý biên giới thì một số cửa khẩu đất liền chưa có đủ các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành và cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thủ tục kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động qua lại biên giới và phải tiến hành tại Trạm kiểm soát biên phòng. Vì vậy, để bảo đảm chặt chẽ trong hoàn thuế GTGT, phù hợp với quy định của Luật Thương mại và pháp luật liên quan, cần thiết phải quy định rõ đối với trường hợp XK qua biên giới đất liền chỉ hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa XK qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

Theo tính toán của đơn vị làm Luật, phương án giải quyết này hầu như không ảnh hưởng đến DN làm ăn chân chính đồng thời sẽ góp phần chuyển đổi hình thức kinh doanh XNK, ví dụ như thay vì XK qua tất cả cửa khẩu biên giới đất liền thành chỉ XK qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương chính. Phương án này cũng phù hợp với thực tế và quy định chính sách cửa khẩu phụ, lối mở, biên giới dành cho cư dân hai bên đường biên (là đối tượng nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT, không được hoàn thuế theo luật), từ đó, hạn chế được nhiều trường hợp lợi dụng hợp thức hóa hồ sơ để gian lận về hoàn thuế GTGT. Nếu chính sách này được thông qua sẽ giảm số hoàn thuế khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.

Những nội dung sửa đổi nói trên đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành và sẽ được trình lên Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp tháng 10-2015.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế GTGT, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế bao gồm 4 điều 8 khoản; sửa đổi, bổ sung 2 nội dung về thuế GTGT, 3 nội dung về thuế Tiêu thụ đặc biệt và 2 nội dung về quản lý thuế.

Hồng Vân

hải quan

Các tin tức khác

>   Xoay xở vay tiền trả nợ công (23/10/2015)

>   Thuế giảm mạnh, cơ hội giảm giá ôtô nhập thực sự tới đâu? (22/10/2015)

>   “Phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ vì quá cấp bách” (21/10/2015)

>   Năm 2016 Chính phủ tiếp tục bán vốn nhà nước, thu về 30.000 tỉ đồng (20/10/2015)

>   Chính phủ có nhu cầu vay trên 3 triệu tỷ đồng trong 5 năm (20/10/2015)

>   7 đối tượng chịu thuế tài nguyên (17/10/2015)

>   Điều kiện xét hoàn thuế với hàng tái xuất sang nước thứ ba (17/10/2015)

>   Sẽ thay đổi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô (17/10/2015)

>   Vay không khó, chỉ khó giải trình (16/10/2015)

>   Xăng “cõng” hơn 50% thuế, phí... (16/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật