Thứ Sáu, 16/10/2015 10:02

Vay không khó, chỉ khó giải trình

Đầu tuần này, Bộ Tài chính đã trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) phương án phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để đảo nợ trong nước, dù rằng tại thời điểm này luật chưa cho phép làm việc đó.

Luật Quản lý nợ công hiện hành không cho phép vay ngoại tệ để tái cơ cấu các khoản vay bằng đồng Việt Nam.

Đã hết cửa đi vay

Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội đã đưa Chính phủ, Bộ Tài chính vào một thế rất khó. Tại thời điểm nghị quyết được ban hành (tháng 10-2014), cơ cấu vay nợ của Chính phủ đang mất cân đối. Tỷ lệ phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) ngắn hạn năm 2014 là 52% và năm trước đó là 80,3% (sẽ đến hạn trả nợ vào năm 2016) khiến Quốc hội đột ngột ra nghị quyết yêu cầu dừng phát hành TPCP kỳ hạn ngắn và chỉ được phát hành kỳ hạn năm năm trở lên.

Việc thực hiện nghị quyết này lập tức tác động tới thị trường TPCP, công tác huy động vốn và thanh khoản của ngân sách. Chín tháng đầu năm, cả trái phiếu nội tệ và ngoại tệ mới huy động được 51% kế hoạch (hơn 127.000 tỉ đồng). Nếu cứ đà này, cả năm sẽ thiếu hụt khoảng 90.000 tỉ đồng.

Và chỉ tính riêng khối lượng thanh toán gốc và lãi TPCP chín tháng đầu năm là hơn 160.000 tỉ đồng thì khối lượng vốn mới huy động không đủ trả nợ gốc và lãi TPCP đến hạn, thiếu hụt hơn 33.000 tỉ đồng (cần trả 160.684 tỉ, trong khi chỉ huy động được 127.473 tỉ).

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã vay từ Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỉ đồng, vay các quỹ tài chính và các nguồn khác nhưng dự kiến vẫn sẽ không đủ trả nợ và cân đối ngân sách.

Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho phép sửa kỳ hạn huy động TPCP, tức là đưa các kỳ huy động ngắn hạn trở lại danh mục cho linh hoạt và phù hợp với thị trường. Đề nghị đang được Ủy ban Tài chính - Ngân sách (Quốc hội) ủng hộ tại phiên họp của UBTVQH vào đầu tuần này.

Tính đến hết năm 2014, dư nợ vay Chính phủ là hơn 1,8 triệu tỉ đồng, hơn một nửa là vay trong nước. Các khoản vay trong nước có kỳ hạn ngắn và chủ yếu là nợ TPCP (chiếm khoảng 55% tổng nợ trong nước và 30% tổng nợ Chính phủ) với kỳ hạn bình quân phải trả chưa đầy ba năm nữa.

Nói như vậy để thấy rằng, mất cân đối về thời hạn phát hành trái phiếu sẽ không chỉ làm khó ngân sách năm nay và dự kiến kéo dài sang các năm tiếp theo. Nghị quyết thì không khó sửa. Vấn đề ở đây là hình thức phát hành TPCP mà Chính phủ đề xuất.

Phải chờ hai năm nữa

Chính phủ đề xuất với Quốc hội cho phép phát hành khoảng 3 tỉ đô la Mỹ TPCP để tái cơ cấu lại nợ trong nước giai đoạn 2015-2016. Thời gian phát hành dự kiến từ năm 2017, khi Luật Ngân sách nhà nước cho phép làm điều này.

Việc phát hành TPCP ra thị trường quốc tế để đảo nợ đã được thực hiện trong năm 2014, khi Chính phủ phát hành 1 tỉ đô la tại Mỹ để đảo các khoản nợ đến hạn vào năm 2016 và 2020. Tuy nhiên, đó là đảo nợ vay quốc tế.

Còn Luật Quản lý nợ công hiện hành lại không cho phép vay ngoại tệ để tái cơ cấu các khoản vay bằng đồng Việt Nam. Như vậy, muốn phát hành thì phải đợi cả Luật Quản lý nợ công được sửa.

Nhưng các khoản nợ đến hạn thì cũng không đợi được. Riêng năm 2015-2016, TPCP đến hạn trả nợ lên đến hơn 365.000 tỉ đồng, cần phải tái cơ cấu trong khi các nguồn huy động đã có địa chỉ hết nên không dành để tái cơ cấu danh mục này. Chính phủ thuyết phục UBTVQH rằng, nếu cho phép phát hành 3 tỉ đô la Mỹ TPCP ra thị trường quốc tế thì chỉ số an toàn về nợ công đến năm 2020 vẫn trong giới hạn và tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn luôn thấp hơn 50% tổng nợ Chính phủ.

Trong khi đó, con số được viện nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây công bố thì nợ công Việt Nam năm 2014 đã đến ngưỡng 66,4%, vượt 6,5 điểm phần trăm so với nợ công đã được Bộ Tài chính công bố (dù Bộ Tài chính không thừa nhận con số này, do khác nhau về cách tính).

Vay để đảo nợ, dù dưới hình thức nào cũng cho thấy khả năng trả nợ có vấn đề. Việc vay nợ mới không khó, mà cái khó là khi Chính phủ trình con số đi vay lại “không làm rõ danh mục, giá trị, thời gian các khoản vay nợ đến hạn phải cơ cấu lại”, như nhận định của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (Quốc hội). Đây chính là vấn đề. Nó tương tự như việc người đi vay mà không cho chủ nợ biết mình sẽ vay nợ để làm những việc cụ thể gì. Ủy ban này cũng đề nghị Chính phủ xác định cụ thể hơn phương án cơ cấu nợ và nhất là lộ trình trả nợ, danh mục các khoản nợ cần được cơ cấu, trước mắt là cho hai năm 2015 và 2016. Vì trước đó, đã có hàng loạt các khoản TPCP được phát hành trong nước, sử dụng cho các dự án đầu tư và cho khối DNNN vay lại nhưng không rõ hiệu quả đầu tư đến đâu và khả năng trả nợ ra sao.

Ngọc Lan

tbktsg

Các tin tức khác

>   Xăng “cõng” hơn 50% thuế, phí... (16/10/2015)

>   Chính phủ đề xuất tăng gấp đôi thuế tiêu thụ đặc biệt với xe sang (13/10/2015)

>   MTG: Nộp ngân sách hơn 1.1 tỷ do truy thu thuế và tiền phạt (12/10/2015)

>   Đề xuất phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ công (12/10/2015)

>   DN có thể “cứu” bội chi ngân sách (12/10/2015)

>   Doanh nghiệp khốn khổ chờ hoàn thuế (08/10/2015)

>   Hà Nội công bố tên 89 doanh nghiệp nợ thuế (08/10/2015)

>   Giữ nguyên thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với xăng dầu đến cuối năm (08/10/2015)

>   Lãnh án chung thân do chiếm đoạt 74 tỉ đồng tiền hoàn thuế (06/10/2015)

>   DN sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế (05/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật