Thứ Hai, 12/10/2015 10:23

DN có thể “cứu” bội chi ngân sách

Theo các chuyên gia, cơ cấu chi NSNN đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, khi tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN tăng mạnh.

Vấn đề bội chi ngân sách từ nhiều năm nay đã trở thành chủ đề nóng. Những con số thống kê trong quá khứ cũng như hiện tại đang đặt ra bài toán khó về chi ngân sách. Thâm hụt ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2006-2010 tăng mạnh cả về số tuyệt đối và tỷ lệ trên GDP so với giai đoạn trước.

Nếu theo chuẩn quốc tế thì thâm hụt NSNN đã tăng vọt từ dưới 10 nghìn tỷ đồng năm 2006 lên gấp đôi vào năm 2007, và hơn 8 lần vào năm 2009. Theo đó, thâm hụt NSNN đã tăng từ 0,9% GDP năm 2006 lên 4,51% GDP năm 2009 và giảm xuống còn 3,03% vào năm 2010.

Để bù đắp bội chi, Việt Nam đã vay trong nước và vay nước ngoài. NSNN đang đứng trước bài toán phức tạp. Sang giai đoạn 2011-2015, nhiệm vụ tài chính NSNN cũng hết sức nặng nề.Những năm vừa qua, bội chi NSNN phải duy trì ở mức cao (năm 2011 là 4,4% GDP; năm 2012 là 5,36% GDP; năm 2013 là 5,5% GDP; năm 2014 là 5,3% GDP và năm 2015 là 5% GDP), không đạt Nghị quyết của Đảng và Quốc hội là giảm dần để đến năm 2015 bội chi NSNN đạt 4,5%.

Theo các chuyên gia, vấn đề nữa của ngân sách trong giai đoạn 2011-2015 là cơ cấu chi NSNN đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, khi tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN tăng mạnh (bình quân chiếm 64,8%, tăng 10% so với giai đoạn 2006 - 2010).

Trong đó, các khoản chi cho con người chiếm khoảng 68,2% tổng chi thường xuyên, dẫn đến các khoản chi thường xuyên khác rất khó khăn. Trong điều kiện cân đối NSNN, buộc phải giảm chi đầu tư từ NSNN và bố trí chi trả nợ thấp hơn nhu cầu. Năm nay mặc dù Quốc hội duyệt bội chi là 5% nhưng theo các chuyên gia, tình hình cũng đang khó khăn.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục cơ cấu lại ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu tư để phân bổ tập trung, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Ngay cả chi đối với các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án đang triển khai để cắt giảm, lồng ghép chính sách... cũng phải rà soát lại.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 9 ước đạt 61,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 9 tháng đạt 683 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014. “Điểm sáng” được cho là từ thu nội địa, thực hiện tháng 9 ước đạt 42,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 9 tháng đạt 504,3 nghìn tỷ đồng, bằng 79% dự toán, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo ông Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC), phải tìm mọi cách để tăng nguồn thu từ DN, trên cơ sở phát triển hai triệu DN hoạt động có hiệu quả. Vì sao phải phát triển hai triệu DN, bởi phải tăng nguồn thu từ số lượng DN tăng.

Còn TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để giải quyết vấn đề ngân sách hiện nay cần có chính sách chi tiêu hợp lý, chặt chẽ. Về lâu dài cần có Đề án tái cơ cấu ngân sách để nâng cao kỷ luật ngân sách.

Các chuyên gia cũng cho rằng, lo ngại với ngân sách năm 2015 chính từ thu từ dầu thô giảm.

Cụ thể, thực hiện tháng 9 ước đạt 4,2 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 9 tháng đạt 51,78 nghìn tỷ đồng (sản lượng dầu thanh toán 9 tháng ước đạt 12,69 triệu tấn; giá dầu thô bình quân đạt khoảng 58,6 USD/thùng, giảm còn 41,4 USD/thùng so với giá dự toán). Đầu năm giá dầu được dự báo ở mức 60 USD/ thùng, nhưng nay chỉ bình quân khoảng 40USD/thùng khiến cho nguồn thu ngân sách sụt giảm mạnh. Bội chi NSNN tháng 9 ước 27,54 nghìn tỷ đồng; lũy kế 9 tháng ước 140,97 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 62,4% dự toán năm.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của NH Phát triển châu Á (ADB), nhìn chung nhiệm vụ kiểm soát bội chi ngân sách trong giới hạn 5% GDP trong năm 2015 có thể khó đạt được khi giá dầu thế giới tiếp tục giảm.

Chí Kiên

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp khốn khổ chờ hoàn thuế (08/10/2015)

>   Hà Nội công bố tên 89 doanh nghiệp nợ thuế (08/10/2015)

>   Giữ nguyên thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với xăng dầu đến cuối năm (08/10/2015)

>   Lãnh án chung thân do chiếm đoạt 74 tỉ đồng tiền hoàn thuế (06/10/2015)

>   DN sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế (05/10/2015)

>   Minh bạch ngân sách: Thước đo tính chính đáng của chính phủ (04/10/2015)

>   Điều tra vụ chuyển giá của Metro, Coca Cola (03/10/2015)

>   ​Vẫn chưa rõ cách tính thuế khoán đối với hộ kinh doanh (03/10/2015)

>   Malaysia áp thuế chống bán phá giá tôn phủ màu của Việt Nam (02/10/2015)

>   Bộ Tài chính đã vay được Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng (02/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật