Nỗi niềm trái phiếu
Chỉ số trái phiếu (Bond Index) từ đầu năm đến nay tăng 2,63% trong khi tỷ giá tăng xấp xỉ 5%, theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Đầu tư trái phiếu coi như lỗ!
GDP tăng cao, tín dụng tăng cao, tất thảy đều cần tiền, tiền sẽ không còn để chảy vào trái phiếu. Ảnh: Thành Hoa
|
Ế như... trái phiếu
Bộ Tài chính cho biết đến hết tháng 9-2015 mới chỉ phát hành được 127.473 tỉ đồng trái phiếu chính phủ, bằng 51% kế hoạch năm. Chỉ tiêu phát hành cho quí 4 còn gần một nửa, làm cách nào bán được?
Trái phiếu là thứ hàng hóa để đầu tư, người ta chỉ mua nó khi biết chắc sẽ có lời. Mấy năm trước ngân hàng khó khăn về tín dụng, phải thu hồi nợ, thừa tiền, lãi suất huy động giảm, họ vác đi mua trái phiếu. Bộ Tài chính cứ phát hành băng băng, bao nhiêu cũng bán hết. Tới tháng 3 năm nay, lãi suất xuống đến đáy, rồi nằm đấy, nhúc nhích chực chạy lên. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) muốn giảm tiếp lãi suất, nhưng thị trường “cãi” lại và không thể hiện điều đó.
Sang quí 2 rồi quí 3, túi tiền của ngân hàng thương mại giờ đã khác. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ tăng vốn huy động. Tổng phương tiện thanh toán cũng tăng chậm. Gần đây NHNN lại bán mạnh ngoại tệ can thiệp thị trường ngoại hối, tới hơn 7 tỉ đô la Mỹ, hút về ít nhất 150.000 tỉ đồng. Bộ Tài chính ở vào thế tiến thoái lưỡng nan, bắt buộc phải tăng lãi suất trái phiếu. Chỉ trong vòng vài tuần, lãi suất trái phiếu kỳ hạn năm năm tăng 100 điểm, kỳ hạn 10-15 năm tăng 50 điểm. Tuy nhiên, người mua vẫn gần như không đoái hoài tới. Bộ Tài chính không thể đi xa hơn nữa bởi đẩy lãi suất lên không chỉ phá vỡ mặt bằng lãi suất chung, mà còn khiến cho việc trả lãi sau này trở nên đắt đỏ.
Nguồn tin từ một quan chức cấp cao trong giới tài chính cho biết sắp tới Bộ Tài chính sẽ vay thêm 1 tỉ đô la Mỹ nữa của Vietcombank với lãi suất có thể thấp hơn, chừng 3-4%/năm gì đó.
|
Thông tư 36 trở thành rào cản, những ngân hàng thương mại nước ngoài chuyên “chơi” trái phiếu về cơ bản đã hết room để mua. Trong khi Nghị quyết 78/2014/QH13 chỉ cho phép phát hành trái phiếu từ năm năm trở lên. Nội dung nghị quyết đúng, song thời điểm không đúng. GDP tăng cao, tín dụng tăng cao, tất thảy đều cần tiền, tiền sẽ không còn để chảy vào trái phiếu. Nhìn trên thị trường 70% giao dịch trái phiếu là kỳ hạn dưới năm năm. Các tổ chức chỉ muốn mua kỳ hạn 2-3 năm. Đặt “hàng rào” năm năm coi như “khóa tay” Bộ Tài chính.
Nỗi niềm nhất là tỷ giá. Năm ngoái chỉ số Bond Index tăng 24%, các ngân hàng đầu tư trái phiếu “cười tươi như hoa”. Từ tháng 1 đến tháng 3-2015 Bond Index vẫn leo dốc, nhưng đến tháng 4 nó đột ngột mất đà. Đợt điều chỉnh tỷ giá tháng 8 đã làm sức hấp dẫn của trái phiếu teo tóp trông thấy. Chín tháng đầu năm nước ngoài bán ròng 6.400 tỉ đồng trái phiếu, chỉ riêng tháng 8 họ bán ròng 4.400 tỉ đồng, theo dữ liệu của HNX.
Lại nhờ cậy Vietcombank?
Bộ Tài chính “nhức đầu” với trái phiếu, hẳn rồi. Trong điều kiện không thể phát hành bằng mọi giá, khi không thể huy động được, thì đành xoay xở đi vay. Thế mới có chuyện Bộ Tài chính đã vay cho ngân sách từ Vietcombank 1 tỉ đô la Mỹ với lãi suất 4,8%/năm. Nguồn tin từ một quan chức cấp cao trong giới tài chính cho biết sắp tới Bộ Tài chính sẽ vay thêm 1 tỉ đô la Mỹ nữa của Vietcombank với lãi suất có thể thấp hơn, chừng 3-4%/năm gì đó. Lãi suất tiền gửi ngoại tệ của dân cư giảm về 0,25%/năm, của doanh nghiệp 0%/năm, Vietcombank nếu có cho vay thêm với lãi suất tầm 3-4%/năm cũng là hợp lý.
Dường như để rào dẫn cho sự vay thêm này, đại diện NHNN mới đây bóng gió về việc các ngân hàng thương mại có thể rút ngoại tệ gửi ở nước ngoài về cho vay các dự án cơ sở hạ tầng trong nước.
Ngoài vay Vietcombank, không loại trừ khả năng Bộ Tài chính sẽ phát hành trái phiếu quốc tế, vay của bảo hiểm xã hội, phát hành tín phiếu Kho bạc. Gần nhất, NHNN đã chuyển khoản cho Bộ Tài chính vay 30.000 tỉ đồng.
Giải pháp căn cơ cho trái phiếu không thể mãi nằm ở phát hành và đi vay. Nó phải nằm ở sản phẩm và người mua. Cho đến nay thị trường phái sinh chưa có, trái phiếu chỉ duy nhất một loại lãi suất cố định, còn các loại trái phiếu có lãi suất bằng 0% (0% coupon bond), hoặc lãi suất thả nổi, hoặc lãi suất gắn với lạm phát (căn cứ vào lạm phát để ấn định lãi suất, Chính phủ cam kết kiềm chế lạm phát, lấy đó làm điểm tựa để thu hút nhà đầu tư) đều chưa ra đời.
Cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu nhiều năm nay vẫn chưa thay đổi. Ai đang mua trái phiếu? Ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm (hiện nắm giữ chưa đến 5% tổng lượng trái phiếu lưu hành), công ty tài chính, công ty đầu tư... Đề xuất cho quỹ hưu trí tự nguyện thành lập và tham gia trái phiếu không thể giải quyết ngày một ngày hai trong khi trái phiếu chính phủ năm nào cũng phải phát hành.
Một đối tượng cần phải hướng tới vì họ có tiền tươi thóc thật, mua bán nhanh chóng, có thể mua nhiều là tổ chức nước ngoài. Muốn thế, mở cửa thôi không đủ, mà phải đắp thêm đường cho họ đi dựa trên sự công khai, minh bạch thông tin thị trường, nền kinh tế và cải cách thủ tục. Đầu tư trái phiếu, nước ngoài có thể thắng, có thể thua nhưng phải minh bạch, công khai các số liệu, tình hình để họ có thể tính toán. Thủ tục mở tài khoản ở ngân hàng cho đầu tư gián tiếp nước ngoài (trái phiếu, cổ phiếu, góp vốn mua cổ phần) hiện khá phức tạp.
Vừa qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có gỡ và đơn giản hóa thủ tục cấp phép mở tài khoản cho nước ngoài (cho phép nộp hồ sơ bằng tiếng Anh, không cần dịch, công chứng ra tiếng Việt; bỏ thủ tục đăng ký lãnh sự...), nhưng đây chỉ là tài khoản (mã số giao dịch) để giao dịch ở Trung tâm Lưu ký. Thủ tục mở tài khoản ở ngân hàng là chuyện khác và rõ ràng sự cải tiến nếu chỉ đơn độc từ phía UNCKNN, là chưa đồng bộ giữa các bộ, ngành.
Hải Lý
tbktsg
|