Nhiều dự án BĐS đẩy rủi ro pháp lý cho dân
Nhiều dự án BĐS chưa xây xong móng đã mở bán dưới dạng hợp đồng đảm bảo nhưng thực chất đây chỉ là chiêu huy động vốn với nhiều nguy hại.
Độc chiêu “lách luật” đẩy rủi ro khách hàng
Đầu tháng 10/2015, thị trường BĐS đang xôn xao thông tin dự án Hải Đăng City (tọa lạc tại phường Mỹ Đình II, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) mở bán khi chưa xây xong phần móng. Ghi nhận của PV vào chiều 6/10, dự án Hải Đăng City (còn gọi là dự án Hải Đăng HD Mon City) mới đang thi công phần cọc và chưa làm móng.
Mặc dù chủ đầu tư công bố, dự án xây dựng theo phương thức hiện đại với kiểu thi công “từ trên xuống” nhưng quy định của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 nêu rõ: “Những dự án xây xong phần móng mới được quyền mở bán”. Chính vì thế, chủ đầu tư dự án Hải Đăng City đang vị phạm nghiêm trọng quy định của nhà nước, gây nhiều rủi ro ho khách hàng.
Được biết, chủ đầu tư Hải Đăng City là Công ty Cổ phần Đầu Tư Địa Ốc Hải Đăng (trụ sở Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội) tiến hành “lách luật” bằng cách buộc khách hàng phải ký vào văn bản có tên Đảm bảo ký kết thỏa thuận đặt mua căn hộ. Buộc khách hàng phải nộp 50 triệu đồng tiền đặt cọc.
Văn bản thu nhận tiền đặt cọc của chủ đầu tư dự án Hải Đăng City với khách hàng.
Bên cạnh đó, khách hàng còn phải nộp đủ tiền thỏa thuận đặt mua với trị giá lên tới 30% giá trị căn hộ. Kết thúc giao dịch này, khách hàng chỉ nhận lại được tờ giấy biên nhận đã nộp tiền, kèm theo lời hứa hẹn “yên tâm mua căn hộ thành công”.
Hiện tại, đã có nhiều khách hàng ký đảm bảo mua dự án Hải Đăng City nhưng không ngờ rằng đây có thể là chiêu huy động vốn của chủ đầu tư mà không biết tương lai sẽ ra sao.
Được biết, trước đây đã có nhiều dự án không đủ quy định (chưa xây xong phần móng) đã mở bán cho khách hàng với “chiêu trò” tương tự mà Công ty Cổ phần Đầu Tư Địa Ốc Hải Đăng đang làm như dự án Home City Trung Kính, Vimeco Phạm Hùng…
Điểm chung của tất cả những dự án này đều tung thông tin ảo tới khách hàng khi cho rằng dự án đang được rất nhiều người quan tâm, nếu không ký văn bản đảm bảo sẽ không mua được căn hộ trong thời điểm mở bán chính thức.
Thế nhưng, thông tin mà chủ đầu tư đưa ra không thể kiểm chứng, đó chỉ là “lời nói gió bay” đánh vào tâm lý những người có nhu cầu mua nhà.
Tình hình tài chính chủ đầu tư có vấn đề?
Nói về văn bản Đảm bảo ký kết thỏa thuận đặt mua căn hộ mà công ty Hải Đăng ký với khách hàng, nhiều luật sư khẳng định đây chỉ là chiêu nhằm đánh lừa khách hàng.
Tên gọi “đảm bảo” và “mua bán” khác nhau nhưng bản chất đó đều là giao dịch trao đổi qua lại. Nhiều chủ đầu tư biết việc này nhưng vẫn cố tình “lách luật” và bên chịu thiệt duy nhất là khách hàng.
Phối cảnh dự án Hải Đăng City (Ảnh: trang chủ của dự án).
Luật sư Phạm Văn Tiếp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích: “Là hợp đồng mang tên đảm bảo nhưng khách hàng vẫ phải bỏ ra số tiền đặt cọc và hơn hết là 30% giá trị căn hộ. Điều đó chẳng khác nào giao dịch mua bán. Chẳng có gì để khẳng định dự án có thi công đúng tiến độ hay không”.
Ngoài ra ông Tiếp còn cho biết thêm, việc tin tưởng chủ đầu tư mà ký hợp đồng đảm bảo là rất nguy hiểm bới chính cái tên của hợp đồng. “Nếu như dự án không bàn giao đúng tiến độ, khách hàng không có đủ chứng cứ để kiện chủ đầu tư vì đó chỉ là hợp đồng đảm bảo chứ không phải mua bán.
Bình thường, với hợp đồng mua bán khách hàng đã rất khó đòi tiền thì với hợp đồng đảm bảo khách hàng càng khó đòi hơn vì đó chưa phải là giao dịch mua căn hộ chính thức” – ông Tiếp cho hay.
Còn luật sư Trương Văn Hoài – Đoàn Luật sư TP.HCM thì khẳng định: “Đây chẳng qua là chiêu huy động vốn của chủ đầu tư. Một dự án mới khởi công, chưa xây xong phần móng mà đã phải giở chiêu trò huy động vốn thì dư luận cũng có quyền đặt câu hỏi ngược lại, tình hình tài chính của chủ đầu tư thế nào mà mới thi công đã phải lấy vốn từ khách hàng để xây dự án?.
Hay nói trắng ra, chủ đầu tư như thế là những đơn vị thiếu tiền, không thể tin tưởng được. Tiền không có thì đừng mong họ bàn giao đúng tiến độ. Có khi còn phải chuẩn bị trước tinh thần đi đòi lại tiền đặt cọc trong tương lai”.
Minh Trung
đất việt
|