Thứ Tư, 28/10/2015 21:11

Nguyên Giám đốc chi nhánh Agribank bị đề nghị mức 20 năm tù

Tiếp tục phiên xử sơ thẩm vụ án gây thất thoát 966 tỷ đồng tại Công ty Dệt kim Đông Phương và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh 6 (gọi tắt là Agribank Chi nhánh 6), chiều 28/10, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị mức án đối với 11 bị cáo. 

Các bị cáo trước vành móng ngựa. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Đối với nhóm cán bộ, lãnh đạo Agribank Chi nhánh 6 gồm Hồ Đăng Trung, nguyên giám đốc chi nhánh bị Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 18-20 năm tù; Hồ Văn Long từ 16-18 năm tù; Trương Quốc Bảo từ 14-16 năm tù; Trương Nhật Quang từ 12-14 năm tù; Nguyễn Hoàng Quốc Thụy từ 8-10 năm tù cùng về tội “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng."

Theo Viện kiểm sát, dù biết các dự án của Thanh Cường chưa được cấp phép, tài sản thế chấp không đủ điều kiện bảo đảm nhưng Giám đốc Agribank Chi nhánh 6 Hồ Đăng Trung và các cán bộ cấp dưới đã bỏ qua các quy định, cho vay cả trăm tỷ đồng, bị Cường chiếm đoạt.

Khi Cường mượn giấy chứng nhận tài sản thế chấp, Hồ Văn Long (nguyên Trưởng phòng Tín dụng Agribank Chi nhánh 6) cùng ba cán bộ tín dụng là Trương Quốc Bảo, Trương Nhật Quang và Nguyễn Hoàng Quốc Thụy không giám sát tài sản cho mượn, tạo điều kiện cho Cường chiếm đoạt mang sang ngân hàng khác vay tiền.

Bị cáo “cầm đầu” vụ án Dương Thanh Cường, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư xây dựng Tấn Phát (gọi tắt Công ty Tấn Phát) bị đề nghị tổng mức án là tù chung thân về hai tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản."

Theo đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Dương Thanh Cường từng bị phạt tù 20 năm vì các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản,” “Đưa hối lộ,” “Trốn thuế,” nhưng sau khi ra tù trước thời hạn, không những ăn năn hối cải mà tiếp tục thực hiện các hành vi phạm tội nghiêm trọng khác với tính chất chuyên nghiệp nên cần phải có mức án nghiêm khắc đối với bị cáo Dương Thanh Cường.

Nguyên giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương Lê Thành Công bị đề nghị 11-12 năm tù về tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và 12-13 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ." Tổng hình phạt bị cáo này là từ 23-25 năm tù. Bị cáo Đỗ Trọng Nhân, nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Siêu mẫu Việt bị đề nghị mức án 10-11 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ." Theo Viện kiểm sát, bị cáo Nhân là người đã giúp sức cho Lê Thành Công trong quá trình thực hiện các hành vi phạm tội.

Đối với hai bị cáo Lê Sơn Hùng và Phạm Hoàng Thọ, đều là nguyên Phó Giám đốc Công ty Thanh Phát, Viện kiểm sát đề nghị mức án 20 năm tù đối với bị cáo Lê Sơn Hùng và mức án từ 18-20 năm tù đối với bị cáo Phạm Hoàng Thọ cùng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản."

Bị cáo Thái Cường, nguyên Giám đốc Công ty Tấn Phát bị đề nghị mức án từ 16-18 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản."

Theo cáo trạng, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc di dời những nhà máy xí nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố về các khu công nghiệp, Công ty Dệt kim Đông Phương đã ký hợp đồng với Công ty Phương Nam để hợp tác xây dựng trung tâm thương mại tại số 10 Âu Cơ. Sau đó, Công ty Phương Nam thông báo cho Công ty Dệt kim Đông Phương biết đã chuyển 80% cổ phần thực hiện dự án cho Công ty Bình Phát.

Lợi dụng việc thực hiện dự án, từ tháng 10/2010, nhóm các doanh nghiệp và cán bộ Ngân hàng Agribank Chi nhánh 6 đã có hàng loạt vi phạm pháp luật, gây thất thoát cho nhà nước tổng số tiền lên tới hơn 966 tỷ đồng (tính đến thời điểm khởi tố vụ án vào 9/2012).

Cụ thể, bị cáo Dương Thanh Cường, dù không có khả năng về tài chính nhưng Cường đã lập ra nhiều công ty rồi thuê người làm giám đốc (Công ty Bình Phát, Công ty Tấn Phát, Công ty Thanh Phát), sau đó chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ để vay tiền tại Agribank Chi nhánh 6. Các nhân viên, cán bộ của Agribank Chi nhánh 6 dù biết rõ công ty của Cường mới thành lập và không có khả năng tài chính, giấy tờ thế chấp liên quan đến dự án số 10 Âu Cơ là không được thế chấp nhưng vẫn lập hồ sơ cho vay.

Vào ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư. Dự kiến, phiên tòa sẽ kết thúc vào ngày 30/10.

Nguyễn Chung

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Khi tín dụng biến "đen" thành "trắng" (28/10/2015)

>   Lãi suất giằng co từ trên xuống dưới (28/10/2015)

>   Mua ngân hàng giá 0 đồng: Cần cơ chế bảo vệ cổ đông nhỏ (28/10/2015)

>   Tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 137.572 tỷ đồng (27/10/2015)

>   Thu hồi Giấy phép mở VPĐD Ngân hàng Hana thành phố Hồ Chí Minh (27/10/2015)

>   Agribank tạm thời chưa cộng điểm cho “người nhà” (27/10/2015)

>   Agribank mất tiền vì cho doanh nghiệp mượn lại giấy tờ thế chấp (26/10/2015)

>   BIDV: Lãi trước thuế 9 tháng đạt 5,535 tỷ đồng (26/10/2015)

>   NamABank: Dấu ấn 23 năm phát triển thương hiệu (26/10/2015)

>   Nguyên Thống đốc kể chuyện “hậu trường” ngành ngân hàng (26/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật