Cấp phép xây cao ốc ‘đụng’ tuyến metro
Hướng tuyến metro Bảy Hiền - cầu Sài Gòn hiện hữu vênh với hướng được duyệt, có thể dẫn đến khiếu nại làm chậm trễ tiến độ dự án này.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để xác định lại quy mô, hướng tuyến và ranh giới cụ thể của tuyến tàu điện ngầm ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn (giai đoạn 1, tuyến metro số 5), đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, hạn chế ảnh hưởng tiến độ dự án”. Ông Lê Khắc Huỳnh, Phó Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), cho biết vào chiều 1-10.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã yêu cầu MAUR, Sở QH-KT, Sở GTVT sớm làm rõ trách nhiệm từng đơn vị trong việc phối hợp, cung cấp và cập nhật thông tin khi nghiên cứu thiết kế hướng và nhà ga của tuyến metro ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn. Theo lãnh đạo UBND TP, ở tuyến metro này đang có sự khác biệt giữa hướng tuyến hiện nay với hướng tuyến đã cập nhật trong đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000, khu dân cư liên phường 3, 4 và 5 thuộc quận Phú Nhuận đã được phê duyệt từ năm 2013. Hệ quả là việc hướng dẫn thông tin quy hoạch, cấp phép xây dựng cho công trình ở 214 Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Phú Nhuận và một số công trình khác trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Công trình tòa nhà DOJI “phạm” vào ranh tuyến metro số 5 do có sự khác biệt giữa hướng hiện hữu với ướng tuyến được duyệt. Ảnh: Hoàng Giang
|
Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM vào chiều 1-10, tại khu đất 214 Phan Đăng Lưu (phường 3, quận Phú Nhuận) hiện có một công trình xây dựng dang dở. Đây là một tòa nhà cao tầng, của hai cá nhân, được xây dựng theo giấy phép do Sở Xây dựng cấp vào tháng 3-2015. Ông Nguyễn Minh Hùng, làm nghề sửa xe máy cạnh công trình, cho biết công trình đã được thi công xong ba tầng hầm và bắt đầu thi công các tầng nổi. Nhưng công trình đã bị ngưng thi công cách nay hơn 10 ngày. “Tôi có nghe nói công trình này bị tạm ngưng vì bị ảnh hưởng bởi tuyến metro nào đó. Song thực hư thế nào thì không được rõ lắm” - ông Hùng nói.
Theo cơ quan chức năng, công trình trên đã “phạm” vào dự án metro số 5 nhưng hiện TP.HCM vẫn chưa xem xét hoán đổi hay bồi thường cho công trình này. Hướng tuyến metro số 5 “vênh” với quy hoạch còn xảy ra cho các hộ khác trong khu vực, có khả năng gây khiếu nại gay gắt. Ông Lê Khắc Huỳnh cho biết MAUR cùng các sở ngành và UBND quận Phú Nhuận thống nhất đề nghị công trình trên tạm dừng thi công. “MAUR cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan căn cứ vào đồ án quy hoạch được duyệt để xác định lại quy mô, hướng tuyến và ranh cụ thể nhằm hạn chế tối đa việc điều chỉnh hướng tuyến vào khu dân cư hiện hữu. Điều này để tránh các ảnh hưởng phát sinh trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng” - ông Huỳnh nói.
Ngoài ra, ông Huỳnh cũng cho biết thêm sẽ phối hợp với các sở/ngành và các quận/huyện có liên quan rà soát hướng tuyến, vị trí các nhà ga của tất cả tuyến metro ở TP để đối chiếu với các đồ án được duyệt, tránh xảy ra các trường hợp tương tự.
Tuyến metro số 5 dài hơn 24 km với tổng mức đầu tư hơn 2,6 tỉ USD. Giai đoạn 1 sẽ làm đoạn dài 8,9 km từ ngã tư Bảy Hiền đến cầu Sài Gòn (đi ngầm dưới các tuyến đường Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng - Điện Biên Phủ), trong đó gần 7 km là đi ngầm với bảy ga. Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngã tư Bảy Hiền về Bến xe Cần Giuộc mới (huyện Bình Chánh) theo lộ trình Bến xe Cần Giuộc mới - quốc lộ 50 - Tùng Thiện Vương - Lý Thường Kiệt - Hoàng Văn Thụ.
Việc hướng tuyến metro số 5 hiện nay khác biệt so với hướng tuyến đã cập nhật trong đồ án quy hoạch 1/2.000 được phê duyệt có liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan sở ngành như MAUR, Sở GTVT… Còn về trách nhiệm cụ thể của Sở QH-KT thì hiện chưa thể kết luận. Sở QH-KT đã giao các phòng ban chuyên môn rà soát, xác định cụ thể và sẽ phối hợp các cơ quan liên quan để báo cáo TP.HCM.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở QH-KT
Cẩm Tú
|
L.ĐỨC - H.GIANG
pháp luật tphcm
|