Tương lai nào cho xe buýt xanh ở Việt Nam?
An toàn và hiệu quả hơn xăng, dầu nhưng việc triển khai xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên CNG lại gặp nhiều khó khăn.
Sau 4 năm thực hiện mục tiêu nhân rộng xe buýt thân thiện với môi trường vẫn chưa thành hiện thực dù lợi ích rất rõ ràng.
|
Lợi ích rõ ràng
Tháng 8/2011, Công ty Xe khách Sài Gòn, một đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn - TNHH MTV (SAMCO) đã thí điểm xây dựng tuyến xe buýt xanh Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn với 21 xe chạy bằng khí nén thiên nhiên CNG. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, mục tiêu nhân rộng số lượng xe thân thiện với môi trường trong vận tải hành khách công cộng vẫn chưa thành hiện thực dù lợi ích đem lại rất rõ ràng.
So với xe chạy bằng nhiên liệu xăng hoặc dầu (diesel), khí nén thiên nhiên CNG được đánh giá mang lại hiệu quả cao hơn không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn có tác dụng bảo vệ môi trường. Thực tế, khảo sát tại Anh cho thấy, với tổng số quãng đường vận hành 50 nghìn dặm thì một phương tiện kinh doanh vận tải hàng năm có thể tốn 6.500 bảng (nếu sử dụng xăng) hoặc 5.356 bảng (khi sử dụng nhiên liệu dầu), nhưng chi phí trung bình với quãng đường tương tự chỉ mất 3.183 bảng đối với khí CNG.
Thống kê sau 6 năm sử dụng thực tế tại Việt Nam từ 2007 - 2013 cũng ghi nhận, chi phí cho xe sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên CNG thấp hơn khoảng gần 40% so với xe chạy xăng hoặc dầu. Ngoài ra, xe chạy bằng khí thiên nhiên CNG được đánh giá êm hơn, không có bụi và khói đen, các khí thải gây hại đến sức khỏe con người so với xe thông thường cũng giảm một nửa,...Tại hội thảo “Sử dụng nhiên liệu CNG trong vận tải hành khách công cộng” diễn ra tại Hà Nội mới đây, không chỉ các chuyên gia ngành ô tô và khí đốt, mà đại diện Sở GTVT TP HCM - nơi mạng lưới xe buýt chạy bằng khí CNG nhiều nhất hiện nay - đều đưa ra những số liệu chứng minh lợi ích mà loại nhiên liệu này đem lại.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Bích Hằng, giảng viên Đại học GTVT TP HCM, toàn bộ chỉ số khí phát thải trên tuyến xe buýt thí điểm chạy khí CNG trên địa bàn thành phố gồm NOx, CO, CO2, SO2,… đo được trong một năm qua đều thấp hơn hẳn so với xe buýt chạy nhiên liệu dầu. Không chỉ vậy, độ ồn và độ rung trên xe buýt chạy bằng khí CNG cũng ở mức thấp 0,331 arms so với số mức 0,446 arms do xe chạy dầu tạo ra.
CNG là khí thiên nhiên nén, thành phần chủ yếu là metane (CH4) được lấy từ các mỏ khí thiên nhiên, qua xử lý và nén ở áp suất cao (250 atm) để tồn trữ.
Do không có benzene và hydrocarbon thơm kèm theo, nên khi đốt, CNG không giải phóng nhiều khí độc như NO, CO... và hầu như không phát sinh bụi. Ngoài ra, CNG cũng không gây đóng cặn tại bộ chế hòa khí, do đó kéo dài được chu kỳ bảo dưỡng động cơ và khi cháy không tạo màng.
Trong khi đó, Tiến sỹ Đặng Thị Thu Hoài, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế T.Ư cũng đã dẫn số liệu của Bộ Tài nguyên & Môi trường (MONRE) và Ngân hàng Thế giới (WB) để cho thấy, chi phí bỏ ra cho việc làm sạch môi trường do phát thải khí CO2 từ phương tiện giao thông tăng rất mạnh theo từng năm. Và nhấn mạnh việc cấp thiết phải có những biện pháp bảo vệ môi trường mà mấu chốt là giảm thiểu khí thải do phương tiện giao thông tạo ra.
Đại diện Tập đoàn Sunjin (Hàn Quốc) cho hay, với việc sử dụng 100% xe buýt xanh tại Thủ đô Seoul và gia tăng ở một số thành phố lân cận, nước này đã tiết kiệm được khoảng 280 triệu USD mỗi năm nhờ giảm ô nhiễm môi trường và cắt giảm được tổng số tiền đầu tư không cần thiết để cải thiện môi trường lên đến 10,1 tỷ USD.
|
Vì sao khó nhân rộng ở Việt Nam?
Hầu hết các chuyên gia tại Hội thảo đều cho rằng, việc chuyển đổi hệ thống xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch ở các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn trong việc ký kết hợp đồng cung cấp nhiên liệu do số lượng xe vận hành thực tế còn thấp.
Mặc dù rất nhiều doanh nghiệp vận tải đều thừa nhận xe buýt chạy bằng khí CNG giúp tiết kiệm chi phí vận hành và tăng thời gian khấu hao nhờ tuổi thọ động cơ cao và chi phí bảo dưỡng thấp, nhưng chi phí đầu tư ban đầu lại rất cao, khoảng 2 tỷ đồng cho một xe nhập khẩu nguyên chiếc, đại diện Sở GTVT TP HCM nhận định.
Chính bởi vậy, dù Chính phủ đã có những hành động cụ thể nhằm thúc đẩy việc ứng dụng nhiên liệu sạch trong vận tải hành khách công cộng như hỗ trợ phát triển năng lượng sạch, ưu tiên vay vốn cho các dự án đầu tư phương tiện xe buýt chạy nhiên liệu sạch… nhưng kết quả triển khai vẫn chưa được như kỳ vọng.
Tuy nhiên, ông Trần Quốc Toản, Tổng giám đốc SAMCO lại cho rằng, việc nhân rộng xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch tại Việt Nam đang tiến triển thuận lợi và phù hợp với xu thế phát triển đô thị xanh mà nhiều nước trên thế giới đang theo đuổi.
Với bất kỳ ứng dụng công nghệ mới nào cũng cần có thời gian để kiểm chứng và đánh giá bằng thực tế. Những khó khăn gặp phải trong thời gian qua tại Việt Nam sẽ được khắc phục trong thời gian tới đây, khi SAMCO vừa thực hiện hợp tác chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) để sản xuất sản phẩm xe buýt SAMCO City H.70 CNG.
Việc đưa mẫu xe buýt chạy bằng khí CNG sản xuất trong nước ra thị trường sẽ giúp hạ thấp vốn đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng. Ngoài ra, để tháo gỡ rào cản trong quá trình cung ứng nhiên liệu sạch phục vụ cho hoạt động vận chuyển, SAMCO cũng đang kết hợp với Tổng Công ty khí Việt Nam - PV Gas (GAS) xây dựng định hướng và kế hoạch phát triển mạng lưới cung cấp khí CNG tại khu vực phía Bắc và một số khu vực trọng điểm.
Ứng dụng triển khai xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, nhưng với việc sản xuất thành công xe buýt chạy khí CNG, tương lai cho loại hình vận chuyển bằng phương tiện thân thiện với môi trường hứa hẹn sẽ có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Phúc Lâm
giao thông
|