Thứ Sáu, 04/09/2015 09:04

VAMI - hiệp hội hay nhóm lợi ích?

Theo điều lệ, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) là tổ chức tự nguyện. Mục đích của hiệp hội nhằm tạo nên sự hợp tác, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp (DN) cơ khí trong nước để thúc đẩy DN cơ khí phát triển và bảo vệ quyền lợi của hội viên. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều hội viên VAMI, hiệp hội này đang trở thành đại diện cho một nhóm lợi ích. Vậy thực hư thế nào?

Năm 2014, ngành cơ khí có tốc độ tăng trưởng 18%. Ảnh: KỲ ANH

Bị gạt ra khỏi danh sách

Ngày 29.11.2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định (QĐ) 1791 “Phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012 - 2025” với mục tiêu thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước các hệ thống thiết bị phụ của 3 dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1 và Quỳnh Lập 1.

Tại QĐ này cũng ghi rõ tên 10 DN cơ khí trong nước tham gia thực hiện thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên nhiều DN cơ khí khác cho rằng danh sách đưa vào QĐ của Thủ tướng là do đề xuất của VAMI và nhiều DN cơ khí có năng lực sản xuất thiết bị của hiệp hội đã không được VAMI trình lên Thủ tướng.

Để làm rõ vụ việc, PV Báo Lao Động có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch VAMI. Ông Nguyễn Văn Thụ cho biết, để thực hiện chủ trương nâng cao năng lực các nhà thầu cơ khí trong nước, giảm nhập siêu…, ngày 17.3.2011, VAMI có văn bản số 16 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc kiến nghị cơ chế, chính sách áp dụng cho các dự án nhà máy nhiệt điện.

Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch VAMI

Theo đó, VAMI kiến nghị tách các hạng mục công việc thành các gói thầu độc lập để các DN cơ khí trong nước thực hiện được như: Hệ thống cung cấp than (CHS), nhà máy nước thải và hệ thống xử lý nước thải (WTP và WWTP), lọc tĩnh điện (ESP), nhà máy khử lưu huỳnh (FGD)… Ngoài các hệ thống trên, VAMI cũng kiến nghị phần kết cấu thép đi kèm với gói thiết bị chính trong nước hoàn toàn có thể thực hiện được. Do vậy cần có điều kiện với nhà thầu chính trong việc tách phần kết cấu thép để DN cơ khí trong nước làm trong trường hợp họ trúng thầu.

Tuy nhiên sau gần 3 năm thực hiện QĐ 1791, đã có những DN cơ khí có năng lực thực thụ về lĩnh vực này lại bị gạt qua bên lề của quá trình nội địa hóa nhà máy nhiệt điện dù đã có tên trong danh sách tại QĐ 1791. Điển hình như TCty Cơ điện xây dựng nông nghiệp và thủy lợi (Agrimeco). 

Trao đổi với PV, ông Lê Văn An - TGĐ Agrimeco - cho biết, hiện đơn vị đang thi công tháp Vietinbank cao 68 tầng, dự án có mức đầu tư lên 8.000 tỉ đồng tại khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội. Toà tháp này hoàn toàn được lắp ghép bằng thép trừ phần móng, vì vậy chẳng có lý do gì đơn vị không thi công được kết cấu thép của nhà máy nhiệt điện.

Thê thảm hơn, là một DN từng cung cấp cần cẩu có tải trọng 1.200 tấn cho nhà máy thuỷ điện Sơn La và Lai Châu, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) còn bị gạt hẳn ra khỏi danh sách DN cơ khí trong nước có năng lực tham gia chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện. 

Theo khẳng định của ông Nguyễn Tăng Cường - TGĐ Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung, việc thiết kế chiếc cẩu 500 tấn cho các nhà máy nhiệt điện là nằm trong tầm tay của DN. Trao đổi với PV về sự việc trên, Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ thừa nhận Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung là có năng lực thực sự. Lý giải về việc không đưa xí nghiệp này vào danh sách trình Chính phủ là do đơn vị này chưa có kinh nghiệm đối với dự án nhà máy nhiệt điện (?!).

Bí ẩn thông tin từ hiệp hội

Để tìm hiểu thông tin về VAMI và các DN thành viên, PV Báo Lao Động đã vào trang web của VAMI. Điều kỳ lạ là ngoài những thông tin về cơ cấu tổ chức, điều lệ…, PV không thể tìm thấy thông tin về tên tuổi của chủ tịch, các phó chủ tịch hiệp hội… Điều này cho thấy thông tin về nội bộ VAMI mâu thuẫn là có căn cứ.

Ông Nguyễn Văn Thụ thừa nhận, ông Nguyễn Tăng Cường - Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung - hiện là đương kim Phó Chủ tịch VAMI. Tuy nhiên, ông Thụ cho biết, lâu nay ông Nguyễn Tăng Cường không tham gia hoạt động gì của hiệp hội. Còn ông Nguyễn Tăng Cường lại khẳng định, từ khi được bầu làm Phó Chủ tịch VAMI, ông không hề nhận được bất cứ thông tin nào về các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện từ VAMI. Điều đặc biệt là PV cũng không tìm thấy tên của Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung trong danh sách các đơn vị thành viên của VAMI.

Sau khi có những chuyện lùm xùm, ông Nguyễn Văn Thụ cho biết, VAMI đã đề xuất với Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra năng lực thực sự của các đơn vị trong danh sách đề xuất Chính phủ. “Quá trình kiểm tra, đơn vị nào không đủ năng lực thì gạt ra khỏi danh sách, thay thế bằng những đơn vị thực sự có tiềm lực. Đơn vị nào không đảm nhiệm được sẽ cân nhắc cắt bớt khối lượng công việc cho phù hợp với năng lực” - ông Thụ nói.

Liên quan đến việc khuyến khích phát triển DN cơ khí trong nước, ngày 3.4.2015, Văn phòng Chính phủ có văn bản 115 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm cho thấy: Năm 2014, ngành cơ khí có tốc độ tăng trưởng 18% đã góp phần tích cực vào tăng trưởng của nền kinh tế nói chung. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều tồn tại hạn chế cần sớm khắc phục như nhiều đơn vị vẫn còn tư tưởng gia công (làm thuê) mà chưa chú trọng phát triển hoạt động tư vấn. “Bên cạnh đó, cùng với việc tái cơ cấu các DN có khi trong nước chưa khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của các DN tư nhân”.

lao động

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp quặng sắt: Thế và lực đều khó (03/09/2015)

>   IAEA lập ngân hàng uranium làm giàu cấp độ thấp đầu tiên trên thế giới (03/09/2015)

>   Thép Việt bị điều tra chống bán phá giá tại Malaysia (02/09/2015)

>   Malaysia điều tra chống bán phá giá thép từ Việt Nam (01/09/2015)

>   Chi gần 5 tỷ USD nhập khẩu thép (31/08/2015)

>   Thép Việt thua dần thép 'made in China' (26/08/2015)

>   Sản xuất thép bất ngờ đạt kỷ lục trong 10 năm  (17/08/2015)

>   Lao đao vì phôi thép Trung Quốc (16/08/2015)

>   POM: Thị trường BĐS phục hồi, quý 2 đã bắt đầu có lãi (18/08/2015)

>   Thép Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới (10/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật