Thắt chặt chính sách tiền tệ đe dọa ổn định của các nền kinh tế
Ngày 15/9, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng trung ương nước này) thắt chặt chính sách tiền tệ có thể tạo ra "cơn bão" đe dọa triển vọng tăng trưởng và sự ổn định tài chính của các nền kinh tế đang phát triển.
Sàn giao dịch chứng khoán tại quận tài chính ở New York, Mỹ. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
|
Dù Fed có quyết định tăng lãi suất ngay tại cuộc họp tuần này hay muộn hơn, các chuyên gia kinh tế của WB cho rằng sự thay đổi chính sách tiền tệ của Mỹ có thể tạo ra thách thức lớn cho các nền kinh tế mới nổi và ở "tuyến đầu" được cho là rất dễ bị tổn thương.
Báo cáo của WB nhận định động thái nâng lãi suất của Fed có thể được đưa ra trong lúc đà tăng trưởng kinh tế và hoạt động thương mại trên toàn cầu sa sút và giá cả hàng hóa sụt giảm đang ảnh hưởng tiêu cực tới một số nền kinh tế đang phát triển.
Hiện tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế kể trên cũng đang ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Hoạt động thương mại và ngân sách của nhiều nước mới nổi bị sụt giảm, với mức nợ công và nợ của các doanh nghiệp vay bằng đồng USD khá cao. Do vậy, việc điều kiện thị trường bị siết chặt và đồng USD mạnh lên sẽ khiến các nền kinh tế đó dễ bị tổn thương.
Báo cáo của WB cho biết, trong trường hợp xấu nhất, dòng vốn đổ vào các nền kinh tế mới nổi sẽ đột ngột ngừng lại, gây ra thêm nhiều thách thức lớn về chính sách cho các nước đó.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Washington đã công bố các số liệu kinh tế tốt xấu đen xen trước thềm cuộc họp kéo dài hai ngày bàn về chính sách tiền tệ Fed.
Cụ thể, số liệu chính thức từ Fed cho thấy tổng sản lượng công nghiệp của Mỹ trong tháng Tám giảm 0,4% so với tháng Bảy, tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái lại tăng 0,9%.
Nguyên nhân được cho là do lĩnh vực chế tạo - chiếm khoảng 75% sản lượng công nghiệp Mỹ - trong tháng Tám giảm 0,5%, do sản xuất phụ tùng và xe ôtô giảm.
Khu vực hoạt động khai mỏ trong tháng Tám cũng giảm 0,6% do giá dầu giảm, ngược với đà tăng trong sáu tháng đầu năm 2015.
Dịch vụ công cộng là khu vực duy nhất ghi nhận đà tăng, với mức tăng 0,6%. Theo số liệu mới công bố ngày 15/9 của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ Mỹ trong tháng Tám tăng 0,2% so với tháng Bảy và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ doanh số bán xe ôtô tăng.
Trong hai tháng qua, người Mỹ cũng chi tiêu nhiều hơn, cho thấy nhu cầu nội địa tăng, ủng hộ việc Fed nói “có” với quyết định tăng lãi suất vào ngày 17/9.
Jeremy Lawson, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Standard Life Investments tại Edinburgh, nhận định nếu chỉ dựa trên các số liệu kinh tế trên thì các quan chức Fed có khả năng sẽ quyết định tăng lãi suất và đã đến lúc để thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong trường hợp nếu không có thêm các sức ép tài chính tiêu cực, Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp lần này, sẽ là lần tăng đầu tiên kể từ năm 2006.
vietnam+
|