Kinh tế Iran sẽ tăng trưởng 4% khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ
Theo đánh giá của các hãng phân tích, kinh tế Iran có thể tăng trưởng ít nhất 4% khi các lệnh trừng phạt quốc tế do Mỹ áp đặt chống Tehran bắt đầu được dỡ bỏ vào năm 2016.
Ảnh minh họa. (Nguồn: presstv)
|
Iran đã đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, cùng với Đức) hôm 14/7 vừa qua tại Vienna của Áo.
Theo thỏa thuận, Iran sẽ cắt giảm 2/3 số máy ly tâm làm giàu urani trong 10 năm, cho phép việc mở rộng thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này... Đổi lại các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Iran về năng lượng, tài chính, hàng không và hàng hải sẽ được dỡ bỏ.
Ngoài ra, nhiều tỷ USD tài sản của Iran sẽ không còn bị phong tỏa. Từ năm 2016, một phần các lệnh trừng phạt bắt đầu được dỡ bỏ và đây là các điều kiện thuận lợi để Iran thúc đẩy nền kinh tế vốn đã trì trệ trong mấy năm qua.
Các báo cáo của Viện nghiên cứu Foundation for Defense of Democracies (FDD - có trụ sở Washington, Mỹ) và hãng phân tích Roubini Global Economics (RGE - có trụ sở tại New York, Mỹ) nhận định kinh tế Iran có thể đạt mức tăng trưởng 5% trong giai đoạn từ năm 2009 trở về trước, so với mức tăng trưởng âm 5,8% giai đoạn 2012-2013 khi các lệnh trừng phạt quốc tế được áp đặt chống Tehran vào năm 2012.
Nền kinh tế của Iran đã bắt đầu phục hồi chút ít trong hai năm 2014 và 2015 khi một số lệnh trừng phạt được dỡ sau khi quốc gia Trung Đông này đạt được thỏa thuận tạm thời với nhóm P5+1 vào tháng 11/2013.
FDD và RGE cho rằng Iran có thể sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 4-5% nhờ các cải cách kinh tế và nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Iran hiện có từ 90-120 tỷ USD tài sản bị đóng băng ở nước ngoài, trong đó 40-60 tỷ USD là các nguồn thu từ dầu mỏ. Iran sẽ nhận được tất cả số tiền khổng lồ này ngay khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ vào đầu năm tới.
Ngoài ra, Iran cũng sẽ thu được 20 tỷ USD tiền xuất khẩu dầu mỏ sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Tehran được dỡ bỏ./.
Nguyễn Trường
vietnam+
|