Điều gì đang xảy ra ở Trung Quốc?
Những khiếm khuyết trong mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã dần lộ ra sau gần ba thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ. Cú rơi của TTCK Trung Quốc chỉ là hệ quả của những bất ổn này.
Dĩ nhiên,Trung Quốc cũng đã nhận thức được vấn đề khi có sự chuyển dịch sang việc phát triển bền vững, hơn là đánh đổi để tăng trưởng bằng mọi giá như trong thời gian trước.
Sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc
Quy mô của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng trở nên khổng lồ, với GDP năm 2014 đạt khoảng 63,614 tỷ nhân dân tệ, tương đương 10 ngàn tỷ USD (theo số liệu mới điều chỉnh từ NBS), đứng thứ 2 sau Mỹ, sau 3 thập kỷ duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng quanh mức 10%.
Tuy nhiên, việc tăng trưởng kinh tế sụt giảm mạnh vào năm 2012 bất chấp những dự báo lạc quan cho rằng Trung Quốc vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng 8%/năm tới năm 2017 đã cho thấy những bất ổn nhất định của nền kinh tế Trung Quốc sau một thời gian dài đánh đổi để có được mức tăng trưởng thần tốc. Việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng vào đầu tháng 3 vừa qua xuống còn 7% - mức tăng chậm nhất trong ¼ thế kỷ qua của nền kinh tế Trung Quốc cho thấy các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cũng nhận ra vấn đề khi sẵn sàng chấp nhận mức tăng trưởng chậm hơn trước, nhưng bền vững hơn.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc qua các năm và quý gần đây
(%)
(Nguồn: Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc-NBS)
|
Dẫu vậy, các chỉ số thống kê mới nhất về nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian gần đây vẫn cho thấy triển vọng khá tiêu cực. Cụ thể, theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 01/9, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước này trong tháng 8 đã giảm xuống 49.7 điểm, so với 50 điểm của tháng 7 và là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2012. Kim ngạch nhập khẩu của nước này tính bằng đồng nội tệ giảm 14.3%, mạnh hơn mức giảm 8.6% của tháng 7, đánh dấu tháng giảm thứ 10 liên tiếp và là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 5 năm nay. Cùng với đó, xuất khẩu giảm 6.1% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức giảm 8.9% trong tháng 7, đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tục.
Những nguyên nhân bất ổn…
Cung tiền tăng mạnh. Mặc dù đứng vững sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 do chưa hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới nhưng cũng khiến Trung Quốc liên tục bơm tiền để kích thích nền kinh tế với hơn 4 ngàn tỷ nhân dân tệ. Điều này cũng đã giúp thu hút một lượng lớn tiền từ nước ngoài đổ vào Trung Quốc.
Cung tiền M2 của Trung Quốc
(Nguồn: Ngân hàng TW Trung Quốc)
|
Liên tục cắt giảm lãi suất. Tính từ tháng 11/2014, Trung Quốc đã liên tục 5 lần cắt giảm lãi suất nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Điều này vô hình chung là thổi bùng thêm tình trạng bong bóng ở thị trường bất động sản, nơi có sức ảnh hưởng còn mạnh hơn cả TTCK, đóng góp tới 15% cho tăng trưởng GDP. Với giá những căn hộ ở Thượng Hải thường vượt quá 200,000 USD, trong khi thu nhập trung bình sau khi nộp thuế chỉ khoảng 4,000 USD/năm thì điều này tạo nên sự khó khăn trong việc giải quyết lượng hàng tồn kho đóng băng này. Đó là lý do tại sao ở Trung Quốc xuất hiện các thành phố “ma” khi không có người dọn tới ở bất chấp vẫn có nhu cầu rất lớn từ người dân.
Biến động lãi suất ở Trung Quốc
(Nguồn: Bloomberg)
|
Các khoản nợ ngày càng gia tăng. Mặc dù các con số về nợ Trung Quốc thường xuyên không được báo cáo đầy đủ, nhưng theo tính toán của McKinsey & Company công bố vào ngày 08/05, tổng nợ của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần, từ 7,000 tỷ USD năm 2007 lên 28,000 tỷ USD vào giữa năm 2014, chiếm 282% GDP. Theo đó, nợ chính phủ Trung Quốc bằng 55% GDP, nợ của các định chế tài chính bằng 65% GDP, nợ phi tài chính và nợ hộ gia đình lần lượt là 125% và 38% GDP. Có thể thấy hầu hết các khoản nợ là nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp; trong đó, chính quyền địa phương nợ nhiều nhất, ước tính khoảng 20 ngàn tỷ nhân dân tệ.
Vốn đầu tư trở thành động lực chính cho tăng trưởng, trong khi các yếu tố như năng suất, lao động đang có chiều hướng suy giảm. Trong bối cảnh quy mô lực lượng lao động của Trung Quốc đã đạt đỉnh từ năm 2012 và năng suất lao động không còn tăng mạnh như trước do sự thu hẹp về khoảng cách công nghệ giữa Trung Quốc và các nước phát triển khiến cho nguồn vốn đầu tư ngày càng trở thành động cơ phát triển chính của nền kinh tế Trung Quốc, chiếm tới 49% tăng trưởng GDP.
Tỷ lệ đóng góp của Lao động, Vốn, Năng suất lên tăng trưởng GDP của Trung Quốc
%
(Nguồn: frbsf.org)
|
Bất nhất trong chính sách với thị trường xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Với những bất ổn của nền kinh tế thế giới, nguồn tiền nước ngoài giảm sút cũng như áp lực cạnh tranh xuất khẩu, Trung Quốc đang chuyển hướng tăng trưởng bằng nhu cầu thực tiêu thụ nội địa trong nước. Tuy nhiên, việc phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu khiến các doanh nghiệp trong nước cố gắng giữ mức lương của người lao động để tạo lợi thế cạnh tranh về giá nhân công rẻ. Điều này vô hình chung không thể đẩy mạnh nhu cầu nội địa mà tạo ra vòng luẩn quẩn khi lại phụ thuộc vào nhu cầu của nước ngoài. Việc nhu cầu nội địa của Trung Quốc chỉ đóng góp 36% GDP và hầu như không thay đổi so với mức trung bình 60% của thế giới là minh chứng rõ nhất cho thất bại trong việc đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.
Bất chấp việc Trung Quốc muốn giữ tỷ giá ở mức thấp để tạo động lực cho thị trường xuất siêu của Trung Quốc thì đồng nhân dân tệ đã tăng khoảng 14% trong 12 tháng qua. Điều này cho thấy phần nào sự đối nghịch giữa Bộ Thương Mại Trung Quốc và PBoC trong vấn đề về thị trường xuất khẩu khi chính sách đồng nhân dân tệ mạnh sẽ hỗ trợ tiêu thụ trong nước và giúp các công ty trong nước dễ dàng vay tiền và đầu tư ra nước ngoài lại làm ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu.
… và cú rơi của TTCK Trung Quốc
Trước những số liệu yếu kém về tình hình kinh tế, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã liên tục mất điểm và đỉnh điểm là mức giảm tới 8.5% vào ngày 27/07, đánh dấu ngày “thứ Hai đen tối” khi đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 8 năm qua kể từ tháng 2/2007. Tính đến ngày 11/09, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc đã bốc hơi hơn 38% so với mức đỉnh xác lập ngày 12/06 và thụt lùi hơn 1% so với giai đoạn đầu năm.
Diễn biến chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc
|
Cú rơi của TTCK Trung Quốc là hệ quả tất yếu của chích sách khuyến khích người dân tham gia đầu tư vào một thị trường đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm, kiến thức. Một thị trường chứng khoán với các nhà đầu tư các nhân chiếm tới 80-90% và chào đón tất cả mọi người kể cả người ít tiền, thậm chí không có tiền vẫn có thể đầu tư với công cụ đòn bẩy tài chính và bán khống. Hoạt động giao dịch đòn bẩy (margin trading) sử dụng tiền đi vay để giao dịch chứng khoán đang bùng phát mạnh mẽ trong vòng hơn một năm qua. Tỷ lệ dùng đòn bẩy trên tổng lượng vốn trên TTCK đã chạm ngưỡng kỷ lục hồi đầu năm nay, cao hơn rất nhiều so với mức từng ghi nhận trong lịch sử tại bất kỳ TTCK nào khác.
Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chính trong việc đẩy thị trường chứng khoán phát triển quá nóng khi họ cho phép cơ quan quản lý có quyền ấn định giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng, một hình thức đảm bảo lợi nhuận cho những nhà đầu tư mua vào khiến các thương vụ IPO vẫn gia tăng đáng kể bất chấp sự suy giảm của TTCK. Ngoài ra, nhằm giảm nợ của doanh nghiệp, Trung Quốc đã thúc đẩy doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu, khuyến khích người dân bỏ tiền để dành và vay để mua cổ phiếu, với mục đích là doanh nghiệp thu được vốn qua bán cổ phiếu để lấy tiền giảm nợ.
Những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc
Chặn đà lao dốc của TTCK. Trước những biến động liên tục của TTCK, chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay sử dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn đà suy giảm mạnh của thị trường. Theo đó, các vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) bị hoãn lại, các quy định về cho vay ký quỹ chứng khoán được nới lỏng, thậm chí các nhà đầu tư được phép dùng căn nhà của họ để cầm cố vay tiền mua cổ phiếu.
Hôm 27/6, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cắt giảm lãi suất cơ bản và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại một số ngân hàng thương mại. Vài ngày sau, PBoC cung cấp hỗ trợ tài chính cho một nhóm gồm 21 công ty môi giới chứng khoán cam kết mua 120 tỷ nhân dân tệ, tương đương 19.3 tỷ USD, cổ phiếu và nắm giữ lượng cổ phiếu này trong 1 năm. Tiếp đó, ngày 8/7, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc ban lệnh cấm cổ đông với cổ phần trên 5% tại các công ty niêm yết, các nhà điều hành doanh nghiệp và thành viên hội đồng quản trị bán ra cổ phiếu trong vòng 6 tháng. Ngoài ra, Trung Quốc đã dành sẵn 483 tỷ USD để ổn định thị trường chứng khoán nước này, vốn đang đe dọa đến tăng trưởng của nền kinh tế. Theo đó, Tập đoàn Tài chính Chứng khoán Trung Quốc (CSF) có thể sử dụng số tiền này để mua cổ phiếu và hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.
Sau 2 tháng nỗ lực giải cứu đà lao dốc của thị trường với việc chi khoảng 200 tỷ USD thông qua các nhóm các tổ chức và các quỹ đầu tư thuộc nhà nước, Chính phủ Trung Quốc vừa đưa ra quyết định không sử dụng biện pháp bơm tiền để cứu thị trường nữa mà sẽ tăng cường kiểm soát và trừng phạt những vi phạm gây bất ổn định TTCK.
Nới lỏng việc kiểm soát đồng nhân dân tệ. Song song với các biện pháp khơi thông thị trường bất động sản, thúc đẩy tiêu thụ nội địa, ngày 11/8, Trung Quốc đã chính thức tuyên bố phá giá nhân dân tệ 1.9%, sau đó đồng tiền này giảm 3% trong 3 phiên liên tiếp. Việc phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc được cho là nhằm tiến tới tự do hóa tỷ giá và cũng như giúp phục hồi hoạt động xuất khẩu của nước này.
Liệu có thể hạ cánh “an toàn”?
Có thể thấy, triển vọng nền kinh tế Trung Quốc đang trở nên xấu hơn bao giờ hết sau khoảng 3 thập kỷ tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc hoàn toàn có đủ lực để vực dậy nền kinh tế của mình, thậm chí bằng các biện pháp cực đoan để ngăn chặn tình huống xấu nhất.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc từ 1996-2014
(Nguồn: Ngân hàng TW Trung Quốc)
|
Điều này không phải không có cơ sở khi sau một thời gian dài tăng trưởng, Trung Quốc đã tích lũy được lượng tài sản đủ lớn để hứng chịu được những cú sốc kinh tế. Cụ thể, với kho dự trữ ngoại hối khổng lồ, khoảng 3,700 tỷ USD thì Bắc Kinh đủ sức can thiệp vào thị trường thông qua các chính sách tiền tệ của mình.
Hải Dương
|