Thành phố Hồ Chí Minh: Đầu tư mạnh để giải quyết ùn tắc giao thông
Mới đây, UBND TPHCM đã có báo cáo kết quả chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011 - 2015 và phương hướng thực hiện giai đoạn 2016 - 2020. UBND TP đã đề ra 7 chỉ tiêu về giao thông, đến nay sau 5 năm thực hiện, có 6/7 chỉ tiêu đều đạt, duy chỉ có chỉ tiêu khối lượng vận tải hành khách công cộng (HKCC) chưa đạt chỉ tiêu đề ra.
Hiện tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang trong giai đoạn thi công lắp đặt các đốt dầm và dự kiến hoàn thành, đưa vào chạy thử năm 2019.
|
Vận tải hành khách xe buýt giảm mạnh
Năm 2011, UBND TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2015 đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân, nhưng đến nay, chỉ đáp ứng 9,8% nhu cầu - tương ứng 600 triệu lượt hành khách. Nguyên nhân do chính sách hạn chế xe cá nhân vẫn chưa được thực hiện. Số liệu thống kê cho thấy: Năm 2010 TP có 4,9 triệu xe cá nhân thì đến giữa tháng 7.2015 đã có 7,2 triệu xe. Việc phát triển rất nhanh của xe máy đã gây áp lực lên hạ tầng giao thông của TP và làm giảm đáng kể lượng khách đi xe buýt.
Trong khi đó, tiền trợ giá xe buýt liên tục giảm - từ 1.422 tỉ đồng trong năm 2011 xuống còn 1.180 tỉ đồng (năm 2015). Trong năm 2014, TP đã ngừng 3 tuyến xe buýt có trợ giá (mã số 143, 111, 26) và 5 tuyến xe buýt không trợ giá. Tính đến ngày 31.12.2014, tổng số xe buýt đang hoạt động là 2.797 xe - giảm 74 xe so với cuối năm 2013. Cùng với đó, có đến 75% số xe buýt đang hoạt động được đầu tư từ năm 2002, đến nay đã xuống cấp, nên không thu hút được người dân sử dụng.
Bên cạnh đó, TP chưa hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh BRT. Hạ tầng phục vụ xe buýt còn yếu kém, chưa có làn đường dành riêng, dẫn đến dòng phương tiện lưu thông hỗn hợp cùng xe máy và ôtô.
Với nhiều nguyên nhân dẫn đến khả năng vận chuyển HKCC bão hòa nói trên, riêng chỉ tiêu khối lượng vận tải HKCC được TP đề ra đến năm 2020 cũng chỉ đạt 9,9% - tăng 87 triệu lượt khách so với giai đoạn 2015. Tuy vậy, UBND TP nhận định, từ năm 2020 trở đi, khối lượng vận tải hành khách công cộng sẽ tăng đột biến khi các tuyến xe buýt nhanh BRT và các tuyến metro còn lại được tiếp tục đầu tư, khai thác, từng bước hình thành hệ thống vận tải hành khách công cộng liên hoàn.
Tăng hơn 3 lần vốn đầu tư cho giao thông
Theo UBND TP, từ đầu năm 2011 đến nay, TPHCM đã bố trí kế hoạch vốn đầu tư gần 39.000 tỉ đồng cho các dự án giao thông (chưa kể nguồn vốn ODA và nguồn vốn huy động khác). Đồng thời, chủ động phối hợp với Bộ GTVT để triển khai đẩy nhanh các dự án do bộ quản lý trên địa bàn TP. Bình quân từ đầu năm 2011 đến nay, số vụ ùn tắc giao thông kéo dài 30 phút đã giảm được gần 54%/năm. Dự kiến đến cuối năm 2015, tổng chiều dài đường làm mới trên địa bàn thành phố hơn 330km; xây dựng mới 74 cây cầu; mật độ đường giao thông đạt 1,95km/km2; tỉ lệ đất dành cho giao thông sẽ đạt 8,28%.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND TPHCM đề ra mục tiêu tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố kết nối trực tiếp với các dự án, công trình trọng điểm do trung ương đầu tư như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đầu tư các trục đường đối ngoại kết nối với vùng thành phố, khép kín vành đai 2, xây dựng vành đai 3, các nút giao thông trọng điểm như Mỹ Thủy, Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh; cầu vượt thép tại nút giao ngã 6 Gò Vấp, hầm chui tại ngã tư An Sương, nút giao thông An Phú, nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh, mở rộng các tuyến cửa ngõ thành phố như quốc lộ 50, quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh), đường Tân Kỳ - Tân Quý,…phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là giao thông công cộng lớn (metro, BRT…).
Được biết, nhu cầu vốn và kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2016 - 2020) lĩnh vực giao thông đường bộ khoảng 124.191 tỉ đồng (gồm vốn ngân sách nhà nước của trung ương, thành phố, ODA và các nguồn vốn khác).
Minh Quân
lao động
|