Lo ngại quy hoạch các dự án lọc dầu
Nguồn cung tăng lên khiến cho giá dầu thế giới tiếp tục bị đánh tụt. Trong khi Việt Nam vẫn lên kế hoạch xây dựng nhiều dự án lọc dầu triệu đô, điều này liệu có còn thích hợp?
Dẫn số liệu mới nhất của Bộ Tài chính cho biết, thu nội địa tháng 8 ước đạt 38,9 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% (giảm khoảng 44,7 nghìn tỷ đồng). Thu từ dầu thô tháng 8 ước đạt 4,7 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 0,8 nghìn tỷ đồng so với tháng trước. Lũy kế 8 tháng ước đạt 47,1 nghìn tỷ đồng, bằng 50,7% dự toán, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2014.
Sản lượng dầu thanh toán 8 tháng ước đạt 11,22 triệu tấn, bằng 76,2% kế hoạch năm, tăng 12,7% so với cùng kỳ; tuy nhiên do giá dầu giảm mạnh (bình quân gần 60 USD/thùng, giảm trên 40 USD/thùng so với giá dự toán), nên số thu từ dầu thô đạt thấp cả về tiến độ dự toán và so với cùng kỳ năm trước.
Với đà lao dốc của giá dầu, nhiều người đang lo ngại về quy hoạch các dự án lọc dầu trong nước. Theo dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 8 dự án lọc dầu với quy mô tự sản xuất được 55 -60 triệu tấn dầu/năm.
Bên cạnh dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) đang hoạt động, Việt Nam sẽ có thêm những dự án lọc dầu khác như Vũng Rô (Phú Yên), lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) hay lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định).
Hiện nay tiến trình các dự án lọc dầu vẫn chưa có thêm nhiều thông tin mới. Ngay cả như với dự án được kỳ vọng Victory ở Bình Định có vốn cam kết 22 tỉ đô la Mỹ của Thái Lan từng gây xôn xao một thời thì nay việc cấp phép chứng nhận đầu tư được hoàn tất hay chưa vẫn chưa rõ. Trong khi đó dự án lọc dầu Nghi Sơn cũng kế hoạch vận hành vào năm 2017 nhưng đến nay tiến độ cũng chỉ mới đạt được phân nửa.
Nhiều quan ngại đặt ra, khi giá dầu lên đỉnh, Việt Nam hi vọng trở thành “cường quốc” lọc dầu. Nhưng nay, thị trường đi ngược, giá dầu có thời điểm mất đi 60%, nếu không cẩn trọng Việt Nam sẽ thiệt đơn thiệt kép, chưa tính đến các câu chuyện về môi trường, an sinh xã hội.
Chuyên gia quy hoạch, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH- ĐT phân tích với Đại Đoàn Kết, sẽ phải cân nhắc về các dự án lọc dầu. Không chỉ là vấn đề về kinh tế mà còn cả môi trường. Qua việc tăng giảm giá dầu, kinh nghiệm thu được là coi trọng tính khả thi của dự án lọc hóa dầu.
Trả lời báo giới, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng các dự án lọc dầu sẽ bị ảnh hưởng. Các chủ đầu tư sẽ xem xét lại kế hoạch rót vốn, vì khi giá dầu giảm thì suất đầu tư, giá trị đầu tư, khả năng thu hồi vốn sẽ khác so với kế hoạch ban đầu.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty dầu khí. Lợi nhuận ít đi thì vốn để lại tái sản xuất mở rộng sẽ bị thu hẹp. Các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này sẽ chững lại, bởi giá thành khai thác các mỏ mới có thể cao hơn giá bán hiện nay.
Trong khi đó theo khẳng định của một số chuyên gia, xu thế giá dầu thế giới xuống thấp, các nhà đầu tư tận dụng khai thác mỏ dầu giá thành thấp và nâng cao hiệu quả khai thác thay vì mở rộng đầu tư mới, thêm. Nền kinh tế nên giảm lệ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên.
H.Hương
Đại đoàn kết
|