Nhịp đập Thị trường 09/09: VN-Index tăng phiên thứ 2 liên tiếp
Với lực đỡ từ nhóm các cổ phiếu lớn và lực mua từ khối ngoại duy trì trong suốt phiên giao dịch đã giúp cả hai chỉ số có phiên tăng khá thứ 2 liên tiếp. Trong đó, VN-Index chính thức vào vùng kháng cự 570-580 điểm.
Kết thúc giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 5.62 điểm, tương ứng 0.99% lên 572.34 điểm. Còn HNX-Index tăng 0.9 điểm, tương ứng 1.17% lên 78.16 điểm. Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 125 triệu đơn vị, tương ứng gần 2,000 tỷ đồng.
Khối ngoại phiên hôm nay cũng đóng góp tích cực vào mức tăng khi mua ròng 78 tỷ trên HOSE và 1.3 tỷ đồng trên HNX. Mua ròng đáng kể tại một số cổ phiếu như VCB, SKG, NT2, BCG, VND.
Về diễn biến chung toàn thị trường, không có nhiều điểm mới khi nhóm Ngân hàng tiếp tục là nhân tố dẫn dắt mạnh. Kết phiên nhóm này tăng 1.97%. Thông tin tác động là những tích cực trong quá trình xử lý nợ xấu, quá trình tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng cùng việc nhóm này đang nhận được sự quan tâm nhiều của khối ngoại (BID vào rổ danh mục FTSE, VCB được mua mạnh ở phiên hôm nay,...).
Bên cạnh nhóm Ngân hàng, thông tin giá dầu thế giới tiến lên mốc 50 USD cũng phần nào tác động. Một số doanh nghiệp Khai khoáng và Tiện ích như GAS, PVS, PVC, PVB, PVD... bật mạnh ở phiên hôm nay phần nào cũng tác động đến thị trường chung.
Nhìn chung, VN-Index tăng điểm cùng thanh khoản đi lên là tín hiệu tích cực nhưng cũng phải nhìn nhận, trong ngắn hạn vẫn còn những yếu tố đáng lưu tâm như vấn đề của Fed hay diễn biến tỷ giá,... Tuy nhiên, như theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng chung cho giai đoạn cuối năm là gia tăng, vì vậy, việc giải ngân vào những cổ phiếu tốt luôn được khuyến nghị.
14h00: Dòng tiền sẽ còn chờ động thái của Fed
Cả hai chỉ số vẫn tiếp tục gia tăng khá nhưng vấn đề không mới là thanh khoản vẫn chỉ ở mức khá hạn chế. Dưới diễn biến này, các chuyên gia nhìn nhận dòng tiền chưa vào thị trường mạnh là do tâm lý chờ đợi động thái của Fed và đây cũng là thông tin có ảnh hưởng đáng kể nhất trong ngắn hạn.
Tại buổi giao lưu trực tuyến do báo Đầu Tư Chứng khoán tổ chức sáng nay (09/09), ông Hoàng Công Tuấn – Chuyên gia cao cấp CTCK MB (MBS) cho biết: “Các yếu tố ngắn hạn có thể tác động mạnh mẽ tới thị trường (nếu có), là động thái tăng lãi suất của Fed trong các tháng cuối năm. Điều này có thể kích hoạt một lượng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài rút ra khỏi TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, tôi không cho rằng lượng vốn này là quá cao. Nhìn chung, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn cho thấy sự tin tưởng nhất định và triển vọng của TTCK Việt Nam. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3,950 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam”.
Ở góc độ đầu tư, ông Lê Đức Khánh – Giám đốc Chiến lược CTCK Maritime (MSI) cho biết: “Xét ở mặt bằng cổ phiếu hiện tại thì giá cổ phiếu nhóm bluechip không cao nên có thể coi là hấp dẫn về mặt đầu tư. Tuy nhiên, không phải cổ phiếu 'gắn mác" bluechip nào cũng có thể có tiềm năng tăng trưởng giống nhau, chỉ những mã cổ phiếu cổ phiếu bluechip thuộc ngành nghề kinh doanh hấp dẫn, được hỗ trợ về mặt vĩ mô mới có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn so với nhóm còn lại. Chúng ta đã chứng kiến nhóm bluechip ngành dầu khí tăng trưởng rất tốt trong năm 2014 và trong năm nay có thể kỳ vọng một số mã bluechip ngành Bảo hiểm (BVH), Ngân hàng (VCB), Hóa chất (DPM, DCM)… ”.
Tính đến gần 13h50, VN-Index tăng 7.46 điểm lên 574.18 điểm. Còn HNX-Index tăng 0.75 điểm lên 78.01 điểm. Thanh khoản toàn thị trường hơn 1,400 tỷ đồng. Các cổ phiếu Large Cap tăng mạnh nhất với 1.74%, trong khi đó các cổ phiếu Micro Cap đã bị bán ra và giảm 0.45%.
Phiên sáng: Tiếp tục thử thách nhà đầu tư?
Hai chỉ số vẫn duy trì mức tăng nhưng giao dịch chung đã chậm lại rất nhiều, thanh khoản theo đó ở mức thấp trở thành yếu tố thử thách lòng kiên nhẫn của giới đầu tư.
Trong phiên sáng nay, có 7/9 cổ phiếu thuộc nhóm Ngân hàng gia tăng, trong đó CTG, BID, VCB bứt phá mạnh và đóng vai trò dẫn dắt chính cho thị trường. Tăng mạnh nhất trong phiên sáng thuộc về nhóm Bảo hiểm với 2.11%, tuy nhiên đà tăng mạnh ở nhóm này chủ yếu đến từ cổ phiếu vốn hóa lớn BVH (tăng 1,000 đồng lên mức 46,700 đồng/cp).
Một số nhóm ngành khác cũng thể hiện sự tích cực trong phiên sáng như Khai khoáng với tâm điểm là các cổ phiếu Dầu khí như PVD, PVS, PVC, PVB,...; nhóm Tiện ích với GAS, PGD, NT2, VSH, SII dẫn đầu hay các nhóm Vận tải-Kho bãi, Xây dựng, Bất động sản, Chứng khoán với một số cổ phiếu nổi bật như VIC, VNS, VSC, PVT, REE, VCG, CII, SSI, BVS, VND,...
Ở chiều ngược lại, chỉ có 5/20 nhóm ngành suy giảm nhưng mức giảm cũng không quá mạnh. Giảm mạnh nhất ở Sản phẩm Cao su nhưng cũng chỉ 0.44%.
Trong phiên sáng, khối này mua vào trên HOSE hơn 90 tỷ đồng, gần gấp đôi con số mua vào trong phiên sáng ngày 08/09, lượng bán ròng trên HNX cũng không mạnh khi chỉ hơn 1 tỷ đồng. Một số cổ phiếu được khối ngoại giao dịch mạnh như SKG, VCB, BCG, HPG, VND, PVB.
Nhìn chung diễn biến thị trường trong phiên sáng vẫn có những điểm tích cực đáng ghi nhận. Ngoài nhóm cổ phiếu lớn tăng điểm, dòng đầu cơ cũng được chú ý rất nhiêu. Tuy nhiên khi chỉ số tăng khá mà thanh khoản toàn thị trường không cao sẽ là rủi ro đáng kể. Khả năng thị trường sẽ suy giảm trở lại và áp lực chốt lại có thể quay lại bất cứ lúc nào nhất là trong bối cảnh cổ phiếu đầu cơ được quan tâm như hiện nay.
Kết phiên sáng, VN-Index tăng 5.08 điểm lên mức 571.8 điểm. Còn HNX-Index tăng 0.64 điểm lên 77.9 điểm. Thanh khoản toàn thị trường ở mức hơn 1,050 tỷ đồng.
10h20: Thanh khoản yếu, VN-Index giằng co vùng 570-575 điểm
Gia tăng khá đầu phiên nhưng thanh khoản không cao, thậm chí còn suy giảm so với phiên trước tại cùng thời điểm đã làm cả hai chỉ số chùng xuống. Nhóm một số cổ phiếu trong VN30 và các cổ phiếu đầu cơ tăng khá là điểm nhấn hỗ trợ chỉ số.
Tính đến gần 10h20, nhóm VN30 tăng 4.61 điểm, tương ứng 0.79% lên 587.96 điểm. Tuy nhiên khối lượng giao dịch trong nhóm khá hạn chế khi chỉ gần 10 triệu đơn vị, tương ứng 224 tỷ đồng.
Thanh khoản không tích cực đã làm một số cổ phiếu như SSI, FPT, MBB,... giảm đà tăng hay thậm chí nhiều cổ phiếu như FLC, HAG, HCM, HSG, MSN, GMD, EIB, DRC đã về giá tham chiếu và tệ hơn 1 vài trong số này đã giảm điểm. Tích cực nhất và có ảnh hưởng có thể kể đến MBB, VCB, STB, PVD hay một số cổ phiếu ngoài VN30 như GAS, CTG, BID...
Một điểm đáng quan tâm ở hiện tại là sự bứt phá của các cổ phiếu đầu cơ nóng như BGM, BCG, TNT, HAR, VMI, VCS, VC7,... điều này cho thấy xu hướng nhà đầu tư hiện tại dường như đang chuyển qua việc trading ngắn hạn thay vì tập trung mạnh vô nhóm các cổ phiếu có cơ bản tốt và ổn định.
Tuy nhiên, việc tập trung vào nhóm đầu cơ khả năng cũng sẽ làm thị trường thêm rủi ro nhất là khi thông tin hỗ trợ không nhiều và chỉ số cũng tăng khá trong một vài phiên gần đây.
Mở cửa: Tiếp đà hưng phấn
Tăng mạnh ở phiên ngày 08/09 kèm theo đó là thanh khoản gia tăng đã giúp tâm lý rất nhiều nhà đầu tư trở nên thoáng hơn. Theo đó mở phiên sáng nay, thị trường tiếp tục cho thấy sự hưng phấn về mặt điểm số.
Sau 10 phút mở phiên, chỉ số HNX-Index tăng 0.56 điểm, tương ứng 0.73% lên 77.83 điểm. Khối lượng giao dịch trên sàn này đạt mức gần 2 triệu đơn vị, tương ứng 22 tỷ đồng.
Chỉ số VN-Index sau 15 phút đầu phiên tăng 7.34 điểm, tương ứng 1.3% lên 574.06 điểm. Khối lượng giao dịch ở mức gần 2 triệu đơn vị, tương ứng 33 tỷ đồng.
Nhóm các cổ phiếu Bảo hiểm, Ngân hàng và nhiều cổ phiếu đầu cơ gia tăng là nguyên nhân giúp chỉ số hai sàn tăng mạnh ngay đầu phiên. Rất nhiều cổ phiếu lớn trong VN30 như BVH, FPT, HPG, MBB, REE, VNM, VCB, VIC,... kết hợp với nhóm cổ phiếu Dầu khí như GAS, PVD... bứt phá là điểm nhấn đáng chú ý.
Thông tin nhận được Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng hơn 31,000 tỷ đồng trong thời gian từ 31/08 - 04/09 qua kênh tín phiếu cũng được nhà đầu tư đón nhận một cách tích cực.
Về thông tin quốc tế, Bộ trưởng dầu lửa của các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) dự kiến sẽ gặp mặt trong cuộc họp thường niên tại thủ đô Doha của Qatar vào ngày 10/9 hay thông tin từ hãng tin Bloomberg dẫn nguồn từ các nhà ngoại giao phương Tây cho biết các biện pháp trừng phạt về dầu mỏ và tài chính chống Iran có thể sẽ được dỡ bỏ trong quý 1/2016 cũng là những yếu tố tác động đáng kể đến thị trường.
Triệu Linh
|