Nguy cơ chiến tranh tiền tệ Đông Nam Á leo thang khi dự trữ ngoại hối giảm
Dự trữ ngoại hối ngày càng suy giảm của các quốc gia Đông Nam Á đang gia tăng nguy cơ chiến tranh tiền tệ trong bối cảnh các nhà làm chính sách hầu như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cho phép tỷ giá suy yếu.
* Biến động tiền tệ phá hỏng nỗ lực tăng trưởng của châu Á
* Bóng ma khủng hoảng 1997 ám ảnh châu Á
* Lịch sử chiến tranh tiền tệ
* “Cơn bão toàn diện” trên thị trường tiền tệ châu Á sau 2 ngày phá giá của Trung Quốc
Từ đầu năm đến nay, dự trữ ngoại hối của Malaysia đã giảm 19% xuống 94.5 tỷ USD, qua đó hạn chế khả năng của ngân hàng trung ương (NHTW) nước này trong việc ngăn chặn đà sụt giảm đến 17% của đồng ringgit. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Indonesia, sau khi đã giảm 6.9% trong 5 tháng tính đến hết tháng 7, có thể tiếp tục đối mặt với sức ép ngày càng lớn sau khi Ngân hàng Trung ương Indonesia hôm 21/08 cho biết sẽ tìm cách để ngăn chặn đồng rupiah rớt giá quá mạnh khi đồng tiền này đã giảm 12% trong năm nay.
Các đồng tiền khu vực đồng loạt rớt giá mạnh do giá cả hàng hóa xuất khẩu của khu vực này đang trên đà trượt dài cùng với động thái phá giá Nhân dân tệ của Trung Quốc và triển vọng lãi suất cao hơn tại Mỹ. Trước đà sụt giảm của đồng Nhân dân tệ, Việt Nam cũng đã quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VNĐ và USD thêm 1%, đồng thời nâng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%. Credit Suisse Group AG cho biết Thái Lan cũng đang ủng hộ việc giảm giá tiền tệ để khôi phục nền kinh tế hiện đang mở rộng với tốc độ chậm thứ hai khu vực, sau Singapore.
“Chúng ta ngày càng tiến sâu hơn vào một cuộc chiến tranh tiền tệ đáng lo ngại”, nhận định của Michael Every, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường tài chính của Rabobank Group tại Hồng Kông cho biết. Ông nói: “Trong một số trường hợp, đó là một chính sách có chủ ý. Trong các trường hợp khác, điều đó không có nghĩa là họ muốn xảy ra một cuộc chiến tiền tệ mà họ chỉ quan tâm đến các yếu tố cơ bản trong nước”.
Vẫn còn đủ?
Trong thông báo hôm 21/08, NHTW Malaysia cho biết dự trữ ngoại hối của nước này đủ để tài trợ cho 7.5 tháng nhập khẩu giữ lại. Còn theo số liệu từ NHTW Indonesia, mức dự trữ ngoại hối 107.55 tỷ USD tại thời điểm cuối tháng 7 đủ để trang trải cho 7 tháng nhập khẩu.
Hôm 13/08, Thống đốc NHTW Malaysia, Zeti Akhtar Aziz, cho biết đà sụt giảm của dự trữ ngoại hối Malaysia là đúng như dự tính và ngân hàng này sẽ củng cố kho dự trữ ngoại hối. Bà cho biết: “Chúng tôi sở hữu mức dự trữ ngoại hối cao và đó chính là nguồn vốn đệm trong suốt giai đoạn này. Chúng tôi nắm giữ nhiều hơn lượng dự trữ mà quốc gia chúng tôi cần, chính xác là để phòng ngừa các trường hợp tình thế đảo ngược hoàn toàn”.
Trước đó vào hôm 05/08, Thống đốc NHTW Indonesia, ông Nanang Hendarsah, cho biết dự trữ ngoại hối cần được duy trì để quản lý tiền tệ. Lượng dự trữ ngoại tệ vẫn còn đủ và cần phải ngăn đồng rupiah rớt giá quá mạnh.
Hậu quả khó lường
Trong năm nay, các đồng tiền khác của Đông Nam Á giảm nhẹ hơn so với đồng ringgit và rupiah. Tính đến ngày 23/08, đồng baht của Thái Lan giảm 8%, đồng VNĐ của Việt Nam hạ 5% trong khi đồng peso của Philippines trượt 4.4%.
Việc sử dụng tỷ giá như một công cụ để thúc đẩy thương mại có thể dẫn tới những hậu quả khó lường, chẳng hạn như điều này có thể châm ngòi cho làn sóng phá giá cạnh tranh trên khắp khu vực, Bộ trưởng Tài chính Philippine Cesar Purisima cho biết.
Ông cho biết: “Lợi ích từ việc phá giá cuối cùng có thể ảnh hưởng xấu đến chi phí vì nhà đầu tư có thể xem đồng Nhân dân tệ yếu là khoản cược một chiều và thổi bùng nỗi lo sợ về sự tháo chạy của dòng vốn”.
Số liệu công bố hôm 23/08 cho thấy dự trữ ngoại hối tính đến ngày 14/08 của Thái Lan đã giảm 1% trong năm nay xuống mức 155.3 tỷ USD.
“Xét về lượng dự trữ ngoại hối so với lượng nợ nước ngoài ngắn hạn, Thái Lan vẫn còn khả quan hơn so với các quốc gia như Malaysia và Indonesia, nhận định của Toru Nishihama, nhà kinh tế thị trường mới nổi thuộc Dai-ichi Life Research Institute Inc. tại Tokyo. Ông cho biết thêm: “Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) có thể cho phép đồng baht yếu hơn dù đồng tiền này đang bắt kịp đà sụt giảm của các đồng tiền khác”.
Xuất khẩu của Indonesia liên tục sụt giảm trong 10 tháng qua và rớt 19% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2012. Xuất khẩu của Thái Lan cũng liên tục sụt giảm trong 6 tháng đầu năm nay trong khi xuất khẩu của Malaysia giảm 4/6 tháng vừa qua.
Điều này đã khiến 3 nền kinh tế nói trên tăng trưởng chậm hơn trong quý 2 vừa qua. Cụ thể, GDP Thái Lan mở rộng 2.8%, GDP của Malaysia tăng trưởng 4.9%, mức tăng trưởng yếu nhất trong 2 năm. Kinh tế Indonesia cũng ghi nhận quý tồi tệ nhất kể từ năm 2009 với mức tăng trưởng 4.67%.
Malaysia và Indonesia đang đối mặt với khó khăn là trong bối cảnh không còn nhiều biện pháp dự phòng, nước này phải thận trọng hơn trong việc bảo vệ đồng nội tệ của mình, ý kiến của nhà kinh tế Santitarn Sathirathai tại Credit Suisse. Theo ông, Thái Lan thì chỉ muốn cố tình hạ giá nội tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Khó khăn mà họ đang phải đối mặt hiện nay là tăng trưởng và cần phải phụ thuộc nhiều hơn vào tiền tệ của mình”.
Phước Phạm (Theo Bloomberg)
|