Thứ Ba, 01/09/2015 11:19

Abenomics lung lay từ "cú hích Trung Quốc"

Hiệu ứng lan tỏa từ rối loạn kinh tế Trung Quốc (TQ) sẽ đẩy Nhật Bản trở lại khó khăn do giảm phát.

Gần đây nhất là 10 năm trước, suy giảm của kinh tế TQ không có ảnh hưởng nào đối với kinh tế Nhật Bản. Vào thời điểm đó, hầu hết hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang TQ là các thành phần, như màn hình tinh thể lỏng. Chúng sẽ được lắp ráp thành TV tại các nhà máy của Nhật đặt tại đại lục và sau đó tái xuất. Đối với các nhà sản xuất Nhật khi đó thì điều quan trọng nhất là nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Nhưng thời thế đã thay đổi. "Tầm quan trọng của nhu cầu của thị trường tiêu dùng TQ đang gia tăng cho nền kinh tế Nhật Bản, thậm chí đã gần bằng thị trường Hoa Kỳ”, Naohiko Baba, chuyên gia kinh tế về Nhật Bản tại Goldman Sachs, nhận định. Những dữ liệu phân tích của nhà kinh tế Yuki Masujima đã chỉ ra rằng thương mại với TQ đóng góp tới 13% vào GDP của Nhật Bản. Mức này còn cao hơn cả đóng góp từ thương mại song phương với Mỹ. Do đó, đối với chính sách kinh tế của Nhật Bản thì tỷ giá hối đoái giữa yên và nhân dân tệ bây giờ có ảnh hưởng mạnh hơn cả tỷ giá yên và USD. Vì thế, biến động của kinh tế TQ sẽ cộng hưởng với một nền kinh tế ốm yếu sau cả thập kỷ giảm phát của Nhật Bản, hình thành một cú sốc làm suy yếu các chương trình kích thích kinh tế Abenomics mà Thủ tướng Shinzo Abe đang đánh cược với tương lai chính trị của mình.

Suy thoái của TQ có thể buộc các ngân hàng của Nhật Bản nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ. Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ), đã chịu áp lực từ việc tiêu thụ nội địa yếu kém, sẽ có nhiều khả năng phải hành động vào tháng 10 tới đây. BoJ khẳng định chương trình mua tài sản khổng lồ vẫn tiếp tục để khắc phục tình trạng giảm phát. Thống đốc Haruhiko Kuroda đã nhắc lại điều này ở New York vào tuần trước, nhưng nói thêm rằng, "BoJ sẽ điều chỉnh mà không do dự nếu cần thiết".

 

Sử dụng một cơ sở dữ liệu đầu vào-đầu ra toàn cầu, ông Baba ước tính: vào năm 2000, nhu cầu cuối ở TQ chiếm 0,5% sản lượng hàng hóa của Nhật Bản so với 3,5% đối với Mỹ, cả hai nền kinh tế này hiện hấp thụ khoảng 2% hàng hóa giá trị gia tăng của Nhật Bản. Như vậy, tốc độ tăng trưởng của TQ đã trở nên quan trọng đối với Nhật Bản cũng như tỷ giá hối đoái. Một mức giảm 1 điểm phần trăm nhu cầu trong nước của TQ gây thiệt hại 0,1 điểm phần trăm trong GDP Nhật Bản, trong khi ảnh hưởng từ sự giảm giá mạnh của chỉ là 0,01%.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế TQ năm nay tăng trưởng 6,8%, thấp nhất kể từ năm 1990. Sự tăng trưởng chậm lại của TQ và đồng nhân dân tệ yếu đang gây ra những vết thương lan rộng. Theo tính toán của Oxford Economics, nếu đồng tiền TQ giảm 10% trong năm nay thì có thể khiến tăng trưởng của Hàn Quốc năm 2016 sụt 1,16%, còn tăng trưởng của Indonesia giảm 0,32%. Với tỷ lệ 18% xuất khẩu của Nhật Bản sang TQ, 54% sang châu Á, sự suy giảm tại TQ ảnh hưởng đến tất cả các nền kinh tế của khu vực. Các doanh nghiệp Nhật Bản có thể trì hoãn đầu tư tăng năng lực xuất khẩu, tiếp tục làm tổn thương nhu cầu.

IMF cố gắng mô hình các tác động của suy thoái của TQ: Báo cáo năm 2014 tìm thấy một điểm phần trăm của các thị trường mới nổi dẫn tới sụt giảm 0,5% trong tăng trưởng của Nhật Bản - lớn hơn so với tác động vào Mỹ 5 lần. Ngoài các hiệu ứng xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp, suy thoái của TQ có tác dụng giảm phát rộng hơn, rõ ràng nhất thông qua giá cả hàng hóa. Giá dầu giảm trong khoảng 40 USD một thùng phá hủy kế hoạch của BoJ trong việc đưa lạm phát về mức 2%. Dự báo của BoJ trước đó về giá dầu là 70 - 75 USD.

"Mặc dù mức giảm giá dầu có tác động tích cực cho hoạt động kinh tế trong dài hạn, trong ngắn hạn nó có tác động giảm lạm phát thông qua sự suy giảm trong giá năng lượng như giá xăng và điện", ông Kuroda nói. Các nhà kinh tế tại Citi ở Tokyo ước tính kéo lạm phát từ giá năng lượng hiện nay sẽ đạt 1,5 điểm phần trăm vào tháng 10, và vẫn ở mức trên 1 điểm phần trăm vào giữa năm 2016, làm cho nguy cơ giảm phát nặng nề hơn.

"Đây không chỉ là việc của TQ. Đây là việc của các nền kinh tế mới nổi nói chung", theo ông Masamichi Adachi đến từ Ngân hàng JPMorgan ở Tokyo. Nếu tiếp tục cuộc đối đầu dai dẳng này với sự thay đổi lớn từ kinh tế TQ, nhiều nhà phân tích cho rằng Nhật Bản cũng phải thay đổi chiến lược Abenomics một cách thích ứng

Hà Cúc

doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   McDonald's sẽ buông bất động sản? (01/09/2015)

>   Vàng tiến hơn 3%/tháng, mạnh nhất kể từ tháng 1 (01/09/2015)

>   Dầu bất ngờ vọt gần 9% lên sát 50 USD/thùng (01/09/2015)

>   Trung Quốc bơm tiếp 22 tỷ USD vào thị trường liên ngân hàng (31/08/2015)

>   Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc (31/08/2015)

>   Mỹ sắp cấm vận Trung Quốc? (31/08/2015)

>   Lao động trẻ Trung Quốc hoang mang vì cú sốc kinh tế (31/08/2015)

>   Thời Báo Hoàn Cầu nói về các điểm yếu kinh tế Trung Quốc (31/08/2015)

>   Các doanh nghiệp Đông Nam Á chật vật với mối lo nợ ngoại tệ (30/08/2015)

>   Cú sảy chân của kinh tế Trung Quốc (30/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật