Mỹ sắp cấm vận Trung Quốc?
Chính phủ Mỹ đang xem xét ban hành lệnh cấm vận kinh tế chống lại các công ty và cá nhân ở Trung Quốc mà Mỹ tin rằng đang thu lợi từ việc đánh cắp các bí mật công nghệ của Mỹ, tờ Washington Post đưa tin vào hôm qua Chủ nhật 30-8.
Tấn công tin học để đánh cắp bí mật kinh doanh luôn là mối cản trở quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh minh họa Reuters
|
Dẫn các nguồn tin ẩn danh trong chính phủ Mỹ, tờ Washington Post cho biết, quyết định cuối cùng về việc ban hành lệnh cấm vận sẽ được đưa ra sớm, trong vòng hai tuần tới, ngay trước chuyến viếng thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thủ đô Washington D.C. vào tháng 9.
Việc Mỹ ban hành lệnh cấm vận vào một thời điểm “hết sức nhạy cảm” như vậy cho thấy một sự cứng rắn đáng kể trong phản ứng của chính phủ Mỹ đối với làn sóng “gián điệp kinh tế trên không gian mạng” xuất phát từ Trung Quốc và đang ngày càng tăng, đánh cắp mọi thứ, từ bản thiết kế nhà máy điện hạt nhân, mã nguồn các công cụ tìm kiếm cho đến quan điểm thương lượng của các tập đoàn năng lượng. Thống kê mà Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) công bố trong tháng trước ghi nhận số vụ tấn công tin học nhắm vào nước Mỹ đã tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái, phần lớn do tin tặc Trung Quốc thực hiện, theo Washington Post.
Mối nghi ngờ tin tặc Trung Quốc tiến hành hàng loạt cuộc tấn công đánh cắp dữ liệu điện tử của Mỹ từ lâu đã là điều khó chịu trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các quan chức chính phủ Obama nhiều lần nói rằng, Trung Quốc là nghi can hàng đầu trong vụ thâm nhập Văn phòng Nhân sự Mỹ, đánh cắp dữ liệu cá nhân của khoảng 4,2 triệu công chức đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu của chính phủ Mỹ. Trung Quốc bác bỏ mọi cáo buộc này.
Các quan chức chính phủ Mỹ và chuyên gia phân tích tin học nói rằng tin tặc Trung Quốc sử dụng các mánh khóe kỹ thuật cao để xây dựng các cơ sở dữ liệu khổng lồ có thể được sử dụng vào công việc gián điệp kiểu truyền thống, chẳng hạn như tuyển mộ điệp viên hoặc chiếm quyền thâm nhập vào các dữ liệu bí mật trên các mạng nội bộ.
*
Quan hệ giữa hai nước hiện đã khá căng thẳng do một số vấn đề khác, từ việc Trung Quốc xây đảo trái phép ở quần đảo Trường Sa trên biển Đông tới chuyện Bắc Kinh phá giá đồng tiền để ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường chứng khoán gần đây. Tuy vậy giữa hai bên còn có các mối quan hệ thương mại mật thiết và Mỹ thường ít khi muốn tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc.
Lần này, nếu Washington quyết đưa ra biện pháp cấm vận kinh tế - cùng với việc bắn 21 phát đại bác và mở quốc yến tiếp đãi Chỉ tịch Tập Cận Bình – thì đó là dấu hiệu cho thấy Mỹ đã hết kiên nhẫn.
Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra lời bình luận về thông tin đăng tải trên tờ Washington Post, nhưng một quan chức cao cấp trả lời hãng tin Reuters rằng, hồi tháng Tư năm nay Tổng thống Obama đã ký một sắc lệnh cho phép sử dụng biện pháp cấm vận kinh tế chống lại các tin tặc, trong một “chiến lược” toàn diện bao gồm các chính sách kết nối về ngoại giao, các công cụ kinh tế-tài chính, các cơ chế thực thi pháp luật và áp đặt cấm vận với các cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động tấn công tin học nguy hại”.
Nếu lệnh cấm vận được ban hành trong vòng hai tuần tới thì đây là lần đầu tiên sắc lệnh tháng Tư của Tổng thống Obama được thực thi lần đầu tiên, theo Reuters.
Một quan chức cao cấp khác của Nhà Trắng đánh giá, lệnh cấm vận sẽ phát đi hai tín hiệu: “Nó sẽ gửi tín hiệu cho Bắc Kinh thấy rằng Chính phủ Mỹ đã bắt đầu chiến đấu chống lại tình trạng gián điệp kinh tế; nó cũng đồng thời gửi tín hiệu cho các công ty tư nhân Mỹ rằng, chính phủ luôn sát cánh cùng họ. Với Trung Quốc, không cần nói thêm nữa (enough is enough)”.
*
Theo Wahington Post, quyết định “cấm vận Trung Quốc” đã nhận được sự đồng thuận cao từ các bộ ngành trong Chính phủ Mỹ, dù một số quan chức vẫn muốn chính quyền cẩn trọng hơn, lùi thời hạn công bố cấm vận thêm vài ngày để tránh trùng hợp với chuyến thăm của ông Tập.
Một số chuyên gia cũng đã chỉ ra những rủi ro đi kèm với cấm vận. Jeffrey A. Bader, nguyên cố vấn chính về châu Á của Tổng thống Obama giai đoạn 2009-2011, cho rằng nếu cấm vận được thực thi thì “khả năng Trung Quốc trả đũa là rất cao”. Cho nên, theo ông Bader, nếu có bằng chứng rõ ràng chứng minh được các cá nhân, công ty Trung Quốc thu lợi từ các tài sản trí tuệ bị đánh cắp từ Mỹ thì cấm vận mới tỏ ra thích hợp.
Một số quan chức thì lo ngại Trung Quốc sẽ trả đũa bằng cách phân biệt đối xử với các công ty Mỹ, ngăn các công ty Mỹ ký hợp đồng hoặc tham gia thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, một số người khác cho rằng, dù không có cấm vận, doanh nghiệp Mỹ và các nước khác cũng đã bị phân biệt đối xử, bị hạn chế quyền tiếp cận thị trường, bị chặn không cho tham gia các hợp đồng mua sắm của chính phủ vì Bắc Kinh tạo ra các thị trường được bảo hộ chỉ dành riêng cho doanh nghiệp nội địa, đưa ra những quy định buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ và bản quyền trí tuệ như một điều kiện để được kinh doanh tại Trung Quốc.
Chưa biết có bao nhiêu công ty, cá nhân ở Trung Quốc bị cấm vận lần này và đó là những tên tuổi nào. Hãy chờ xem.
Thái Bình (theo Wahington Post, Reuters)
tbktsg
|